Tìm đến xã Sơn Đồng, hỏi thăm kênh T2 mọi người dân đều ái ngại cho cảnh ô nhiễm của con kênh duy nhất tưới tiêu cho cả xã. Trước mắt chúng tôi, con kênh có màu đen đục, mùi tanh hôi rất khó chịu. Tuy ô nhiễm như vậy nhưng đây vẫn là thời điểm kênh T2 sạch nhất trong năm.
Đỉnh điểm là từ tháng 10 trở đi, thời tiết hanh khô, trong khi công năng sản xuất của 3 làng nghề đẩy lên dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng.
Chất thải phân hủy nổi lềnh bềnh trên mặt nước, váng bọt đen đặc tích tụ ngày một nhiều, tạo thành lớp váng khô và dày 15 - 20cm, “vứt điếu thuốc là bốc cháy; đến con gà, con chó chạy từ bên này sang bên kia con kênh là chuyện bình thường”, một người dân sống ở đây nói.
Ông Nguyễn Trí Phúc, trưởng thôn Đồng (xã Sơn Đồng) cho hay, tình trạng ô nhiễm đã hơn 20 năm, do chất thải của 3 làng nghề trong quá trình sản xuất bột rong riềng, bánh kẹo, bột sắn... tống hết ra kênh T2. Chất thải theo dòng nước, về đến xã Sơn Đồng bị phân hủy, bốc mùi hôi thối, khó chịu.
Chỉ vào vết thương nhiễm trùng ở chân, ông Phúc kể: “Hôm trước tôi lội rãnh dẫn nước từ kênh T2 chảy vào, vết thương đã 5 ngày mà giờ vẫn đau nhức, mưng mủ”.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, một vài năm gần đây Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài cũng thau nước, bơm nước nhưng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. Tuy nhiên, vì là con kênh duy nhất tưới tiêu cho lúa, rau màu nên người dân buộc dùng.
Thậm chí gia đình chị Trần Thị Vui, nhà dưới xóm Trại Chiêu năm 2012 gom góp tiền mua được một mảnh đất ở xóm Đồng, ngay bên kênh T2 chảy qua. Thấy ô nhiễm và mùi hôi thối của con kênh quá kinh khủng, đầu năm 2015 chị đã phải bán mảnh đất.
Được biết, 4 5 năm trở lại đây, số người dân bị bệnh ung thư mà thủ phạm rất có thể là do ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí gây ra đã gia tăng mạnh. Thôn Đồng có 200 hộ, riêng năm rồi có tới 10 người chết vì ung thư, trong đó có 8 người trẻ.