| Hotline: 0983.970.780

Dân bức xúc bỏ ruộng

Thứ Năm 13/03/2014 , 09:59 (GMT+7)

Nhiều hộ dân ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đang bức xúc vì những việc làm không đúng của chính quyền xã trong việc dồn điền đổi thửa.

Nhiều hộ dân ở xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội gửi đơn thư tới Báo NNVN và đồng loạt phản đối những việc làm không đúng của chính quyền xã trong việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Động thái này thể hiện ở chỗ: Người dân không nhận ruộng để sản xuất vụ xuân. Vì thế gần 400ha đất lúa của xã đến nay vẫn còn bỏ không, chưa cày cấy gì.

Không minh bạch

Tuyết Nghĩa là xã thuần nông, hơn 80% dân làm nông nghiệp. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư đúng mức. Ruộng phân bố manh mún, nhỏ lẻ. Có những gia đình 5 – 7 thửa ruộng ở nhiều xứ đồng khác nhau. Việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất chưa mang lại hiệu quả cao. Xuất phát từ thực tế đó, mong muốn của người dân cũng như chính quyền địa phương là cần cú hích mạnh cho nông nghiệp phát triển.

Tháng 9/2013, trên cơ sở đề nghị của UBND xã và tham mưu của các phòng ban, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai phê duyệt phương án DĐĐT cho xã Tuyết Nghĩa. Tiếc thay, khi triển khai chủ trương này, lãnh đạo xã Tuyết Nghĩa đã không nhận được sự ủng hộ của toàn dân.

Trước hết là việc thành lập tiểu ban DĐĐT tại các thôn không lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Ông Nguyễn Văn Thao ở thôn Liên Trì cho hay: “Tôi được UBND xã chỉ định vào tiểu ban DĐĐT của thôn với tư cách là đại diện nhân dân. Việc thành lập này người dân hoàn toàn không biết”. Ông Thao chỉ ra những bất hợp lý trong việc DĐĐT ở xã Tuyết Nghĩa, đó là: Không minh bạch, không dân chủ, không công bằng, không khoa học và không nhân đạo.

Ông Trịnh Đình Thiệu, thôn Độ Lân bày tỏ bức xúc: “Trái khoáy trong việc DĐĐT ở Tuyết Nghĩa là chia lại ruộng đất, từ chỗ tiện canh, tiện cư thì nay bị xáo trộn. Chưa DĐĐT thì canh tác ở 5 xứ đồng, nay theo phương án DĐĐT thì làm ở 8 xứ đồng. Điều đáng nói là UBND 2 xã Tuyết Nghĩa và Liệp Tuyết đã tự ý điều chỉnh địa giới hành chính khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.

11-32-03_hang-tram-ao-ho-duoc-san-lap-boi-hang-van-khoi-dat-mat-ruong
Ao hồ được san lấp bởi đất mặt ruộng

Cụ thể: Xã Tuyết Nghĩa lấy 4.000m2 đất 2 lúa + 1 màu của thôn Độ Lân và 2,7 mẫu đất màu mỡ của thôn Liên Trì để đổi đất cho thôn Đại Phu của xã Liệp Tuyết. Toàn bộ đất của thôn Đại Phu giao cho thôn Đại Đồng (xã Tuyết Nghĩa) sản xuất.

Còn thôn Độ Lân được giao ở một nơi khác rất xa và chỉ sản xuất được 1 vụ lúa. Khu đất mới có nhiều diện tích trước đây là quỹ đất 2 (khó sản xuất) thì nay xã liệt vào quỹ đất cơ bản (đất đẹp, mặc dù nó chỉ sản xuất được 1 vụ lúa).

Trong số những người dân tiếp xúc với chúng tôi, có một chị phát biểu rất bức xúc. Theo nguyện vọng của chị, chúng tôi không nêu tên ra đây. Chị bảo: "Bức xúc này không riêng mình tôi mà của tất cả những người dân thấp cổ bé họng. Chúng tôi mất ruộng, mất quyền lợi cũng chỉ vì... DĐĐT. Tại thôn Độ Lân, có chủ trương người dân được quyền “tự nhận những chỗ khó khăn trong sản xuất” sẽ được ưu tiên. Cụ thể từ 1 sào đất 2 lúa trước đây thì nay lấy ở khu “tự nhận” sẽ được 2 sào. Khi người dân biết được chủ trương này thì khu đất tự nhận đó không còn một mét vuông nào nữa. Tất cả đều thuộc về tay cán bộ và người có tiền”.

Ông Trịnh Quỳnh Nga – trưởng thôn Độ Lân đã trao cho chúng tôi danh sách gồm đầy đủ tên, chức vụ và con cháu, anh em ruột của cán bộ thôn trong khu đất “tự nhận”. Trong danh sách “tự nhận”, có duy nhất một hộ dân được lọt vào.

Vội vã lo đất dịch vụ

Theo phương án DĐĐT, xã Tuyết Nghĩa sẽ lấy một phần diện tích đất 2 lúa tại các vị trí đắc địa để quy hoạch làng nghề, trung tâm dịch vụ thương mại và bán đấu giá đất ở. Là một xã thuần nông, không có đồi núi nên việc quy hoạch các khu nói trên nhằm vào đất lúa là điều không thể tránh khỏi. Đây là bài toán khó cho cấp ủy, chính quyền địa phương khi mà chương trình xây dựng NTM đòi hỏi cần phải đáp ứng.

11-32-03_ngay-dem-hang-chuc-xe-tai-cho-dat-ruong-di-san-lap-khu-lang-nghe-dich-vu-va-khu-dau-gia-dat
Ngày đêm hàng chục xe tải chở đất ruộng đi san lấp khu làng nghề, trung tâm dịch vụ và khu đất đấu giá

Về một số giải pháp trước mắt nhằm sớm ổn định tình hình, ông Đặng Văn Tùng – Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa cho biết:

“Xã lấy ngân sách mua 3 tấn thóc giống để gieo mạ. Trong tuần này, Huyện đội sẽ giúp địa phương hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Chúng tôi sẽ huy động các loại máy móc để làm đất kịp thời cho sản xuất vụ xuân. Tinh thần chỉ đạo của UBND huyện Quốc Oai là phải cấy hết toàn bộ diện tích. Việc DĐĐT có thể tạm dừng lại. Sau khi thu hoạch vụ mùa sẽ tiếp tục làm”.

Lẽ ra những vấn đề này, trước khi thực hiện, cấp ủy, chính quyền nên họp bàn cụ thể, công khai trước dân và lắng nghe mọi đóng góp của nhân dân, nhưng đằng này xã lại không làm vậy. Thêm vào đó, trong khi mùa vụ cứ hối thúc, ruộng của người dân chưa biết ở đâu thì chính quyền lại vội vàng thuê máy xúc, máy ủi, ô tô ngày đêm đào bới đất ruộng của dân để san lấp mặt bằng khu làng nghề, khu dịch vụ, hình thành các tuyến đường trung tâm vào khu đất đấu giá. Điều đó càng khiến dân thêm bội phần bức xúc.

Ông Trịnh Đình Thiệu – thôn Độ Lân không giấu nổi vẻ bực tức: “Có hàng trăm khối đất ruộng được máy xúc đào lên và ngày đêm cả chục chiếc ô tô chở đất đi bán khắp nơi. Không chỉ lấy đất ruộng đi san lấp mặt bằng được quy hoạch mà nhiều ao hồ trong làng cũng bị lấp. Chúng tôi thấy nóng ruột vô cùng”.

Là thành viên trong tiểu ban DĐĐT của thôn Liên Trì, ông Nguyễn Văn Thao khẳng định, việc lấy đất ruộng đi bán cho những ai có nhu cầu là có thật. “Tôi hỏi các lái xe thì được biết mỗi xe tải bán 130.000đ, còn xe công nông thì bán 30.000đ” – ông Thao cho biết.

Liên quan đến việc đào đất ruộng, ông Đặng Văn Tùng – Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa giải thích: “Chúng tôi chỉ đạo các tiểu ban giám sát chặt chẽ việc hạ thấp mặt bằng ruộng để không bị mất lớp đất mặt. Tuy nhiên, ở dưới giám sát không chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng trên”.

Đề cập đến việc chính quyền 2 xã Tuyết Nghĩa và Liệp Tuyết tự ý điều chỉnh địa giới hành chính, ông Đặng Văn Tùng cho biết: “Chủ trương này được chính quyền 2 xã thống nhất và có biên bản thỏa thuận. Việc này cũng nhận được sự đồng tình của nhân dân”.

Thế nhưng khi chúng tôi hoài nghi về sự đồng tình đó và đề nghị ông cho xem biên bản thỏa thuận của 2 xã, thì ông Tùng cho hay: “Biên bản đó tôi sẽ gửi lại anh sau vì hiện đồng chí phụ trách văn phòng UBND xã đang đi vắng. Hồ sơ lưu tại đó. Còn việc đồng tình của nhân dân thì đúng là không phải tất cả”...

Xảy ra tình trạng cán bộ thôn, xã không minh bạch trong việc DĐĐT như phản ánh ở thôn Độ Lân, ông Tùng khẳng định: “Việc đó do thôn và HTX làm. Tôi đang cho kiểm tra và sẽ xử lý nếu phát hiện sai phạm”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm