| Hotline: 0983.970.780

Dân chủ ở Khả Phong

Thứ Năm 28/10/2010 , 13:32 (GMT+7)

Nhờ bàn bạc dân chủ, toàn xã Khả Phong bây giờ đã quy hoạch được những cánh đồng đẹp như mơ...

Xưa nhắc đến xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là người ta nghĩ ngay đến mảnh đất chiêm trũng quanh năm đói nghèo. Từ năm 2000, nhờ mạnh dạn áp dụng quy chế dân chủ trong việc dồn điền đổi thửa và đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế đa canh, đa con đã đem lại kết quả hết sức bất ngờ cho mảnh đất bốn bề núi đá này.

Dân chủ là nền tảng

Đến xã Khả Phong bây giờ chúng ta dễ dàng nhìn thấy những thửa ruộng, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Mảnh nào cũng ra tấm ra món chứ tuyệt nhiên không có những thửa ruộng manh mún, đầu thừa đuôi thẹo. Khi được hỏi địa phương có cách làm gì độc đáo mà quy hoạch được cánh đồng đẹp như mơ vậy, ông Đinh Văn Thùy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khả Phong, không cần phải suy nghĩ mà trả lời ngày đó là nhờ bàn bạc dân chủ.

Nhắc đến dân chủ, ông Thùy lập tức kể lại quá trình dồn điền đồi thửa tại địa phương mình. Xã Khả Phong vốn là vùng đất chiêm trũng bốn bề là núi đá vôi. Mặc dù cảnh đẹp sơn thủy hữu tình nhưng nó không đem lại bát cơm, hạt gạo cho bà con. Là xã có địa hình rất phức tạp; núi có, sông có, ao hồ có, đất cao đất trũng đều có nhưng trước đây mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu khiến kinh tế Khả Phong quanh năm lẹt đẹt.

“Đang trong thời khắc túng bấn, chúng tôi mừng như bắt được vàng khi có chủ trương dồn điền đổi thửa. Nhận thấy đây là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp vô cùng đúng đắn, song chắc chắn khi triển khai sẽ gặp vô vàn khó khăn và phức tạp nên Đảng bộ xã cũng như Ủy ban đều hết sức thận trọng trong từng khâu, từng công đoạn”, ông Thùy hào hứng nhớ lại.

Để tránh việc đi vào vết xe đổ thiếu công bằng hay khiếu kiện kéo dài như các địa phương khác khi thực hiện dồn điền đổi thửa, bản thân những người đứng đầu xã Khả Phong luôn lấy dân chủ công khai, công bằng minh bạch làm trọng tâm để thực hiện. Đầu tiên toàn bộ diện tích đất cấy lúa, đất bãi bồi ven sông, đất chiêm trũng… đều được rà soát và kiểm kê thật chính xác. Tiếp theo, xã phối hợp với các thôn tiến hành họp dân để công khai về chính sách, cách làm, cách tính và phân chia ruộng cốt làm sao cho bà con dễ hiểu và nắm rõ nhất.

Ai chưa hiểu phần nào đều được giải đáp cặn kẽ đến khi không còn bất cứ thắc mắc nào nữa mới tiến hành thủ tục bốc thăm chia ruộng.
Việc phân chia ruộng cũng phải dựa trên sự công bằng, một mảnh đất cấy lúa tốt phải gánh một mảnh đất bãi bồi xấu hoặc ngược lại. Các gia đình chính sách được thống nhất ưu tiên bốc thăm trước. Chính vì vậy bà con đều nhất trí ủng hộ tuyệt đối đơn giản vì sự chênh lệch thiệt thòi trong bốc thăm là không đáng kể. “Do chuẩn bị kỹ lưỡng nên công tác dồn điền đổi thửa của xã Khả Phong chúng tôi chỉ tiến hành trong vòng chưa đầy 2 tháng đã hoàn thành. Đến nay trải qua gần 10 năm nhưng chưa có bất cứ khiếu nại, khiếu kiện nào từ phía bà con về việc dồn điền đổi thửa cả”, ông Thùy khẳng định.

Cả xã đa canh, đa con

Sau 10 năm thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa kết hợp phát triển đa canh, đa con đến nay theo Phó Chủ tịch xã Vũ Văn Khương, Khả Phong đã thật sự thay da đổi thịt. Những ngôi nhà tầng mọc lên nhan nhản. 98% đường làng ngõ xóm được bê tông đến tận cửa từng gia đình. 60% đường trục chính nội đồng đã được bê tông. 100% kênh mương đã được kiên cố hóa. Hộ nghèo giảm từ 33% xuống còn 16%, thu nhập bình quân đấu người từ 5 triệu đồng tăng lên 10 triệu đồng/người/năm.

Tuyệt vời nhất là người nông dân từ việc sở hữu cả chục thửa ruộng lẻ tẻ ở khắp nơi nay chỉ tập trung lại còn 1 - 2 thửa cạnh nhau nên năng suất, chất lượng được đạt 40 triệu đồng/ha. Ông Khương cho biết, những vùng đất trũng không thể canh tác được chiếm tới hơn 50% diện tích đất nông nghiệp của xã trước đây HTX cho thuê có 7 kg thóc/năm mà không có ai làm giờ đã được chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Toàn xã Khả Phong có 1.930 hộ thì có tới 200 hộ có trang trại nuôi thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Anh Lê Văn Thuỹ, một trong những hộ đầu tiên áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh phấn khởi cho biết: Năm 2000, khi xã vừa chuyển dịch 24,2 ha đất trũng sang làm ao, anh Thũy bàn với vợ thuê 1,2 ha làm trang trại. Qua bao khó khăn đến nay gia đình anh đã có một cơ ngơi bề thế, tính riêng thu nhập từ tôm mỗi năm gia đình anh đã thu về 40 - 50 triệu đồng.

Anh Vũ Văn Tá, Chủ nhiệm HTX Khả Phong, cho hay những vùng đất cao nước không tới được thì quy hoạch thành vùng trồng cỏ nuôi bò, đến nay tổng đàn bò ở xã lên tới 400 con. Đang thái cỏ voi cho bò ăn chị Nguyễn Thị Xuyên ở xóm 4 vui vẻ khoe, nhà chị có hơn 1 ha trang trại chị dành 1/3 diện tích trồng cỏ nuôi bò sữa, mỗi năm cũng dành dụm được 10 triệu đồng cho con ăn học.

Anh Tá không ngần ngại cho biết, giờ bà con đã có của ăn của để nên mỗi năm địa phương đều cố gắng huy động quyên góp người dân đóng tiền làm từ 2 - 3 chiếc cầu bê tông bắc qua kênh rạch để thuận lợi cho việc vận chuyển thu hoạch hoa màu cũng như hoàn thành nốt 40% hệ thống đường bê tông nội đồng còn lại.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất