| Hotline: 0983.970.780

Dân Hòa Thượng thích trồng bưởi Thồ

Thứ Ba 03/11/2020 , 08:45 (GMT+7)

Không thích làm sao được khi mỗi gốc bưởi Thồ cho thu nhập cả chục triệu mà không lo ế khi nó là "quán quân" về chín sớm, đạt cả hình thức lẫn chất lượng.

Trồng xong kê cao gối ngủ

Theo niên giám thống kê năm 2019 diện tích bưởi của Hà Nội đạt 6.743 ha, cho thu nhập bình quân 400-500 triệu đồng/ha/năm đặc biệt có những mô hình đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với các cây khác.

Thủ đô có hàng chục giống bưởi quý như bưởi Diễn, bưởi đường La Tinh, bưởi đường Cát Quế, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi Quế Dương, bưởi đào chín sớm Song Phượng, bưởi Tam Vân, bưởi thồ Bạch Hạ, bưởi chua đầu tôm, bưởi đỏ Tráng Việt…Trong đó vô địch về diện tích là bưởi Diễn chiếm khoảng 80%, vô địch về chín sớm và cả năng suất, chất lượng lẫn giá bán là bưởi Thồ.

Ông Khúc bên những quả bưởi Thồ đã được bảo quản 1 tháng. Ảnh: NNVN.

Ông Khúc bên những quả bưởi Thồ đã được bảo quản 1 tháng. Ảnh: NNVN.

Giống bưởi quý này xuất hiện ở thôn Hòa Thượng, xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên vào khoảng 75 năm về trước. Ông Mai Như Khúc một người dân trong làng kể lại: “Hộ đầu tiên có giống bưởi này là ông Đỗ Hữu Hạnh hàng xóm liền với nhà tôi, nếu còn sống thì nay hơn 100 tuổi. Một lần ông ấy đi làm thợ mộc bên tỉnh Hưng Yên có được tặng một cành bưởi chiết mang về, trồng thấy ăn ngon quá liền nhân ra cho hai bà vợ, anh em, con cháu mình trồng chứ không bán ra ngoài.

Năm 1982 bà vợ hai của ông với nhà tôi có đổi vườn cho nhau để mở rộng lối đi với thỏa thuận cây nhà ai người đấy chặt nhưng thấy hai gốc bưởi Thồ trong vườn nhà bà ấy đã to như cái phích, quả ăn rất ngon nên tôi gạ mua. Các con của bà ra giá một khoản tiền bằng đúng mấy tạ gạo ngày đó và còn phải chiết lại cho 20 cành nhưng vì thích quá tôi vẫn chấp thuận.

Từ hai gốc đó tôi chiết 20 cành trả nợ cho bà vợ ông Hạnh và 20 cành cho nhà mình trồng, giờ vẫn sống được hơn 10 cây. Giống bưởi này chín xung quanh thời điểm rằm trung thu, vị ngọt chua dôn dốt, tôm giòn nhai tan mịn ra trong mồm chứ không hề có bã. Cũng chính bởi chín sớm nên chúng tránh được gió bão, chống được ruồi vàng gây hại”.

Hình dạng đặc trưng của bưởi Thồ. Ảnh: NNVN.

Hình dạng đặc trưng của bưởi Thồ. Ảnh: NNVN.

Người bảo quả của bưởi Thồ có dạng bầu dục bày gọn gàng vào sọt nên được cánh xe thồ rất ưa chuộng nên gọi là bưởi Thồ, kẻ thì lại giải thích bởi vị quả ngọt chua chua kiểu “thồ thồ” nên gọi là bưởi Thồ. Không giống bưởi gì trồng nhàn nhã như loại bưởi này. 9 sào vườn nhà ông Khúc có 3 loại bưởi là Thồ, Diễn và đỏ Tân Lạc nhưng riêng bưởi Thồ không phải thụ phấn bổ sung, thu hoạch xong chỉ tỉa cành, bón 1 lần phân NPK Lâm Thao và 3 lần kali, phun thuốc sâu 1 lần vào giai đoạn chuẩn bị ra nụ là có thể “kê cao gối mà ngủ”.

Còn bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc mà không chăm sóc cẩn thận là quả nhỏ, chất lượng kém ngay. Dễ tính là thế nhưng trồng bưởi Thồ không mấy khi sợ mất mùa, mỗi gốc trung bình cho 300 quả, có gốc kỷ lục đạt 500 quả, phải dùng cả sào tre chống cho khỏi gẫy cành. Đến vườn bưởi lúc ấy ai cũng hít hà mùi thơm nức, cũng cố nhìn cho đã mắt màu vàng óng của thứ quả đặc sản có hình dáng đặc dị.  

Bởi chín sớm, chất lượng ngon, hình thức đẹp nên bưởi Thồ luôn không có đủ để mà bán, giá mỗi quả 35.000-40.000đ mà vẫn tranh nhau đặt mua để ăn, để biếu, để bày cỗ cho đêm hội trăng rằm. 5 sào bưởi Thồ của ông Khúc mỗi năm cho lãi chừng 130-140 triệu trong khi 4 sào bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc chỉ cho lãi 30 triệu. Tính ra mỗi gốc bưởi Thồ trên 10-15 năm trở lên cho thu nhập 10-12 triệu là điều hết sức bình thường.

Hiện ở làng Hòa Thượng có chừng 30 gia đình có vườn bưởi lâu năm như vậy còn tổng diện tích cả cây non lẫn già có khoảng 31,3 ha. Năm 2017 thành phố đã công nhận được 8 cây bưởi Thồ đầu dòng tại 3 hộ Mai Như Khúc (3 cây), Mai Thị Hay (3 cây), Nguyễn Duy Dưỡng (2 cây). Năm 2018 lại công nhận tiếp được 20 cây tại 4 hộ Mai Như Khúc (5 cây), Đỗ Đình Thi (4 cây), Đỗ Đình lộc (4 cây), Mai Thị Hay (7 cây). Đây chính là cơ sở để chọn tạo, nhân giống bưởi quý này ra sản xuất trong và ngoài địa phương.

Giống bưởi đặc chủng cho vùng chiêm trũng

Hình dáng đặc trưng của múi bưởi Thồ. Ảnh: NNVN.

Hình dáng đặc trưng của múi bưởi Thồ. Ảnh: NNVN.

Tại lễ công bố nhãn hiệu tập thể bưởi Thồ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Đại-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội nhận định bưởi Thồ là giống bưởi quý, có chất lượng tốt, thu hoạch sớm, đáp ứng yêu cầu rải vụ trong năm. Điều đặc biệt là trong khi hầu hết các giống bưởi đều không thể chống chịu được khi trồng ở vùng chiêm trũng nhưng bưởi Thồ lại thích nghi rất tốt nên là tiền đề để phát triển ở các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Hiện, ngành nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh bảo tồn, nhân rộng nguồn gen giống đặc sản này cũng như xây dựng thương hiệu, tìm doanh nghiệp chế biến, bảo quả, bao tiêu đầu ra...

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Huy-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, trong thời gian tới để các vùng chuyên canh bưởi Thồ đạt hiệu quả cao, các hộ cần tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và sau này là định hướng hữu cơ. Qua đó, làm cơ sở để huyện quản lý vùng trồng, bổ sung cấp mã vùng trồng; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc để sản phẩm sớm được vào các kênh phân phối tại hệ thống siêu thị.

Bà Hoàng Thị Hòa-Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội nhận định, cây khỏe, chín sớm, ăn ngon, độ brix bình quân 9,5-10,5% hợp với ngay cả người bệnh tiểu đường là những ưu điểm của bưởi Thồ. Còn hạn chế là bưởi vẫn trồng được theo quy mô nhỏ lẻ, phân tán, vườn tạp còn nhiều dẫn đến khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Về kỹ thuật canh tác áp dụng không đồng bộ hoặc áp dụng muộn nên hầu hết các vườn cây phát triển cao, không cân đối, bộ khung tán không hợp lý, cành tăm và cành chết nhiều…khiến mẫu mã bưởi còn nhiều điểm hạn chế, chất lượng quả không đồng đều. Thêm vào đó thời gian bảo quản ngắn cũng là một nhược điểm. Tất cả đều phải sớm khắc phục.

Phương pháp bón phân cho cây bưởi Thồ:

Lượng bón

Cách bón phân bưởi Thồ. Ảnh: NNVN.

Cách bón phân bưởi Thồ. Ảnh: NNVN.

Chú ý: - Nếu trên đất đồi dốc dễ bị rửa trôi, đất cát pha, hoặc đất sỏi thì lượng phân bón cần tăng lên 30- 40%. Đất có nhiều mùn lượng phân bón trên cần giảm 20-30%.Trong vườn nếu giữ cỏ băng cần tăng thêm 20% N vào vụ Xuân - Hè. Vào mùa hè mưa nhiều, có thể giảm bón đạm hoặc không bón để tránh lộc hè phát triển mạnh. Nếu phân hữu cơ có hàm lượng đạm cao cần rút bớt lượng đạm vô cơ.

Thời kỳ bón

Cách bón phân bưởi Thồ. Ảnh: NNVN.

Cách bón phân bưởi Thồ. Ảnh: NNVN.

Phân chuồng bón một lần duy nhất sau thu hoạch (khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12). Bón theo tán cây, cuốc rãnh rộng 30cm, sâu 10 cm từ mép tán vào trong, phân trộn đều và rắc vào rãnh sau đó lấp đất. Mỗi lần bón phân kết hợp với làm cỏ và tủ lại gốc cùng với tưới nước .

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm