| Hotline: 0983.970.780

Dân khốn khổ vì "siêu dự án"

Thứ Ba 11/03/2014 , 15:36 (GMT+7)

Hàng chục hộ dân huyện Hóc Môn (TP.HCM) bức xúc làm đơn khiếu nại vì có đất đai nhà cửa bị dính trong quy hoạch “siêu dự án” Khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT).

Sau gần chục năm triển khai, dự án này vẫn “án binh bất động” khiến hàng trăm ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang, còn người dân vẫn đang thấp thỏm chờ đợi đền bù…

ĐÃ HƠN 5 NĂM KHÔNG THẤY BỒI THƯỜNG!

Có mặt tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (TP.HCM), chúng tôi chứng kiến cảnh nhà cửa hoang tàn dột nát của hàng chục hộ dân đang phải sống trong dự án “treo” suốt gần chục năm qua để ngóng chờ tiền đền bù.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngọc, ở ấp Nhị Tân 2 vẫn còn chưa hết xót xa khi vườn trồng cây ăn trái của gia đình đang thu hoạch đã buộc phải bỏ hoang kể từ khi có thông báo chấm dứt mọi hoạt động canh tác để bàn giao đất cho dự án VIUT từ năm 2009.

Tuy nhiên, sau 5 năm chờ đợi, vườn cây của gia đình ông đến nay đã chết khô còn dự án thì vẫn giậm chân tại chỗ. Ông Ngọc bức xúc nói: “Từ khi nghe dự án thông báo tới giờ, các loại cây trái trong vườn nhà tôi đều phải bỏ hoang. Cũng vì không được chăm sóc nên đến nay đã bị hư hại sạch, còn nhà cửa cũng bị xuống cấp trầm trọng. Người dân chúng tôi đã chấp hành bàn giao đất đai nhà cửa hết rồi, nhưng chẳng biết dự án chừng nào mới thực hiện và bà con được nhận tiền đền bù!?”.

Theo ông Ngọc, khu vườn của gia đình ông có diện tích gần 5 ha, trồng xoài, thơm, chôm chôm, quýt, điều… hàng năm cho thu hơn 200 triệu đồng. Vậy nhưng từ năm 2010 đến nay gia đình ông đã bị thất thu vì toàn bộ đất đai phải bỏ hoang.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Thanh gần đó có hơn 9 ha vườn trồng tràm, bạch đàn và cây ăn trái đến nay cũng đã chết khô hết. Thậm chí cả dãy nhà trọ (gần 500 m2), nguồn thu nhập chính của gia đình cũng phải dẹp bỏ vì quá xuống cấp do không được phép sửa chữa.

15-37-00_anh-2-bai-khon-kho-vi-siu-du-an
Căn nhà của một hộ dân trong khu dự án bị trộm “rinh” mất khiến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn

Ông Thanh buồn rầu tâm sự: “Gia đình chúng tôi sống ở đây đã nhiều năm, đang yên ổn làm ăn bỗng nhiên bị rơi vào đất quy hoạch dự án, treo cả gần chục năm nhưng chẳng thấy nhúc nhích gì. Nhà cửa đã bị mục nát, vậy mà khi nộp đơn lên xin sửa chữa vá víu tạm thì các cơ quan chức năng cứ đá đi đá lại không giải quyết!”.

Theo ông Thanh, những ngày đầu “ông dự án” xuống kiểm tra cho dân kê khai ký tên vào biên bản và ghi nhận toàn bộ số cây cối, nhà cửa trên đất, nhưng giải tỏa xong về nín thinh luôn, suốt 5 năm qua chẳng thấy tính chuyện bồi thường.

Bà Nguyễn Thị Thu, ở Khu giãn dân, ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì có 5,4 ha đất vườn trồng xoài, khóm, điều, tràm, hàng năm cho thu hoạch gần 200 triệu đồng, nhưng bị rơi vào diện giải tỏa trắng để giao đất cho dự án, suốt hơn 5 năm qua gia đình bà sống “treo” giữa vùng dự án.

Bà Thu rầu rĩ nói: “Người dân chúng tôi buộc phải sống bám đất chờ đền bù nhưng giờ chẳng biết làm gì để cầm cự cuộc sống vì muốn cất nhà hoặc chăn nuôi hay làm gì cũng không được, mình bán đất thì không ai mua và muốn làm gì họ hô quy hoạch là bó tay!”.

Dãy nhà của dân nằm trong vùng dự án treo đến nay đã mục nát không ở được

CẦN “TRẢM” DỰ ÁN LIÊN TỤC CHÂY Ì

Theo tìm hiểu của NNVN, “siêu dự án” Khu đô thị Đại học Quốc tế ở ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn do Cty Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư (UBND TP.Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 4110443000651 ngày 1/7/2008).

Ngày 5/1/2009, BQL dự án Khu Đô thị Tây Bắc (bao gồm dự án VIUT) đã có Văn bản số 01/BQL-VP gửi Ban Chỉ huy quân sự TP, UBND huyện Hóc Môn, UBND xã Tân Thới Nhì đề nghị các cơ quan này thông báo đến những hộ dân canh tác tại khu đô thị Đại học Quốc tế “giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng, không được xây dựng và đầu tư mở rộng, không được trồng mới các loại cây ngắn ngày vì trong năm 2009 sẽ tiến hành đền bù, thu hồi đất”.

15-37-00_anh-4-bai-khon-kho-vi-sieu-du-an
Diện tích đất rừng đã được người dân bàn giao cho dự án triển khai nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền đền bù

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban quản lý Đầu tư xây dựng khu đô thị Tây Bắc TP.HCM cho biết:

"Dự án VIUT đã không được triển khai xây dựng trong thời gian dài và được “ân hạn” nhiều lần. BQL sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình, chậm đến đâu, vướng mắc ở khâu nào BQL sẽ báo cáo lên UBND TP để tìm biện pháp xử lý triệt để.

Mới đây, UBND TP.HCM đã ra “tối hậu thư” cho Cty Berjaya Land Berhard, nếu Cty tiếp tục trì hoãn, không thực hiện các dự án theo cam kết, thành phố sẽ xem xét thu hồi dự án và chuyển đổi chủ đầu tư hoặc chuyển đổi mục đích đầu tư”. 

Một dự án từng mang lại nhiều hy vọng cho người dân nghèo ở địa phương này, nhưng cũng là nỗi thất vọng lớn đối với họ. Thất vọng nhất phải kể đến là số hộ dân bị dính trong quy hoạch, mặc dù đã nhiệt tình sớm giao đất để mong được hưởng lợi từ sau dự án, nhưng bây giờ họ cũng chẳng biết phải làm gì để sống giữa vùng dự án treo.

Có những trường hợp bị thiệt hại kinh tế rất nghiêm trọng như gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hương ở ấp Nhị Tân 2. Bà Hương có hơn 40 ha rừng trồng bạch đàn (trên 10 năm tuổi), đã bàn giao cho dự án được 23 ha từ năm 2009. “Gia đình tôi đã giao được phân nửa diện tích, nhưng mãi vẫn không nhận được tiền bồi thường. Giờ tôi quyết giữ phần đất trồng tràm và bạch đàn còn lại để chờ lúc nào có tiền mới tính tiếp”, bà Hương nói.

Nhiều người dân ở đây cho hay, mỗi lần xã kêu lên họp thì lại nói là sẽ quyết định trong năm nay, nhưng kết quả cứ kéo dài hết năm này sang năm nọ. Do vậy, các hộ dân cảm thấy bị coi thường, bị phỉnh gạt nên đồng loạt gửi đơn thắc mắc lên UBND huyện, BQL Dự án Khu đô thị Tây Bắc, yêu cầu trả lời chính xác thời hạn triển khai đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Toàn Nam, Chánh văn phòng UBND huyện Hóc Môn cho biết: “Đến thời điểm này huyện cũng chưa nhận được văn bản nào khẳng định chủ đầu tư dừng dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, các dự án mà chậm triển khai thì định kỳ hàng quý UBND huyện cũng có báo cáo xin ý kiến UBND thành phố để có hướng chỉ đạo xử lý những dự án này”.

Theo ông Nam, dự án hiện đang gặp khó nhưng ông khẳng định vẫn tồn tại. Tuy nhiên, ông Nam cho hay, mới đây 3 dự án lớn trên địa bàn huyện cũng đã bị rút giấy phép đầu tư do thiếu năng lực. Như vậy, rất có thể dự án này không nằm ngoài danh sách cần phải xem xét.

Trong khi “quả bóng” trách nhiệm được các cơ quan đá lòng vòng qua lại thì người dân vẫn đang khốn khổ dài cổ chờ đợi đền bù. Điều mà đa số người dân quan tâm lúc này là sự ổn định lại đời sống sản xuất hơn là chờ dự án.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.