| Hotline: 0983.970.780

Đàn lợn vượt qua bão dịch tả Châu Phi

Chủ Nhật 21/07/2019 , 10:50 (GMT+7)

Thông tin về đàn lợn sống sót của một gia đình ở huyện Yên Bình (Yên Bái) bị dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) khiến tôi phải đến tận nơi xem thực hư như thế nào.

17-18-56_2
Đàn lợn hơn 70 con của gia đình ông Tạ Minh Tân (xóm Quyết Tiến, thôn Khả Lĩnh, huyện Yên Bình) giữ lại nuôi nay vẫn sống khỏe mạnh. Ảnh: Kế Toại.

Tôi đề nghị ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Yên Bái cử một cán bộ đi cùng để chứng kiến sự sống sót thần kỳ của đàn lợn ra sao.

Ông Đức thành thật: Đến giờ khi có văn bản 5169/BNN-TY, ngày 22/7/2019 chỉ đạo hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh dịch của Bộ NN-PTNT tôi mới dám nói thật.

Trước đây, theo chỉ đạo hộ nào có dịch thì tiêu hủy tất cả số lợn nuôi của hộ đó, để tránh sự lây lan của dịch. Nhiều hộ có cả trăm con lợn, mỗi con cân nặng 80-90 kg buộc họ phải tiêu hủy, gia đình xót xa mà chúng tôi cũng rất tiếc. Nên đồng ý không tiêu hủy những con không cùng ô chuồng với những con bị nhiễm dịch, ngấm ngầm đồng ý cho họ nuôi. Điều kỳ lạ, những con để lại của nhiều hộ đến giờ vẫn sống dù đã qua 21 ngày…

Vượt hơn 30 km chúng tôi đến gia đình ông Tạ Minh Tân sống khuất trong một hẻm đồi thuộc xóm Quyết Tiến, thôn Khả Lĩnh, huyện Yên Bình. Rất may gặp ông đang lái chiếc xe công nông tự chế lên đồi để chở nứa về làm cây chống các cành bưởi.

Ông dẫn chúng tôi vào nhà, ngôi nhà 2 tầng rộng mênh mông được xây lên từ việc bán vài tấn bưởi và cả trăm con lợn mỗi năm.

17-18-56_4
Ông Tân và bác sĩ thú y kiểm tra đàn lợn. Ảnh: Kế Toại.

Khi hỏi về những con lợn sống sót sau khi đàn lợn của gia đình ông bị DTLCP ập đến, gương mặt ông trở lên buồn bã, ông cho hay: Gia đình tôi nuôi 10 con lợn nái, một con lợn đực giống Landrace mua với giá 30 triệu, nặng khoảng 4 tạ, to như con trâu.

Mỗi năm đàn lợn nái đẻ ra khoảng 200 lợn con, gia đình để lại nuôi tất, tính ra mỗi năm nhà tôi bán ra thị trường từ 13-15 tấn lợn, họ đánh xe đến tận nhà mua cả chục con một chuyến. Giá bán năm cao nhất 53.000-52.000đ/kg, năm ngoái bán được 43.000đ/kg, đầu năm nay xuống còn 38.000đ/kg.

Đùng một cái đàn lợn nhà tôi nhiễm dịch, quả thật gia đình tôi vô cùng lo lắng nên vội điện cho con gái tôi là Tạ Thị Hồng Tuyết, bác sĩ thú y đang công tác tại Trung tâm Giống-Vật nuôi về xem thế nào.

Hôm ấy là ngày 29/6 có một con lợn nái ốm chết, mấy bố con không khiêng ra được phải mổ phân ra làm nhiều mảnh đem chôn rồi báo cho Trung tâm dịch vụ của huyện tới lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 4/7 có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP, ngày 5/7 các cơ quan của huyện Yên Bình đến lập biên bản tiêu hủy…

17-18-56_3
Ô chuồng nuôi lợn giống của gia đình ông Tân đã tiêu hủy. Ảnh: Kế Toại.

Nói tới đây ông Tân nhìn tôi buồn ngơ ngác: Quả thật, khi đó tất cả mọi người trong gia đình tôi rất buồn, vợ tôi không dám ra ngoài vườn xem người ta chích điện chôn lấp đàn lợn 52 con, trong đó có 7 con nái và 1 con lợn đực giống.

Bà ấy ngồi góc nhà ôm mặt khóc, tôi và các cháu thì chạy đi chạy lại không nói được lời nào. Xót lắm anh ạ, còn hơn 70 con lợn thịt và 2 con lợn nái nuôi ở chuồng ngoài kia, tôi xin được giữ lại và cam kết nếu chúng bị nhiễm dịch thì gia đình tự nguyện tiêu hủy, đồng thời thuê luôn máy xúc đào hố chôn sẵn…

Tới lúc này ông Tân mới nở một nụ cười: Đến hôm nay đúng 26 ngày, nếu tính từ hôm 29/6 khi con lợn đầu tiên của gia đình tôi ốm chết, đúng 20 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm, đàn lợn hơn 70 con hiện vẫn sống khỏe, lớn nhanh…

Ông Tân cho biết thêm: Hơn chục con lợn con được tách ra khỏi mẹ nó cách ngày đàn lợn nhiễm dịch khoảng 5-6 hôm, đến nay chúng đang sống khỏe, ăn khỏe…

Ông Tân giới thiệu những con lợn con được tách ra 5-6 ngày trước khi lợn mẹ bị nhiễm dịch. Ảnh: Kế Toại.
Cơn bão DTLCP càn quét qua tỉnh Yên Bái, đến ngày 24/7/2019 khiến 3.943 con lợn mắc dịch, đã tiêu hủy 7.047 con, trọng lượng 332,24 tấn của 1.137 hộ ở 174 thôn, bản, của 73 xã, phường, thị trấn trên tất cả 9/9 huyện, thị xã, và thành phố tỉnh Yên Bái. 

Từ đàn lợn của gia đình ông Tạ Minh Tân đặt ra cho công tác chống DTLCP cần phải linh hoạt, làm sao tránh thiệt hại cho người dân ở mức độ thấp nhất.

Ngày 22/7/2019 Bộ NN- PTNT đã ban hành văn bản số 5169/BNN-TY hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP: Được phép nuôi và giết mổ những con lợn khỏe ở ô chuồng, dãy chuồng có lợn mắc bệnh kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP. Mặc dù văn bản chậm so với thực tế đang diễn ra, nhưng rất cần thiết. Các địa phương không phải “ngấm ngầm” cho phép các hộ có những con lợn khỏe mạnh được nuôi hoặc giết mổ mà không phải tiêu hủy như trước đây.

Biểu đồ lợn nhiễm dịch DTLCP và tiêu hủy của tỉnh Yên Bái đang thấp dần. Theo thống kê của Chi cục Thú y- Chăn nuôi, tháng 5 bùng phát 32 ổ dịch, tháng 6 có 22 ổ dịch, đến 24/7 còn 16 ổ dịch. Số lợn nhiễm dịch và tiêu hủy tháng 5 và tháng 6, mỗi ngày từ 120- 150 con, đến tháng 7 số lợn tiêu hủy giảm xuống dưới 100 con, có ngày chỉ có 20-30 nhiễm dịch và tiêu hủy.

17-18-56_5
Chốt kiểm dịch động vật trên QL 32 Yên Bái- Lai Châu. Ảnh: Kế Toại.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư tỉnh Yên Bái giao nhiệm vụ cho ngành NN-PTNT Yên Bái: Bằng mọi biện pháp, đến 30/8 ngành Nông nghiệp phải khống chế được dịch, tới 30/9 phải chấm dứt hoàn toàn DTLCP để hướng dẫn người dân tái đàn… Đây là quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Yên Bái.

Xem thêm
Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất