| Hotline: 0983.970.780

Dân không cho nghỉ

Thứ Ba 08/09/2015 , 10:36 (GMT+7)

Vợ ông trưởng thôn Trần Đình Lữ (thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) bảo rằng, 14 năm ông Lữ làm cán bộ thôn, chẳng bao giờ vợ biết đồng tiền phụ cấp trắng hay đen, tròn hay méo. 

Ông đi suốt ngày, chỉ đến tối mới ngả lưng một chút ở giường như cái nhà trọ.

Trăm thứ việc không tên

Sáng sớm, ông Lữ đang băm đống rau lang cho đàn lợn sề ăn thì có người gọi ời ời ngoài cổng. Đó là ông Nguyễn Văn Tỵ, 65 tuổi, người thôn Tân An (làng bên).

Khuôn mặt vị khách nhăn nhó, giọng nói bức xúc: Nguy quá bác ạ. Nhà ông Hà Văn Phúc (ở xóm 3, thôn Cẩm Tân) có đàn ong bắp cày làm tổ to đùng trên ngọn cây cao 12 m sát đường dân sinh. Hôm qua trở trời, lũ ong đuổi đốt 8 người đi đường. Đứa cháu tôi và 3 người khác bị đốt hàng chục nốt, phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Ba Vì. Chị Hà, Bí thư Chi đoàn thôn Cẩm Tân, cũng bị đốt hai nốt. 

Nghe thế, ông trưởng thôn tức tốc phóng xe sang xóm 3 khảo sát thực địa để chờ đến tối cùng người dân bắc thang, vác sào quấn giẻ tẩm dầu đốt.

Chuyện ông Lữ làm việc “tăng ca” vào ban đêm như cơm bữa. Chẳng nói đâu xa, vừa mới tối qua, ông còn nói sang sảng trong cuộc họp ở xóm 3 để giải quyết vụ dân lấn đường liên huyện 413 trái phép.

Ngày trước, tuyến đường này rộng 10 m, nhưng do vắng người qua lại, gần 20 hộ dân xóm 3 đã đóng cọc bê tông hoặc quây xung quanh để trồng rau và cây lâu năm. Lối đi bị co hẹp chỉ còn 3 m. Lãnh đạo xóm nhiều lần ra “tối hậu thư” yêu cầu các hộ vi phạm phải giải tỏa, nhưng bất lực. Trưởng thôn lại phải ra tay.

Trước đây, ở xóm 4 có một khu đổ rác rộng 720 m2 gần đường dân sinh, sau này thôn quy hoạch chuyển sang vị trí khác. Có một nhân vật “máu mặt” trong làng âm mưu thôn tính khu đất ấy bằng cách trồng cây lâu năm. Ông Lữ kiên quyết đòi lại bằng được cho Nhà nước.

Một đêm, có người gọi điện thoại đe dọa: “Mày cứ làm trưởng thôn mãi đi, sau này tao cho quân vào đập cho mày một trận”. Sống gần 21 năm trong quân đội, ông Lữ chẳng hề ngán ngẩm: “Được rồi, nếu thế thì anh cứ cho người vào đây rồi thích làm gì thì làm. Còn nếu không thì tôi đến tận nơi”.

Bà Lê Thị Toan, vợ ông Lữ,  mấy năm nay bị bệnh thoát vị đĩa đệm đa tầng, mỗi việc ngồi không mà người cứ bập ba bập bông. Con cái cũng đi lấy chồng hết.

“14 năm ông ấy làm cán bộ thôn, chẳng bao giờ tôi biết đồng tiền phụ cấp trắng hay đen, tròn hay méo. Một tháng có 30 ngày thì ông ấy đi 31, vợ lủi thủi ăn cơm một mình. Chỉ khi đến tối, ông ấy mới ngả lưng một chút ở giường như cái nhà trọ”, bà Toan nói.

Dân không cho nghỉ

Năm 2011, ông Lã Đức Quảng đang chuẩn bị thu hoạch hơn 30 tấn cá lồng nuôi tại hồ Suối Hai thì chúng lăn đùng ra chết vì sốc môi trường trong cơn bão lớn. Chủ lũ cá mếu máo gọi cho trưởng thôn nghĩ cách gỡ gạc vốn liếng.

Làm trưởng thôn, như ông Lữ nói là “bận kinh khủng khiếp, một ngày phải thay quần áo mấy lần để xuống xóm, lên xã". Nhưng, hỏi phụ cấp chức vụ được bao nhiêu? Ông bảo, giờ kiêm thêm chức Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã (hưởng phụ cấp 1.050.000 đồng) nên phụ cấp trưởng thôn cắt xuống còn 250.000 đồng. Cộng tổng thu nhập các chức vụ không đủ tiền xăng xe, điện thoại và nước nôi dọc đường.

Ông Lữ tức tốc loan tin trên loa phát thanh kêu gọi nhân dân đến mua ủng hộ. Ngay sau đó, dân Cẩm Tân cầm bao tải lũ lượt tìm đến đến xếp hàng mua cá giá rẻ. Riêng ông Lữ mua ủng hộ 10 kg, dù ao cá 9 sào của gia đình luôn ăm ắp cá.

Lại có dạo, trộm gà, trộm hoa quả hoành hành. Có gia đình chỉ sau một đêm mất cả bao tải nhãn. An ninh thôn chỉ cơ cấu 1 người, không thể bao quát hết. Tối đến, ông Lữ lại xỏ ủng rồi lân la bờ bụi phục kích đạo chích. Sau khi 5 - 6 vụ trộm cắp bị lật tẩy, tình hình trật tự mới đi vào ổn định.

Ti tỉ thứ chuyện, từ cãi vã, đấm đá đến cháy nhà, hủ hóa, ma chay,… việc lớn, việc nhỏ, người ta nhất quyết phải mời được ông trưởng thôn giải quyết mới yên lòng. Rất nhiều lần ông xin nghỉ để tập trung lo kinh tế gia đình nhưng chẳng khi nào đạt được ý nguyện, bởi dân một mực phản đối.

Năm 2002, ông Lữ trúng cử Bí thư Chi bộ thôn. Ngày ấy phong trào văn nghệ, thể dục thể thao ở Cẩm Tân gần như bị thui chột vì không có sân thể thao, nhà văn hóa cộng đồng.

Ông Lữ tổ chức các cuộc họp chi bộ, họp ban lãnh đạo thôn, xin ý kiến của nhân dân để hóa giá khu đất và ngôi nhà hội trường cũ lợp ngói chật chội gần đường dân sinh cho tư nhân với giá 60 triệu đồng. Số tiền ấy dùng để xây dựng một cái nhà văn hóa tuyệt đẹp, rộng gần 100 m2, tường gạch dày 20 cm và lợp mái tôn kiên cố ở một khu đất mới. Toàn bộ nội thất bên trong, từ cái ti vi, bàn ghế, tủ kệ, loa đài… đều do ông vận động ủng hộ.

Trước mặt nhà văn hóa là một khoảnh đất rộng cả ngàn m2, ông huy động nhân dân góp công san phẳng mặt bằng. 2/3 quỹ đất được trồng cỏ làm sân bóng đá, còn lại được cán nền bê tông làm 3 sân bóng chuyền (2 sân dành cho phụ nữ, 1 sân dành cho đàn ông). Hằng ngày, trước 5 giờ chiều, ông Lữ lại phóng xe máy gần 2 km ra nhà văn hóa, vác cột sắt căng lưới đánh bóng chuyền. Người chơi thể thao về hết, ông lại một mình thu dọn.

Ông còn vận động ngành điện lực địa phương ủng hộ dây cáp, cột điện cao áp vào sân vận động. Từ ấy, cứ chiều đến, người dân lại tụ họp đông như hội. Đội văn nghệ của thôn Cẩm Tân cũng hình thành, hoạt động sôi nổi và hiệu quả nhất xã. Cũng trong 2013, thôn vinh dự được đón nhận danh hiệu Làng văn hóa đầu tiên của xã.

Để người già cũng có nơi hội họp, năm 2014, ông Lữ cùng ban lãnh đạo thôn lại tiếp tục gửi thư vận động các doanh nghiệp, con em xa quê và các đơn vị kết nghĩa ủng hộ được 420 triệu đồng để xây nhà Câu lạc bộ người cao tuổi ngay sát nhà văn hóa.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.