| Hotline: 0983.970.780

Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lãi trước thuế 685 tỷ đồng

Thứ Hai 11/06/2018 , 14:10 (GMT+7)

Cổ đông lớn PVN dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51% trong năm 2018, so với mức 75,5% hiện tại.

Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới đây, CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) sẽ trình kế hoạch kinh doanh với sản lượng đạm tiêu thụ đạt 751.000 tấn, dự kiến mang về 5.496 tỷ đồng tổng doanh thu. Tương ứng lợi nhuận trước thuế 685 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 650 tỷ đồng, tăng trưởng so với thực hiện năm 2017. Riêng công ty mẹ đặt mục tiêu doanh thu 5.473 tỷ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 649 tỷ đồng.

Năm 2018, Đạm Cà Mau triển khai nhiều chương trình trải nghiệm bộ sản phẩm phân bón đến tận người nông dân

Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, Đạm Cà Mau cho biết sẽ đôn đốc triển khai đúng tiến độ dự án nhà máy sản xuất phân bón phức hợp NPK công suất 300.000 tấn/năm cũng như dự án cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm.

Riêng về nhà máy sản xuất NPK, dự án được khởi công từ quý 2/2017, dự kiến đi vào vận hành cuối năm nay. Dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường NPK trong nước đang rất lớn, khoảng 4 triệu tấn; hiện Công ty đang tập trung phát triển thị trường để tiêu thụ sản phẩm sau khi dự án đi vào sản xuất..

Tây Nam Bộ là thị trường chính của Đạm Cà Mau với thị phần khoảng 60% trong năm 2017, tăng 7% so với mức thị phần năm 2016. Lợi thế của công ty là vị trí nhà máy thuận lợi, qua đó tiết kiệm được chi phí vận chuyển, hơn 50% lượng urea sản xuất của công ty được bán tại khu vực này.

Ngoài Tây Nam bộ, Campuchia cũng đang vươn lên trở thành một thị trường quan trọng của Đạm Cà Mau. Nhu cầu urea của thị trường Campuchia khoảng 250.000 – 280.000 tấn mỗi năm. Trong đó, urea hạt đục chiếm khoảng 95% tổng lượng urea tiêu thụ tại thị trường này. Lợi thế của Đạm Cà Mau là Campuchia tiếp giáp với vùng Tây Nam Bộ nhờ có hệ thống sông Mekong. Việc vận chuyển bằng đường thủy từ nhà máy của Đạm Cà Mau đến Campuchia thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác vận chuyển bằng đường bộ nên công ty tốn ít chi phí hơn để tới các điểm phân phối. Điều này giúp sản lượng bán ra tại thị trường này tăng trưởng nhanh và chiếm được thị phần đáng kể.

Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác, sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc và giá nguyên liệu đầu vào tăng tạo áp lực cho hoạt động của Đạm Cà Mau. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cung cấp phân bón cho Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2017 tổng lượng phân bón nhập khẩu từ thị trường này tăng 20% đạt gần 2,4 triệu tấn tương đương 641 triệu USD.

Bộ sản phẩm Đạm Cà Mau hiện có trên thị trường cùng với nhiều chính sách mới về kinh doanh sẽ chiếm trọn tình cảm của bà con

Biến động giá khí thiên nhiên cũng là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận gộp nhiều doanh nghiệp sản xuất. Giá vốn hàng bán chiếm trung bình khoảng 70%-77% tổng doanh thu, trong đó khí thiên nhiên thường chiếm 70% giá vốn hàng bán của mặt hàng này.

Nhưng khác với nhiều doanh nghiệp trong ngành, Đạm Cà Mau vẫn đang trong giai đoạn được áp dụng giá khí từ PVN theo hợp đồng mua bán khí được điều chỉnh hằng năm trong giai đoạn từ 2015-2018, đảm bảo suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của DCM đạt trên 12%.

Với lợi thế về nguyên liệu đầu vào được bảo đảm từ PVN đến hết năm 2018, cùng với đó là thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi giảm 50% đã tạo bàn đạp để Đạm Cà Mau liên tục gia tăng thị phần cũng như vị thế của công ty không chỉ trong nước mà còn ở một số quốc gia như Campuchia, Lào, Myanmar… Từ tháng 10/2016, công ty cũng hoàn tất việc nâng công suất nhà máy lên 110%, với công suất hiện tại sản lượng phân bón được sản xuất tối đa đạt 880.000 tấn Ure mỗi năm.

Năm 2017, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành với hiệu suất lên tới 108% công suất, qua đó đưa sản lượng năm 2017 cán mốc 850.000 tấn, hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng. Công ty tiêu thụ được 940.000 tấn phân bón các loại, giúp doanh thu tăng trưởng trên 10% so với năm trước. Lần đầu tiên bộ sản phẩm Đạm Cà Mau với hơn 7 loại sản phẩm vô cơ, khoáng hữu cơ, sinh học như N46Plus, N46 Nano, C+... đã được đưa ra thị trường.

Kết thúc quý I/2018, Đạm Cà Mau đạt 1.315 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, với lợi nhuận sau thuế gần 260 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau tăng lên hơn 6.394 tỷ đồng ở thời điểm tháng 3, trên vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng. Trong đó, tổng quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 803 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Đạm Cà Mau dự kiến diễn ra ngày 12/06. Mục tiêu công ty đặt ra trong năm nay là thực hiện công tác tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời kiện toàn bộ máy nhân sự vững mạnh để thực hiện chiến lược kinh doanh với nhiều giải pháp đồng bộ giúp công ty phát triển bền vững. Theo đó PVN sẽ thoái một phần vốn tại công ty trong năm 2018 xuống 51% vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính của Đạm Cà Mau, tỷ lệ sở hữu của PVN hiện là hơn 75,5%.

Xem thêm
Lộc Trời ra mắt 2 sản phẩm sinh học mới

CẦN THƠ Ngành Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời đã chính thức công bố, ra mắt hai bộ giải pháp canh tác sinh học với các sản phẩm dành riêng cho cây lúa NEMACES và ANMITE 40SC.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.