| Hotline: 0983.970.780

Dân biển góp tiền xây dựng NTM

Thứ Sáu 06/09/2013 , 10:25 (GMT+7)

Từ lâu bà con ngư dân vùng ven biển Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền, TT- Huế) đã tự nguyện hiến đất, quyên góp tiền xây dựng NTM.

Về Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền, TT- Huế) thấy đường sá, công trình phúc lợi, dân sinh khang trang, còn thơm mùi sơn mới, hỏi ra mới biết từ lâu bà con ngư dân vùng ven biển nơi đây đã tự nguyện hiến đất, quyên góp tiền xây dựng NTM.

Hướng về quê hương

Nằm ở vùng ven biển huyện Quảng Điền, Quảng Ngạn là một trong những xã nghèo, với hệ thống cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, người dân chủ yếu sống dựa vào nghề biển, nuôi trồng thủy hải sản và sản xuất nông nghiệp nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

Tuy không phải là địa phương được chọn để thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2012-2015, nhưng với nội lực của mình gắn liền với tinh thần đoàn kết, tự nguyện, cộng đồng người dân nơi đây đã tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, công sức để đầu tư xây dựng nhiều công trình dân sinh, phúc lợi trên địa bàn, ngày càng làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn vùng ven biển, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM.

Có mặt trên tuyến đường bê tông hóa rộng lớn, phẳng lì, nối từ bến đò Vĩnh Tu với QL49 và các khu vực dân cư trong thôn/xóm, những ngư dân xóm nhỏ chợ Vĩnh Tu không khỏi hào hứng và phấn khởi.


Nhiều tuyến đường giao thông nội đồng được đầu tư đồng bộ

Ông Trương Dũng, một người dân trong xóm nói: “Ngay sau buổi gặp mặt đầu năm Quý Tỵ 2013, bà con lối xóm đã họp và bàn tính ngay đến chuyện làm thế nào để huy động sự đóng góp tiền bạc để tiến hành nâng cấp, xây dựng các công trình nhà văn hóa cộng đồng, công viên, đường giao thông liên thôn trong thời gian sớm nhất.

Đó cũng là tâm tư, nguyện vọng của mọi người dân lâu nay nhưng chưa có thời cơ để làm. Sau một thời gian vận động cộng đồng người dân, mặc dù chỉ huy động được 60 triệu đồng nhưng ngày từ đầu tháng 3/2013, Ban vận động thôn Vĩnh Tu vẫn quyết tâm bắt tay vào thi công”.

Ông Nguyễn Thái Long, một người con Vĩnh Tu, hiện đang ở tại TP Huế, tự hào: “Đây không chỉ là thành quả đạt được trong quá trình nỗ lực vận động người dân tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công để đầu tư xây dựng các công trình dân sinh phúc lợi mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng, bà con cũng như những người con phương xa trong và ngoài nước của thôn Vĩnh Tu, xã Quảng Ngạn trong việc cùng nhau chung tay, góp sức hướng về xây dựng làng xóm, cội nguồn quê hương".

Như chưa nói hết niềm phấn khởi bấy lâu, ông Dũng tiếp lời: “Đối với những hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, không đóng góp được bằng tiền thì đóng góp bằng ngày công lao động, thấy được sư nỗ lực và quyết tâm của thôn, xóm và ý nghĩa của việc làm nên UBND xã Quảng Ngạn đã quyết định trích 60 triệu đồng từ ngân sách để hỗ trợ.

Tiếng lành đồn xa, cộng đồng bà con quê hương Vĩnh Tu từ phương xa trong và ngoài nước cũng liên lạc hỏi han, chia sẻ và quyên góp gửi về hỗ trợ 130 triệu đồng”.

Trong ngày khánh thành cụm công trình phúc lợi dân sinh mới đây, nhiều người con quê hương Vĩnh Tu hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Huế và Đà Nẵng cũng đã có mặt để chia vui cùng bà con lối xóm.

Cần nhân rộng

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Phương Nhung, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Ngạn, khẳng định: “Đây là cụm công trình phúc lợi dân sinh đầu tiên trên địa bàn tỉnh TT- Huế được thực hiện theo tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, với mục tiêu phấn đấu sớm hoàn thành các tiêu chí về thực hiện Chương trình xây dựng NTM vào năm 2015”.

Cụm công trình phúc lợi dân sinh có quy mô xây dựng liên kết đồng bộ, gồm công trình nhà văn hóa cộng đồng, công viên gắn liền với hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng với diện tích 1.500 m2 và hơn 300 m tuyến đường giao thông liên thôn nối từ bến đò Vĩnh Tu lên các khu vực thôn/xóm, có tổng kinh phí đầu tư 350 triệu đồng.

Trong đó, ngoài sự hỗ trợ 60 triệu từ nguồn kinh phí ngân sách của UBND xã, cộng đồng người dân, bà con phương xa tự nguyện đóng góp 190 triệu đồng cùng với hàng trăm ngày công xây dựng của đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn.


Người dân tình nguyện hiến đất nông nghiệp không nhận đền bù

Ông Hồ Đức Thắng, đại diện Ban vận động xây dựng thôn Vĩnh Tu, chia sẻ: “Phát huy tinh thần này, trong thời gian tới, ban vận động thôn sẽ kêu gọi cộng đồng bà con tiếp tục đóng góp để xây các tuyến đường giao thông còn lại, đặc biệt là đầu tư xây dựng và khôi phục chợ Phiên truyền thống.

Đây không chỉ là nét đẹp truyền thống của bà con ngư dân Quảng Ngạn mà còn của các xã vùng ven biển từ Điền Hương (huyện Phong Điền), Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền) đến Hải Dương (huyện Hương Trà).

Được biết, ngoài thực hiện tốt phong trào tự nguyện đóng góp kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng thì người dân các thôn trên địa bàn xã Quảng Ngạn còn hưởng ứng tích cực việc hiến đất không nhận đền bù. Chỉ tính riêng công trình các tuyến đường giao thông nội đồng người dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét đất nông nghiệp và cây trồng và không nhận tiền đền bù.

Theo UBND xã Quảng Ngạn thì đây là một trong những mô hình hay cần được nhân rộng trong quá trình xã hội hóa về triển khai Chương trình MTQG về xây dựng NTM.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm