| Hotline: 0983.970.780

Đầm Hà chú trọng thực hiện tiêu chí hạ tầng

Thứ Năm 24/10/2013 , 10:56 (GMT+7)

Việc triển khai thực hiện một số tiêu chí xây dựng NTM ở Đầm Hà (Quảng Ninh) khá khó khăn, nhất là tiêu chí hạ tầng.

Với đặc thù là huyện miền núi, diện tích đất canh tác bị chia cắt phân tán, manh mún theo địa hình; dân cư không tập trung,... do đó, việc triển khai thực hiện một số tiêu chí xây dựng NTM ở Đầm Hà (Quảng Ninh) khá khó khăn, nhất là tiêu chí hạ tầng.

Xã hội hóa các nguồn lực

Có thể nói khó khăn là vậy, thế nhưng thời gian qua huyện Đầm Hà đã huy động được nguồn lực xã hội lớn để thực hiện xây dựng NTM. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, với việc thực hiện hiệu quả phân bổ trực tiếp nguyên vật liệu cho các địa phương làm công trình giao thông, thuỷ lợi (theo Quyết định 301 của UBND tỉnh) thì người dân vào cuộc một cách mạnh mẽ, đạt được hiệu quả cao. Cụ thể, đến thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, toàn huyện đã hoàn thiện 34 tuyến đường liên thôn, xóm với tổng chiều dài gần 15,5 km, tổng giá trị trên 22 tỷ đồng; thi công 3 tuyến kênh mương cấp III với chiều dài hơn 2 km, tổng giá trị 3 tỷ đồng.

Ông Vũ Xuân Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đầm Hà, khẳng định: “Việc triển khai hỗ trợ thực hiện các hạng mục hạ tầng xây dựng cơ bản theo hướng trực tiếp như Quyết định 301 của tỉnh thực sự rất phù hợp. Cũng ở mức hỗ trợ ấy, thế nhưng bằng tiền thì nhiều khi còn có phần chậm trễ, phải vận động nhiều thế nhưng bằng nguyên vật liệu thì người dân xông pha làm ngay, sẵn sàng hiến đất, di chuyển công trình; đóng góp ngày công lao động, tiền mặt”.


Nhân dân Đầm Hà tích cực xây dựng đường giao thông nông thôn

Thực tế từ đầu năm đến nay, trong tổng giá trị trên 22 tỷ đồng thực hiện gần 15,5 km đường chỉ có 7,6 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, còn lại trên 14 tỷ đồng do dân đóng góp. Cũng như vậy, ở 2 km tuyến kênh mương đã thực hiện với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng, chỉ có 714 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Như vậy, tính ra mức đóng góp của dân đạt trên dưới 70% giá trị công trình, một tỷ lệ cao so với cả những huyện, thị có điều kiện kinh tế, chứ chưa nói đến các đơn vị khu vực miền Đông, vốn khó khăn.

Điều đặc biệt là trong khi việc xây dựng kênh mương nội đồng ở hầu khắp các địa phương rất khó huy động đóng góp xã hội hóa, thì Đầm Hà lại làm rất tốt việc này, tỷ lệ đóng góp của dân đạt gần 80% giá trị công trình.

Ông Đặng Duy Minh, Phó Ban NTM huyện Đầm Hà, cho biết, trong suốt thời gian xây dựng NTM vừa qua, thì thời điểm từ đầu năm đến nay huyện Đầm Hà đã đạt kết quả huy động xã hội hóa cao nhất. Quan trọng hơn, tinh thần người dân nhập cuộc một cách rất phấn khởi, nhiệt tình. Điều này một phần không nhỏ xuất phát từ việc hỗ trợ trực tiếp nguyên vật liệu cho dân. Đây là cơ sở quan trọng để huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nhanh chóng thay đổi diện mạo nông thôn và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Từ thành công trong việc hỗ trợ trực tiếp nguyên vật liệu xây dựng công trình cơ bản vừa qua nên trong đợt đăng ký tiếp nhận nguyên vật liệu đợt 2 năm 2013 này, số lượng xã đăng ký đã tăng đột biến, vượt xa so với mức bố trí vốn và phân bổ nguyên vật liệu của tỉnh dành cho địa phương này. Bởi vậy huyện Đầm Hà đã phải cắt giảm, lựa chọn công trình để đầu tư. Theo ông Minh, việc này là bất đắc dĩ, bởi trong khi khí thế của người dân đang rất sôi nổi, nhiệt tình, sẵn sàng đóng góp để xây dựng công trình mà chúng ta lại không thể hỗ trợ phần nguyên vật liệu, dẫn đến phải cắt giảm thì về sau này chắc chắn sẽ khó huy động hơn, mức độ đóng góp của người dân sẽ thấp hơn.

Hạ tầng là đòn bẩy phát triển sản xuất

Hệ thống hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện chính là đòn bẩy giúp phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Điệt, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Đầm Hà.

Theo ông Điệt, với hệ thống thủy lợi được cứng hóa, giao thông thuận tiện, huyện đã triển khai được hàng chục dự án, mô hình phát triển sản xuất lớn. Qua đánh giá hiệu quả các mô hình sản xuất thí điểm cho thấy, có 31/35 mô hình đạt hiệu quả cao. Một số mô hình đã được nhân rộng tạo ra sản phẩm hàng hóa ở địa phương như trồng mía tím, sản xuất lúa chất lượng cao, trồng khoai tây Hà Lan, nuôi cá rô phi đơn tính, nuôi lợn Móng Cái sinh sản… Qua đó góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại huyện, đa dạng hoá các mô hình sản xuất cho người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Đầm Hà, trong 9 tháng đầu năm 2013, huyện triển khai đề án lúa chất lượng cao vụ Xuân đạt 193 ha cho 86 hộ dân tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ trên 350 triệu đồng; mở được 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với đa dạng các ngành nghề như chăn nuôi, ngành nghề sửa chữa, trồng cây lâm nghiệp… thu hút được 175 lao động nông thôn tại các địa phương tham gia học tập, giúp bà con nhân dân có thêm kiến thức về các ngành nghề do chính bản thân mình lựa chọn, góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của bà con nông dân trên địa bàn. 

Sản xuất phát triển, văn hóa cũng được chú trọng đầu tư. Các tiêu chí trường học và cơ sở vật chất văn hóa cũng được tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đến nay đã có 29/66 nhà văn hóa thôn, bản đạt chuẩn; 66/66 thôn, bản có nhà văn hóa thôn; 41/66 thôn, bản được công nhận danh hiệu làng, bản văn hóa; 5 trường mầm non đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng; 3/9 xã có Trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng NTM, một số xã ở Đầm Hà sắp hoàn thành các tiêu chí của chương trình như Quảng Tân: 13/19 tiêu chí; Tân Lập: 11/19 tiêu chí; Dực Yên: 10/19 tiêu chí…

Với lộ trình phấn đấu trong năm 2014 xã Quảng Tân sẽ đạt 19/19 tiêu chí NTM; 7 xã là Dực Yên, Đầm Hà, Quảng Lợi, Tân Lập, Tân Bình, Đại Bình và thị trấn Đầm Hà hoàn thành NTM vào năm 2015 và 2 xã vùng cao Quảng Lâm và Quảng An được huyện tập trung chỉ đạo hoàn thành vào năm 2020.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.