| Hotline: 0983.970.780

Đạm Cà Mau vững bước trên chặng đường dài

Chủ Nhật 09/11/2014 , 09:22 (GMT+7)

Sau 30 tháng đi vào hoạt động, 18h ngày 4/11/2014, Nhà máy Đạm Cà Mau - dự án tâm huyết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chính thức cán mốc 2 triệu tấn.

Dấu mốc quan trọng này không chỉ khẳng định năng lực tổ chức, quản lý vận hành của cán bộ, kỹ sư, công nhân Đạm Cà Mau mà còn khẳng định niềm tin, sự tín nhiệm của bà con nông dân đối với thương hiệu “Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng”.

Vận hành ổn định, hiệu quả cao

Ngày 29/1/2012, Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức đón sản phẩm đầu tiên. Từ đó đến nay, nhà máy luôn duy trì sản xuất ổn định, an toàn, đạt  công suất cao. Sản lượng Đạm Cà Mau hiện đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước, đưa Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) trở thành một trong những nhà sản xuất và kinh doanh phân bón hàng đầu của Việt Nam.

Ngay từ quá trình thi công dự án, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đặt ra yêu cầu cao về tính hiệu quả. Sau 43 tháng thi công, nhà máy hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và đặc biệt đã tiết kiệm được trên 200 triệu USD so với tổng mức đầu tư được duyệt. Lợi thế lớn nhất của Đạm Cà Mau là nhà máy đạm đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam sản xuất được ure hạt đục chất lượng cao. Loại đạm này có đặc tính chậm phân giải, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, làm cho cây xanh bền và tiết kiệm phân bón, cỡ hạt đồng đều, không mạt nên dễ rải và dễ phối trộn…

Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất khu vực Đông Nam Á, công suất 800.000 tấn urê/năm. Công nghệ được áp dụng cho nhà máy đều là các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay, bao gồm: Công nghệ sản xuất Ammonia của Haldor Topsoe A/S (Đan Mạch); công nghệ sản xuất urê của SAIPEM (Italy); công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp. (Nhật Bản). Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7. Công nghệ và thiết bị hiện đại đã giúp nhà máy tiêu hao năng lượng thấp và ít gây tác hại đến môi trường.

Sau gần 3 năm ra thị trường, sản phẩm Đạm Cà Mau của PVCFC đã trở thành dòng sản phẩm ưu thế và được thị trường đón nhận tích cực. Nếu như năm 2012 công ty sản xuất và tiêu thụ 446.000 tấn, doanh thu đạt 4.076 tỷ đồng, thì bước sang năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi nguồn cung urê trong nước vượt cầu, thị trường của công ty vẫn phát triển rộng khắp với khối lượng tiêu thụ gần 750.000 tấn, doanh thu đạt 6.259 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2014, PVCFC đã đưa ra thị trường 575.000 tấn, doanh thu đạt 4.334 tỷ đồng.     

Sản phẩm không chỉ phát triển mạnh ở các thị trường mục tiêu là ĐBSCL, Campuchia mà còn có mặt ở nhiều nước trong khu vực như: Thái Lan, Bangladesh, Hàn Quốc và Philippinnes. Năm 2013 công ty đã xuất khẩu đạt 74.000 tấn và năm 2014, theo kế hoạch sẽ xuất khẩu 100.000 tấn.

Đem thịnh vượng đến các miền quê

Là công trình trọng điểm quốc gia, bên cạnh yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn khí thiên nhiên tại mỏ PM3 Cà Mau cho việc sản xuất điện - đạm, Đạm Cà Mau còn đặt ra nhiệm vụ đồng hành với hàng triệu nông dân Việt Nam, giúp họ làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực của đất nước.

PVCFC đã tổ chức hàng trăm buổi phổ biến kỹ thuật cho bà con về cách sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm với các diễn giả là các nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bà con  nông dân được nâng cao kiến thức trong trồng trọt, hiểu rõ hơn đặc tính của từng loại phân bón để có thể lựa chọn cho đồng đất quê mình những sản phẩm phù hợp.

Doanh số bán hàng quan trọng nhưng không quan trọng bằng lợi ích của người nông dân. Lợi ích bà con có đảm bảo thì công ty mới phát triển bền vững. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của PVCFC đã trực tiếp ra đồng cùng bà con, sẵn sàng đồng hành giúp bà con để cung cấp các giải pháp về dinh dưỡng cây trồng với mục tiêu góp phần đem lại mùa vàng thắng lợi, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam và dưỡng đất đai cho việc sản xuất lâu dài – Ông Bùi Minh Tiến – Tổng Giám đốc PVCFC chia sẻ.

Việc đạt mốc sản lượng 2 triệu tấn theo ông Tiến chỉ là bước khởi đầu. Tới đây, PVCFC sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các dự án nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhà máy Đạm Cà Mau. Thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt ngọc Mùa Vàng  được kỳ vọng sẽ vươn xa hơn thị trường ĐBSCL, đến với bà con nông dân khắp các vùng miền của đất nước, được ưa chuộng tại nhiều nước bạn như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippin...

Nhằm đa đạng hóa  các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp, tháng 12 tới, PVCFC sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần theo đúng phương án tái cấu trúc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt. Việc chuyển đổi công ty sang mô hình công ty cổ phần và niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ đánh dấu bước chuyển mình của PVCFC trong thời gian tới với mô hình quản trị mới và tiên tiến sẽ giúp Công ty triển khai thành công chiến lược phát triển dài hạn, bền vững đã đề ra.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm