| Hotline: 0983.970.780

Dân mong gì ở cán bộ?

Thứ Năm 09/09/2010 , 10:16 (GMT+7)

Phần đa các thầy đồ chuyên cho chữ, bán chữ thời nay đều chua chát nhận xét, đạo đức xã hội đang xuống thang khi mà người ta toàn đổ xô đi xin những chữ nhẫn, tâm, phúc, lộc, thọ…còn bỏ mặc chữ liêm, chính, cần, kiệm ế mốc, ế meo.

Xin chữ ở Đền Chu Văn An
Phần đa các thầy đồ chuyên cho chữ, bán chữ thời nay đều chua chát nhận xét, đạo đức xã hội đang xuống thang khi mà người ta toàn đổ xô đi xin những chữ nhẫn, tâm, phúc, lộc, thọ…còn bỏ mặc chữ liêm, chính, cần, kiệm ế mốc, ế meo.

Tôi lân la cả buổi ở đền thờ Chu Văn An (Chí Linh, Hải Dương) để xem cảnh xin chữ, cho chữ thánh hiền. Đền này là một trong bát cổ Chí Linh, còn có tên “Tiều ẩn Cổ Bích” tức tiên sinh ẩn cư xứ là nơi ở ẩn của thầy giáo Chu Văn An. Do có tài năng xuất chúng, đức độ hơn người nên mới ngoài 20 tuổi ông đã được vua Trần Minh Tông mời làm tư nghiệp Quốc Tử Giám và dạy hoàng tử.

 Đến thời Trần Dụ Tông lên ngôi, ham thích vui chơi, trễ nải chính sự, triều thần rối ren, mục ruỗng, thầy dâng thất trảm sớ đòi chém 7 tên nghịch thần nhưng không được chấp nhận liền trao trả mũ áo, từ quan về núi Phượng Hoàng dạy học, tìm thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế. Về ẩn nơi thông reo, suối chảy thầy lấy son làm mực, bẻ trúc làm bút, chính vì thế đặc biệt khác với mọi thư pháp ở các nơi khác dùng mực tàu, ở đền Chu Văn An lại dùng son. Ngó vào danh sách chữ sở nguyện, tâm đắc để cầu xin thánh gồm độ hơn hai mươi từ để trên bàn rồi lại nhìn cảnh người ngược xuôi lom khom đọc, chọn chữ mình thích, tôi thấy họ chỉ tập trung vào một vài chữ. Tranh thủ lúc hai ông đồ Nguyễn Đức Đôn và Bùi Quốc Việt đang ngơi tay bút, tôi liền hỏi ông lý do tại sao có chữ nhiều người thích, có chữ lại chẳng một ai đoái hoài.

Ông đồ Đôn tư lự kể từ hồi đền Chu Văn An khánh thành năm 2008, tức hơn hai năm rồi, mùa xuân ông cho mỗi ngày 100-200 chữ, mùa hạ, thu, đông mỗi ngày cũng được dăm ba chục chữ, mà chữ liêm, chữ chính (có trong bản danh sách hơn hai mươi chữ sở nguyện, tâm đắc đặt ngay trên bàn cho khách chọn - PV) ế xưng ế xỉa. Ế đến nỗi ông đồ Việt cay đắng đùa ông Đôn rằng: “Liêm, chính lâu không ai xin có lẽ chúng mình quên hết cả cách viết rồi”. Ông Đôn thống kê khoảng 70- 80% khách xin chữ đền thầy Chu là học sinh, các em thường thích mấy chữ minh, trí, tuệ, 20- 30% khách còn lại thích nhẫn, tâm, phúc, lộc, thọ...Nhiều người xin chữ mà bụng phệ núng nính mỡ, mặt mũi đỏ gay như gà chọi, phà ra đủ thứ mùi mực, mùi bia tây rượu ngoại…thầy cũng chẳng muốn cho.

 Duy nhất một lần có một em học sinh rất trẻ, xin chữ cầu học hành tấn tới xong liền rụt rè đề nghị ông viết cho một chữ liêm. Ngạc nhiên quá đỗi, ông đồ ngót 70 tuổi liền hạ mục kỉnh, hỏi han tỉ mỉ tại sao người trẻ đó lại thích chữ liêm thì được giãi bày như thế này. “Cháu xin chữ liêm không phải cho cháu mà cho bố cháu. Bố cháu làm cán bộ mà cháu thấy cán bộ thời nay kiếm tiền dễ quá, bỏ quên hết cả liêm với chính nên cháu xin chữ này để mong bố cháu tránh xa con đường xấu”. Chữ chính cũng thế, hoạ hoằn lắm, một năm mới có đôi ba người xin. Chữ nhẫn thích hơn chữ tâm, cần có người xin, kiệm cũng có dăm ba người nhưng liêm, chính phần đa đều tránh.

Xin chữ phản ánh ước vọng của xã hội. Ông Nguyễn Văn Sông- Trưởng BQL di tích Chí Linh bảo với tôi như vậy. Ông Sông kể rằng, mỗi đoàn khách đến đền, khi nghe giới thiệu bảy tên trong thất trảm sớ như đại tội hoạn quan Mai Thọ Đức thiến sót, ngủ với hàng trăm cung tần, xui vua Trần Dụ Tông loạn dâm với cả chị gái. Thứ hai là tên quan ngự y Trâu Canh giết 21 đứa trẻ con nhà lành lấy mật chế thuốc chữa liệt dương cho vua chúa…Còn lại 5 tên khác trong thất trảm cũng đều phạm những trọng tội đáng khinh bỉ như phụ trách nội chính thì kết bè cánh, phụ trách quân đội thì làm rỗng kho lương, hoen rỉ vũ khí…Sau khi giới thiệu xong, ai nấy đều xem chừng thấm thía lắm, lúc ra xin chữ đều đăm chiêu suy nghĩ kỹ, phần lớn xin chữ đức, tâm…

“Đạo đức xã hội xuống cấp thể hiện ở chỗ những chữ không đạt được đến thì người ta tránh xa. Học trò đến xin chữ minh, trí, tuệ…khi đỗ đạt thường hồ hởi chạy đến ngay từ bậc cầu thang đầu tiên đã hồn nhiên nói rõ to: “Xin báo thầy chúng con đã đỗ đại học”…Người lớn thì ngày nay không có sự hồn nhiên ấy, họ thường xin chữ danh, chữ đạt. Khi thành rồi, họ cũng không dại gì mở miệng báo cáo với thầy rằng con đã thành danh, thành đạt cả. Có lẽ lòng tham của họ không biết đến giới hạn nào. Còn chữ liêm, chữ chính ế bởi họ ngại cái uy cao lồng lộng của thầy Chu, sợ việc cái khảng khái, thanh liêm nên không dám xin và cũng sợ không biết xin về liệu có giữ được không?”

Đó là nơi xin chữ ở đình đền miếu mạo chốn thôn quê, còn chuyện xin chữ nơi thành thị có gì khác? Ước vọng của thị dân có đặc biệt? Nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Chủ nhiệm CLB thư pháp Hải Phòng, người đã rất nổi tiếng với việc cho chữ nhiều vị lãnh đạo, hiện ông đang tác nghiệp ở vườn hoa Lý Thái Tổ cả tháng trời nhân dịp Thăng Long ngàn tuổi tổng kết: “Bậc quan chức lãnh đạo thường ít xin chữ. Dân buôn bán xin phát, xin lộc. Dân sông nước, lái xe, lái tàu xin chữ an, chữ bình. Người già cả xin chữ khang cầu mạnh khỏe. Kẻ xin chung chung thường lấy chữ nhẫn, chữ tâm…Cả chục năm cho chữ, tôi không thấy ai ngỏ ý xin chữ liêm. Chữ chính cũng họa hoằn có vài bận. Đa phần quan chức thời nay hay xin chữ thành, đạt, phát, tiến…".

"Có người làm quan rồi không gỡ được cái bả làm quan. Về hưu rồi mà chỉ ngong ngóng ở cửa xem có ai mời đi họp đi hành không. Nghĩ thế mà thấy lòng vừa thương vừa buồn. Tôi đã chứng kiến một người làm quan vừa vừa thôi. Sau này bị bệnh tâm thần, người ấy suốt ngày cầm một cái que ký xuống đất. Mỗi lần ký xong lại nói một câu đầy mãn nguyện: “Duyệt”. Tôi đã đứng nhìn người bệnh tâm thần kia và thấy cái danh quyền nó ghê gớm đến nhường nào”. (Nhà văn Nguyễn Quang Thiều).
Ông Lý nói thêm: "Chính tôi cũng gợi ý vài vị cán bộ to to rằng nên treo chữ chính, chữ liêm nhưng các ông này từ chối thẳng thừng: “Ấy chết! Chúng em treo chữ ấy người ta vào nhìn thấy lại đàm tiếu bảo ông này chỉ được cái giả vờ. Giả chết bắt quạ. Phản cảm lắm lắm! Mà chẳng biết chính chúng em có thực hiện nổi mấy chữ đó không. Thôi thì chỉ dám xin những chữ chung chung thông dụng cho lành”.

Một ngày trung bình ông Lý cho dăm chục chữ, ngày lễ tết ở Văn Miếu cho cả mấy trăm chữ, 10-15% người xin chữ là quan chức, cán bộ. “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ cảnh”, nên xin chữ là một trong bốn thú chơi tao nhã đầu bảng thủa xưa. Treo chữ thiêng liêng lắm. Người treo một chữ trong nhà, cả cuộc đời có khi chăm chăm thực hiện tận cùng chữ đó còn khó nên ngày nay người ta không xin những chữ khó thực hiện nổi. Xin cho mục tiêu rộng, phấn đấu cho cộng đồng, xã hội như đức, tâm (phật tâm, đan tâm), liêm, đạo, chính…những chữ thể hiện sự xả thân, cống hiến thì ít mà chỉ xin cho bản thân, cho gia đình thì nhiều.

 Quan chức nếu xin hay xin những chữ phúc là bởi treo nó ít người bình luận vì phúc là ước vọng chung, từ dân đến cán bộ ai chẳng thích. Nếu cán bộ mà treo chữ đức, chữ liêm, chữ chính, chữ thiện…dễ bị người ta cười rồi đàm tiếu rằng: “Ông ấy đức độ, liêm chính gì mà dám dày da mặt treo chữ ấy”.  Thư pháp gia Lê Thiên Lý bảo rằng trước đây dăm mười năm, người ta trông thấy chữ như phượng hoàng thấy thóc, rất lạ lẫm, coi thường nhưng giờ phong trào chơi chữ đã lên cao, thấy chữ như gà thấy thóc rồi. Nhưng đau xót là nhiều chữ bị ế chứng tỏ chuẩn mực đạo đức xã hội bây giờ đã khác. (Còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm