| Hotline: 0983.970.780

Dân khóc ròng vì bị tiêu hủy mạ

Thứ Sáu 19/12/2014 , 09:32 (GMT+7)

Cánh đồng mạ của gần 200 hộ dân thôn Hợp Tiến và Bình Sơn, xã Vũ Tây (Kiến Xương – Thái Bình) đang thì mơn mởn. Đùng một cái, UBND xã yêu cầu người dân ký vào cam kết tiêu hủy. Gặp PV, lãnh đạo xã hồ hởi “khoe” chiến công. Người dân thì nước mắt lưng tròng mếu máo, không hiểu mấy ông xã đang làm cái gì vậy?!

Phải tiêu hủy hết

Chúng tôi về Vũ Tây, đúng vào buổi cả đoàn lãnh đạo xã kéo nhau ra đồng, chỉ đạo hai chiếc máy cày tiêu hủy mạ của người dân thôn Bình Sơn. Hai chiếc máy chạy phăm phăm, cày nát hơn 3 ha mạ xanh tốt. Ai nấy đều hừng hực quyết tâm, tỏ vẻ hả hê lắm.

Ông Bùi Trọng Liễn, Chủ tịch UBND xã Vũ Tây “phấn khởi” bảo, nốt buổi hôm nay là bọn tôi hoàn thành công tác tiêu hủy mạ rồi, anh không cần tìm hiểu đâu!

Hợp Tiến và Bình Sơn là hai thôn có diện tích ruộng rơi vào vùng trũng. Trong đó, ruộng ở Bình Sơn được xem vừa trũng, vừa xấu nhất xã. Theo tập quán bao đời nay, cứ vào tầm cuối tháng 10 âm lịch, người dân hai thôn này lại xuống giống, gieo mạ. Theo cách gọi của họ đây là mạ già.

Khi mạ lớn đủ, người dân sẽ nhổ lên, xén bỏ một phần lá mạ rồi đem cấy. Năm nay, người dân Hợp Tiến và Bình Sơn xuống giống vào ngày 25/10 âm lịch. Hôm toàn bộ diện tích này bị tiêu hủy, mạ bám rễ được tròn một tháng.

Theo ông Liễn, tập quán của hai thôn này là người dân luôn ra mạ sớm. Cấy hái đâu ra đấy người dân mới ăn tết. Và ở vụ xuân, chưa bao giờ người dân bị mất mùa. Một sào bình bình thu được 1,5 – 1,8 tạ thóc. Với chất đất xấu như Hợp Tiến và Bình Sơn thì đó đã là một thành công.

“Mọi năm thì không nói, nhưng năm nay nhất định chúng tôi phải tiêu hủy bằng sạch. Đây là chỉ đạo từ trên tỉnh, không riêng gì xã tôi mà rất nhiều xã khác nếu có mạ già đều phải tiêu hủy hết”, ông Liễn cho biết.

Lý do tiêu hủy, ông Liễn cho rằng, tỉnh có cái lý của tỉnh. Vì năm nay nhuận, thời gian kéo dài thêm một tháng. Nếu như người dân cứ gieo cấy như mọi năm, lúa sẽ trỗ bông đúng vào cuối tháng 3 dương lịch. Mà theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, đây đúng vào đợt rét nàng Bân. Lúa trỗ bông mà gặp rét nàng Bân coi như mất mùa. Có cây, có bông nhưng sẽ không cho hạt.

Tỉnh lo cho dân nên mới yêu cầu các địa phương tiêu hủy các diện tích mạ già một cách triệt để! Cũng theo ông Liễn, trước khi người dân xuống giống, xã đã đi tuyên truyền vận động người dân là không nên. Nhưng do tập quán, người dân vẫn gieo cấy bình thường.

Cánh đồng thôn Bình Sơn chiều đông ảm đạm, u uất. Đâu đâu cũng là những mảnh ruộng mạ bị cày xới tơi bời. Vết bánh lồng của chiếc máy cày ngang dọc, uốn lượn, in hằn như vết thương khứa vào da thịt. Vài cọng mạ xanh xanh lún phún ngoi lên, nằm xiêu vẹo.


Be bờ giữ nước, cố giành lấy một chút mạ chưa bị “phay”

Ông Bùi Trọng Liễn, Chủ tịch UBND xã Vũ Tây cho biết, ngay sau quá trình tiêu hủy mạ, lãnh đạo xã sẽ thống kê, họp bàn và lên phương án hỗ trợ người dân. Phương án bước đầu có thể sẽ hỗ trợ người dân bằng giống lúa khác, giá trị tương đương với diện tích bị tiêu hủy.

Chúng tôi lội ra giữa cánh đồng. Một người phụ nữ đang loay hoay dùng tay vục bùn, đắp thành một con bờ nhỏ be nước. “Tôi đi làm, cũng không biết, đây là mảnh ruộng của bố mẹ chồng. Còn gì nữa đâu, nát hết rồi. Không hiểu mấy ông xã đang làm trò gì vậy”, người phụ nữ nói như mếu.

Hiện trên cánh đồng, vẫn còn vài mảnh chưa bị cày nát. Nguyên nhân là do những hộ này không đồng ý ký vào biên bản tiêu hủy mạ của xã. Trên bờ, hai chiếc máy cày vừa xong việc, đang được thay bánh. Đứng cạnh đó, một công an viên, chủ nhiệm HTXNN Vũ Tây cùng vài cán bộ xã đang sôi nổi bàn tán. Để diệt sạch mấy miếng mạ “cứng đầu”, xã cho tháo cạn nước.

Theo như lời một lãnh đạo xã thì, tháo hết nước, ruộng khô “nó” cũng tự chết, không phải tiêu hủy. Quả thật, cửa cống đang được mở hết cỡ. Nước từ trong ruộng chảy ra xối xả, đục ngầu màu đất sét. Chiều muộn, trời rét căm căm, những vị này vẫn đứng canh chừng vì sợ người dân đóng cống, giữ nước cứu mạ.

Cánh đồng mạ thôn Hợp Tiến thì đã được chính quyền xã san phẳng từ ngày 12/12.

Mạ non làm sao sống được!

Chị Nguyễn Thị Chiện, thôn Bình Sơn nhẩm tính, 5 miếng mạ Xi23 gieo được đúng một tháng thì bị tiêu hủy.


Dùng máy cày để tiêu hủy mạ

“Mọi năm vẫn gieo cấy bình thường có sao đâu, vụ nào cũng được gần hai tạ một sào. Năm nay xã giải thích nếu cấy thì trỗ vào tháng ba, không năng suất nên không cho cấy. Xã đến vận động gia đình tôi ký cam kết tiêu hủy mạ rồi nói sẽ có hỗ trợ về giống thay thế”, chị Chiện kể.

Nhưng không cấy mạ già chả lẽ đi cấy mạ non (mạ gieo trên sân). Chị Chiện bức xúc: “Cấy mạ non thì kiểu gì cũng chết. Hai xóm này ruộng trũng nhất xã, cấy mạ non nếu không bị rêu phủ chết cũng bị ốc bươu vàng xơi.

Đã có năm, người dân thử cấy mạ non và kết quả chết sạch. Nhưng nếu năm nay xã bắt dân cấy mạ non, xã phải điều tiết được nước nếu không sẽ mất mùa”.

Chị Trần Thị Cương, cùng thôn Bình Sơn chua xót bảo, giờ lo lắm, chưa biết thế nào cả. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh chính quyền cho máy cày nát mạ của dân. “Nhưng thôi, cứ thử một vụ xem sao. Xã vận động thế, chúng tôi cũng nghe theo. Vụ này được hay mất lúc đó sẽ rõ”.

Hiện tại, Bình Sơn còn hơn 10 hộ kiên quyết không ký vào biên bản đồng ý tiêu hủy mạ. Theo ông Liễn, những hộ này xin được giữ mạ cho trâu ăn. Xã Vũ Tây liệt các hộ này vào danh sách “cứng đầu”. Gieo 8,4 miếng Xi23, bà Trần Thị Thúy từ chối yêu cầu tiêu hủy mạ của chính quyền địa phương.


Vì là ruộng trũng, người dân cho rằng, phá mạ già, trồng mạ non là bất hợp lý

“Nhà tôi cấy một mẫu. Năm nào ngập úng, mạ già cũng chết. Có mạ, giặm nhanh cũng phải 5 ngày mới xong. Vừa giặm vừa kiếm mạ chắc phải mất cả tuần. Vậy mà giờ phải cấy mạ non thì không biết sẽ thế nào…”, bà Trần Thị Thúy giãi bày.

“Tôi nói thật, nhà tôi không phải chống đối gì cả. Nhưng các chú bảo, lúa là của ngọc thực, ai dám phá bỏ như thế. Hơn nữa, mạ già dài cả gang cấy xuống còn chết thì mạ non làm sao sống được. Nếu không may mất mùa, tiền đâu mà đóng thuế đây?”, bà Thúy buồn rầu.

Nhà bà Thúy cấy 1 mẫu ruộng nằm rải khắp 11 mảnh từ đồng cao đến đồng trũng. Trong đó, diện tích bị trũng nặng là 5 sào. Ở Bình Sơn, trước giờ có cho tiền người dân cũng không dám cấy mạ non. Rêu phủ, ốc bươu ăn, mạ nào sống nổi.

Cấy mạ già, ấy vậy mà nhiều năm bà Thúy cũng như các hộ trong thôn phải đi tận xã khác mua mạ về giặm. Giặm lên giặm xuống mới có được ít thóc đổ vào hòm. Bà Thúy bảo xin lỗi chứ, đến vụ cấy các chú về đây mà xem, có mảnh đi cấy ruộng thụt đến tận cạp quần. Chỗ nào đỡ hơn bùn cũng phải ngập đến đầu gối. Khi cấy phải đi giật lùi, không bao giờ được nhấc chân mà cứ thế ủn về phía sau. Vì chỉ cần nhấc một chân là ngã chổng vó ngay.

Theo bà Thúy, trước giờ việc nước tưới gần như không thể điều tiết. Cứ bơm đủ nước tưới cho cánh đồng thượng thì khu ruộng trũng sau thôn lại phẳng như mặt hồ. Lúa nào ngoi lên được.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất