| Hotline: 0983.970.780

Dân bán di tích lịch sử

Thứ Sáu 21/10/2011 , 10:39 (GMT+7)

Di tích lịch sử có thâm niên 136 năm tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bị chủ sở hữu dỡ bán với giá 680 triệu đồng.

Dư luận đang rất bất bình trước việc ngôi nhà cổ là di tích lịch sử có thâm niên 136 năm tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bị chủ sở hữu dỡ bán cho một người ở huyện khác với giá 680 triệu đồng. Sự việc đã được báo động trước đó song chính quyền không ngăn chặn.

Chúng tôi tìm đến thôn 13, xã Tân Ninh để tìm hiểu sự việc. Được biết ngôi nhà cổ của ông Lê Đồng Xu được dựng dưới thời vua Tự Đức thứ 18 (năm 1875). Ngôi nhà đã được cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2003. Di tích có cấu trúc 5 gian, 6 vì kèo gỗ theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền và một hệ thống cửa bức bàn, 4 hàng chân cột. Tường vỉ xây gạch, tường hậu thưng ván đố lụa, mái lợp ngói mũi, nền làm bằng đất nện, tọa lạc trên khuôn viên đất nện.

Căn nhà cổ giờ chỉ còn lại nền đất trồng trơ trọi

Theo ông Lê Văn Sơn, cán bộ văn hóa xã, trước khi nhà bị tháo dỡ, hiện trạng của ngôi nhà được bảo tồn tương đối nguyên vẹn về diện mạo bên ngoài. Tuy nhiên bên trong rất nhiều hạng mục đã mối mọt mục nát gần hết. Mái ngói bị vỡ nhiều, nền nhà thấp so với mặt đường hiện nay khoảng 70- 80cm nên ẩm ướt, tối tăm. Ngôi nhà đã bị lún sâu xuống dưới đất khoảng 15cm, nếu có mưa to nhiều ngày, có nguy cơ bị đổ sụp.

Gạch, ngói của ngôi nhà cổ đã tháo dỡ để cả đống

Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích, bà Phạm Thị Ái, vợ của ông Xu (ông Xu mất năm 2007) và UBND xã Tân Ninh đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên xin hỗ trợ kinh phí để được tu sửa. Song đợi chờ mòn mỏi suốt 8 năm kể từ ngày được công nhận là di tích lịch sử, đến nay gia đình chưa được nhận bất kỳ một khoản tiền nào để chi cho việc trùng tu, sửa chữa.

Bà Phạm Thị Ái dựng lều bạt che lên làm nơi ở tạm

 Điều này, đã được ông Viên Đình Lưu, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa thuộc Sở VHTT- DL tỉnh Thanh Hóa xác nhận: “Đúng là di tích nhà ông Xu chưa nhận được một đồng kinh phí nào. Toàn tỉnh có 663 di tích được xếp hạng. Mỗi năm, tỉnh cấp 3 tỷ đồng chi cho việc chống xuống cấp đối với các di tích. Trong khi đó các di tích đều là kiến trúc gỗ và trong tình trạng xuống cấp. Ngành xét cái nào thực sự cấp thiết thì ưu tiên hỗ trợ trước. Để được ưu tiên hỗ trợ tu sửa thì chính quyền xã, huyện phải có báo cáo cụ thể về hiện trạng và khái toán gửi về Sở VHTT- DL, trên cơ sở đó, ngành phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh quyết định chi kinh phí". 

Những kiến trúc cổ của ngôi nhà giờ chỉ là phế tích trong đống đổ nát

"Đối với nhà bà Ái, thực tế lâu nay, Sở VHTT- DL không nhận được báo cáo chi tiết về thực trạng của sự xuống cấp đó. Ngay như báo cáo mới nhất của UBND huyện cũng chưa đầy đủ, chưa đúng tuần tự như quy định của Luật Di sản nên chúng tôi đã ra văn bản hướng dẫn để họ làm lại”, ông Lưu cho biết. 

Toàn bộ gỗ của ngôi nhà cổ sau khi tháo dỡ được đắp chiếu ngoài trời

Ông Lê Đình Hiệp, PCT UBND, Phó Trưởng BQL di tích xã Tân Ninh cho hay: “Khi biết được gia đình bà Ái có ý định bán nhà, xã có báo cáo lên cấp trên và đến vận động gia đình không được bán, chờ kinh phí cấp trên hỗ trợ. Tuy nhiên sau đó ít ngày, chúng tôi phát hiện gia đình bán nhà với giá 680 triệu đồng cho một người ở huyện Như Thanh. Ngày 15/8, BQL Di tích và danh thắng của Sở VHTT- DL và các ngành ở huyện về làm việc với gia đình, trong biên bản làm việc, BQL di tích và danh thắng đề nghị gia đình bà Ái giữ lại ngôi nhà vốn đã được xếp hạng và phía Ban sẽ có trách nhiệm đề nghị tỉnh đưa vào chương trình chống xuống cấp cấp thiết. Lúc này ngôi nhà vẫn chưa bị tháo dỡ”. 

Đến ngày 30/8, gia đình bà Ái có báo cáo gửi UBND xã Tân Ninh trong đó nói rõ: “Đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về tình trạng xuống cấp của ngôi nhà nhưng đều không nhận được sự quan tâm của các cấp. Bây giờ gia đình không thể chờ đợi được nữa nên đành tháo dỡ để tu sửa nhằm đảm bảo cho việc thờ cúng tổ tiên và an tâm sinh sống”. Thế rồi, đến ngày 21/9/2011, bà Ái đã cho tháo dỡ ngôi nhà để bán. Người mua nhà đã mang đi 1 Bằng xếp hạng di tích lịch sử đối với ngôi nhà, 1 bia đá cao 1,2 mét, rộng 0,6 mét và 6 phím đá quý lát bậc lên xuống của ngôi nhà. 

Có thế nói, dù tự ý tu sửa hay bán thì việc làm của chủ sở hữu ngôi nhà cũng vi phạm quy định của Nhà nước đối với di tích lịch sử. Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận thẳng thắn đến sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã Tân Ninh, sự tham mưu thiếu kịp thời của UBND huyện Triệu Sơn và thái độ thờ ơ, tắc trách của ngành văn hóa tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện các biện pháp cấp bách chống xuống cấp của di tích và bảo vệ di tích.

Ông Lê Đình Hiệp, PCT UBND xã, Phó Trưởng BQL di tích xã Tân Ninh:

“Toàn xã có 9 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt trên địa bàn hiện vẫn còn 41 ngôi nhà cổ, trong đó có 11 ngôi nhà trên 100 năm tuổi, số còn lại đều trên 70- 80 năm. Cách đây không lâu, có một đoàn công tác cấp trên về đây đề nghị địa phương làm hồ sơ đệ trình để được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ nhưng chúng tôi sợ lắm rồi nên giờ chẳng dám làm đề nghị nữa. Thà để thế cho nhân dân họ tự tu sữa sẽ khang trang hơn. Công nhận rồi để đó, không được hỗ trợ kinh phí để tu sửa, muốn tu sửa cũng phải báo cáo lên, báo cáo xuống dù chỉ thay đổi hiện trạng một viên ngói”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.