| Hotline: 0983.970.780

Dân đội mưa bủa vây Ban quản lý các Khu công nghiệp

Thứ Ba 25/03/2014 , 07:40 (GMT+7)

Người dân kiên quyết không rời bỏ vị trí nếu các cơ quan chức năng không giải quyết ngay các nguyện vọng, bức xúc.

Đội trời mưa rét, từ tối ngày 23 đến 24/3, hàng chục hộ dân thuộc xóm Dọc Dài (phường Bách Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đã tổ chức rào cổng vào, bủa vây cơ quan BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên.

Thất hứa!

Theo phản ánh của những người dân, kể từ năm 2007 đến nay, các nhà máy trong KCN Sông Công đã thải đất xuống ruộng, làm tràn nước thải ra đồng khiến cho đồng ruộng phải bỏ hoang hoặc bị tụt giảm năng suất, sản lượng. Đặc biệt, các loại chất thải, khí thải đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người, vật nuôi, làm đảo lộn đời sống của nhân dân. Theo đó, có 4 vấn đề tập trung được người dân kiến nghị là đền bù sản lượng, nạo vét kênh mương do thi công mặt bằng xây dựng các nhà máy bồi lấp, sạt lở đất đá xuống mương, xây dựng tuyến kênh mới bị lấp ở khu vực nhà máy titan, đền bù thiệt hại do việc lấp mương không có nước tưới. Cho đến nay, mới chỉ có 2 kiến nghị đầu của bà con được giải quyết. Ngày 23/3, do sự cố, nước thải của Khu công nghiệp Sông Công không được bơm trung chuyển để xử lý mà tràn ra đường và đổ xuống kênh dẫn nước của cánh đồng Dọc Dài.

Trước đó, vào ngày 14/2, cánh đồng trên cũng bị nước thải có váng dầu mỡ của khu công nghiệp tràn vào. Bà Dương Thị Sòng (một người dân) cho biết, dân đã nhiều lần kiến nghị, lấp rào tre, hàng tạ đơn, hàng loạt biên bản đã được lập nhưng lại đâu vào đấy. “Tôi đã gần 70 tuổi đầu nên chẳng thích tự đầy ải thân mình, mưa gió rét mướt ra đây làm gì? Nhưng con cháu tôi có tới 17 khẩu, cuộc sống đang treo trên chính mảnh đất này. Vậy mà hết lần nọ đến lần kia, thị xã đổ cho BQL, BQL lại đổ lỗi cho Công ty phát triển hạ tầng KCN. Người ta biến dân xóm chúng tôi thành quả bóng để chuyền ban hay sao? Chúng tôi biết làm gì để sống khi đồng ruộng đầy dầu mỡ?” - bà Sòng nói.

Chỉ tay xuống dòng kênh nước dẫn nước về cánh đồng Dọc Dài, ông Dương Văn Hà (một người dân) cho biết, kênh đầy váng dầu mỡ khiến cho lúa bị chẹn gốc không thể phát triển được. Có nhà đã phải nhổ lên trồng lại, có nhà để ruộng hoang. Thị xã và BQL về lập biên bản để đền bù thì mỗi sào được mười mấy, hai chục ngàn đồng. Đền bù cho xong chứ mức đền bù như vậy làm sao đủ để cải tạo đất. Trong mấy vụ vừa qua, dân phải tự đặt máy bơm, tự đi bắt nước về để sản xuất thì ai chịu? Ông Hà bức xúc: “Hết lần nọ đến lần kia, chỉ hứa hươu, hứa vượn, chi bằng thị xã và BQL lấy hết luôn cả đất ở lẫn đất canh tác của xóm Dọc Dài làm KCN, dân chúng tôi đồng loạt giơ tay nhất trí”.

14-32-02_img_0030
Dựng cây cối rào cổng vào KCN

Bà Dương Thị Thư (Trưởng xóm Dọc Dài) cho biết, sau nhiều lần lập biên bản nhưng những nguyện vọng của dân vẫn không được giải quyết triệt để. Mới đây, việc tràn nước mặt do Công ty phát triển hạ tầng KCN không thực hiện việc bơm trung chuyển khiến mương thủy lợi của dân đầy dầu mỡ. Biên bản còn chưa ráo mực, cơ quan chịu trách nhiệm cũng chưa khắc phục hậu quả thì nay dầu mỡ lại tràn về.

Thừa nhận chậm trễ

Có mặt trong khi đối thoại, ông Đặng Mộng Điệp (Phó chủ tịch UBND thị xã Sông Công) khẳng định, những hộ dân bức xúc là có lý do chính đáng. Ông Điệp đã nhận lỗi với các hộ dân về việc chỉ đạo, đốc thúc chưa quyết liệt của chính quyền địa phương. Vì vậy, các cơ quan chức năng đã chậm hoặc chưa triển khai việc thực hiện các cam kết trước đây.

Ông Phạm Mạnh Cường (Giám đốc Công ty phát triển hạ tầng KCN) cũng đã nhận lỗi với các hộ dân khi chậm thực hiện cam kết về đền bù thiệt hại và xây dựng kênh mương. Theo đó, biên bản làm việc khẳng định, Công ty phát triển hạ tầng KCN sẽ thực hiện ngay việc bồi thường sản lượng thiệt hại cho bà con nhân dân trong tuần này; cũng trong tuần, UBND thị xã sẽ chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra để tiếp tục xác định mức độ thiệt hại, lập phương án bồi thường cho nhân dân đối với sự cố tràn nước mặt KCN trong thời gian qua; khẳng định sẽ khởi công xây dựng tuyến kênh dẫn nước mới cho xóm Dọc Dài trong tháng 4/2014. Tuy nhiên, do không thống nhất và ký xác nhận vào biên bản trên nên đến chiều ngày 24/3, các hộ dân vẫn tiếp tục bủa vây cơ quan BQL các KCN. Sự việc đã tạo nên hình ảnh rất phản cảm ngay tại cơ quan tiếp nhận các dự án trong và ngoài nước đầu tư của tỉnh Thái Nguyên.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.