| Hotline: 0983.970.780

Dân kiện Tập đoàn Điện lực

Thứ Năm 27/10/2011 , 11:17 (GMT+7)

NNVN ra ngày 25/10 có bài phản ánh Dự án thủy điện Sông Tranh 2 đã làm khổ hàng ngàn hộ dân thuộc diện tái định cư.

Người dân thôn 6 chạy nước ngập
NNVN ra ngày 25/10 có bài phản ánh Dự án thủy điện Sông Tranh 2 đã làm khổ hàng ngàn hộ dân thuộc diện tái định cư.

>> Thủy điện đẩy dân vào rừng

Mới đây, 18 hộ dân khác thuộc xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã chính thức đâm đơn kiện chủ đầu tư công trình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì công trình này đã nhấn chìm những ngôi nhà của họ.

Dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 do EVN làm chủ đầu tư, uỷ quyền cho BQL Dự án Thuỷ điện 3 trực tiếp quản lý, khởi công xây dựng hồi tháng 3/2006 tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My trên diện tích 2.448 ha, tổng công suất 190 MW, điện lượng trung bình mỗi năm 679,6 triệu kWh, vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng.

Dự án này đã khiến cho 1.046 hộ dân của 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My phải di dời. Tính đến nay, chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường, tái định cư cho hơn 1.000 hộ dân tổng cộng hơn 317 tỉ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn 18 hộ dân thuộc thôn 6 xã Trà Dơn vẫn chưa nhận tiền, chưa di dời khỏi lòng hồ do chưa chấp nhận mức bồi thường, giải toả của đơn vị chủ đầu tư và họ vẫn ở lại tại nơi cũ giờ đã là lòng hồ thủy điện.

Mặc dù vẫn còn 18 hộ dân đang sinh sống trong lòng hồ nhưng đơn vị chủ đầu tư đã chặn dòng. Trong quá trình thi công và tích nước phát điện, công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã làm nước dâng làm ngập toàn bộ đất SX, nhà cửa, đáng lo ngại hơn là nước của thủy điện đang đe dọa tính mạng của những người dân ở đây.

Xét thấy việc gây thiệt hại đến tài sản công dân, gây nguy hại đến tính mạng con người là hành vi trái pháp luật, do đó chiều 24/10, 18 hộ dân nói trên đã đâm đơn đến TAND huyện Nam Trà My khởi kiện EVN và yêu cầu cơ quan thẩm quyền buộc đơn vị chủ đầu tư phải ngưng ngay việc tích nước nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản của họ.

Theo nguyên đơn, phương án đền bù, giải tỏa mà EVN áp dụng cho họ là quá thiệt thòi nên họ cương quyết không nhận tiền và không di dời, đợi đến khi được nhận mức bồi thường thích đáng họ mới di dời. Thế nhưng khi công trình thủy điện Sông Tranh 2 tích nước đã làm nước dâng lút đầu, nhấn chìm toàn bộ nhà cửa và tài sản của 18 hộ dân này.

"TAND huyện Nam Trà My đã ra quyết định thụ lý xét xử vụ kiện hành chính đối với UBND huyện, và các hộ dân đã nộp án phí. Riêng vụ kiện EVN, TAND huyện sẽ trả lời việc thụ lý trong vòng 7 ngày theo luật định”, luật sư Bùi Bá Dũng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hà - Đoàn Luật sư Quảng Nam), người trợ giúp pháp lý cho nguyên đơn, cho biết.

“Khi toàn bộ nhà cửa, đất đai, tài sản của chúng tôi bị chìm hết dưới nước, chủ đầu tư cứ khăng khăng đổ lỗi do thiên tai. Vậy nên chúng tôi phải khởi kiện họ ra toà để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Riêng đợt ngập vừa qua, toàn bộ 18 ngôi nhà của chúng tôi bị chìm sâu dưới 15m nước. Nhà xây bằng xi măng thì hư hỏng, còn nhà làm bằng gỗ thì trôi lềnh bềnh, rời rã. UBND huyện vận động chúng tôi tạm tránh lũ, nhà cửa tài sản trôi hết mà giờ phải bỏ tiền ra thuê nhà ở tạm trên tuyến đường ĐT 616”, ông Phan Văn Bửu, một trong 18 hộ dân, bức xúc.

Được biết trước đó vào ngày 5/10, 18 hộ dân nói trên đã đâm đơn kiện UBND huyện Nam Trà My với lý do họ không chấp nhận việc dùng mức áp giá bồi thường, hỗ trợ từ năm 2006 để chi trả cho tài sản đã được kiểm kê đến thời điểm này. Đơn cử: đơn giá đất ở đã duyệt còn thấp, phương án hỗ trợ chênh lệch nhà ở chưa thích đáng, số tiền đền bù tuổi cho cây trồng tính vào thời điểm năm 2010 chưa hợp lý, bố trí tái định cư không tương xứng như chỗ ở cũ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm