| Hotline: 0983.970.780

Dân nghèo bị ngư tặc "cướp cơm"

Thứ Sáu 01/10/2010 , 07:00 (GMT+7)

Con cá, tôm đã ngàn đời nuôi sống những ngư dân ven đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên- Huế). Thế nhưng, mấy tháng nay, họ phải mất ăn mất ngủ, ngày đêm lo lắng cho số phận của hàng trăm vuông lưới cá, thậm chí là tính mạng của mình khi nhóm ngư tặc đến từ Huế, Hương Vinh, Hương Phong (Hương Trà) đang ngày đêm quần thảo.

* Đánh đập, dọa cắt tai, dí điện ngư dân

Ngư dân quá đơn độc trên đầm phá Tam Giang mênh mông trước bọn ''ngư tặc'' hung hãn và táo tợn

Con cá, tôm đã ngàn đời nuôi sống những ngư dân ven đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên- Huế). Thế nhưng, mấy tháng nay, họ phải mất ăn mất ngủ, ngày đêm lo lắng cho số phận của hàng trăm vuông lưới cá, thậm chí là tính mạng của mình khi nhóm ngư tặc đến từ Huế, Hương Vinh, Hương Phong (Hương Trà) đang ngày đêm quần thảo táo tợn cướp đi hàng chục tạ cá, tôm của ngư dân nghèo.

Trắng đêm vì ngư tặc

Trở về thôn An Xuân (xã Quảng An, huyện Quảng Điền), trên nét mặt từng ngư dân, đôi mắt thâm quầng hiển hiện sự lo âu và kiệt sức sau những đêm thức trắng cùng ngư tặc. Theo thuyền của ngư dân Trần Văn Lâu ra phá Tam Giang, chúng tôi bàng hoàng trước cả một vùng tôm cá trù phú nay chỉ sau một đêm đã tan hoang như vừa trải qua một trận cuồng phong bão táp! Chỉ tay về phía mùng lưới bị xé toạc, ngư dân Trần Văn Lâu nói như mếu: “Mấy đêm liền canh cá, thức trắng đêm mệt quá nên hôm vừa rồi tui nghỉ, ấy thế mà sáng ra thấy lưới mùng rách tan tành. Bọn ngư tặc đi ghe nhỏ, dùng xung điện vào “lùa” bắt của tôi hơn một tạ cá, tôm. Công bao ngày chăm sóc, đổ bao nhiêu công sức tiền bạc mà chỉ sau một đêm như mất trắng vì cá, tôm phần thì bị bắt, phần thì lưới rách thoát ra ngoài hết”.

Một thực trạng đang diễn ra trên đầm phá Tam Giang là dù ngư dân có “trắng đêm” canh cá thì đó cũng là biện pháp bất đắc dĩ mà thôi bởi theo như lời ông Lâu nếu giáp mặt với “ngư tặc” vào ban đêm thì càng nguy hiểm hơn, không chỉ bị bắt mất tôm cá mà tính mạng cũng khó bảo toàn. “Bọn chúng táo tợn lắm, vào trong hồ nuôi tôm cá người khác mà như chỗ không người, có gì là chúng lấy tất, vơ hết lên ghe rồi dong thẳng ra phá không ai dám mần chi được”- ông Lâu vừa nói, hai tay run run chắp lại tấm lưới vừa bị xé rách như xơ mướp.

Theo nhiều ngư dân ở đây cho biết, mỗi lần bị “cào” trộm cá tôm như thế họ thiệt hại cả trăm triệu đồng bởi bao công sức, tiền của đều dồn hết vào một mùa vụ, ngư tặc tấn công một lần là xem như trắng tay. Không chỉ mất của, nhiều ngư dân vì bảo vệ tài sản của mình mà bị ngư tặc tấn công, gây thương tích.

Ngư dân khốn đốn vì chỉ sau một đêm, ''ngư tặc'' phá lưới, dùng xung điện càn quét hết sạch tôm cá

Gần đây nhất là vụ ngư dân Trần Hữu Thế vì ngăn ngư tặc tấn công vuông lưới của mình mà bị bọn chúng dùng mái chèo đánh, dí cả điện, đến nay sức khỏe vẫn chưa bình phục. Ông Thế bàng hoàng kể lại: “Bọn chúng thường tấn công càn quét các hồ cá vào ban đêm nên không thể nhận diện được. Hôm đó đang ngồi canh cá thì bỗng thấy 2 chiếc ghe nhỏ băng sóng lướt rất nhanh tới hồ, rồi chúng thẳng tay cắt lưới, dùng xung điện gí, cào sạch cá tôm. Thấy xót của tui vùng ra ngăn cản thì chúng dùng mái chèo đánh tới tấp”.

Không chỉ bị mất của, nhiều ngư dân mới lời qua tiếng lại với bọn ngư tặc thì y như rằng sáng ra lưới mùng chắn cá sẽ bị rách tơi tả như một đòn cảnh cáo. Các vùng cá tôm được nuôi trong những ao cao triều, có đê chắn vững chắc vẫn không thoát khỏi sự “nhòm ngó” của ngư tặc bởi chúng sử dụng đường dây điện dài cộng với bộ kích điện mạnh “càn quét” cá mang lên ghe rồi dong thẳng ra phá.

"Cuộc chiến" trên đàm phá

Chưa bao giờ cuộc chiến trên đầm phá của ngư dân, chính quyền địa phương lại diễn ra căng thẳng như hiện nay. Nhắc đến bọn ngư tặc, không chỉ người nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang căm giận mà ngay cả chính quyền cơ sở cũng bức xúc bởi không ít lần cán bộ xã tham gia chỉ đạo truy quét cũng bị bọn chúng tấn công.

Trước tình trạng ngư tặc ngày một lộng hành, quá bức xúc, 17 tổ nuôi trồng thuỷ sản đại diện cho 215 hộ dân xã Quảng An đã đồng loạt làm đơn kêu cứu, yêu cầu chính quyền xã, huyện giải quyết triệt để vấn nạn ngư tặc đang gây thiệt hại kinh tế nặng nề và tàn phá nghiêm trọng môi trường, thuỷ sản tự nhiên trên phá.
Ông Trần Viết Nước- Phó Chủ tịch UBND xã An Xuân cho hay: “Nhóm người ăn trộm cá càng lúc càng ngang ngược, khi chúng vào được hồ nuôi thì càn quét không chừa một thứ gì. Từ cá, tôm cho đến những vật dụng sinh hoạt của ngư dân hàng ngày đều vơ vét lên ghe mang về hết. Nói mô xa, gần đây nhất là vụ công an viên Trần Quang Thiện khi tham gia cùng chính quyền truy quét bọn ngư tặc cũng bị chúng dùng mái chèo đánh tới tấp, gây thương tích nặng. Rất may, nhờ các đồng chí hỗ trợ, nổ súng thị uy bọn ngư tặc mới chịu bỏ chạy ra phá, không thì hậu quả thật khó lường”. Bản thân ông Phó Chủ tịch cũng có lần bị nhóm người ăn trộm cá dọa dí điện, dùng chân vịt máy ghe đang chạy dọa phang vào người khi đang làm nhiệm vụ.

Không chỉ tấn công cán bộ xã khi tham gia làm nhiệm vụ truy quét, ngư tặc còn dọa cắt tai, dí điện những ngư dân dám cả gan chở cán bộ ra đầm phá để nắm tình hình hay tiến hành truy quét ngư tặc. Trong đợt ra quân truy quét ngư tặc đầu tháng 8, Công an xã Quảng An đã bắt được 4 trường hợp vi phạm, phạt hành chính 8 triệu đồng, tịch thu tiêu huỷ các phương tiện đánh bắt huỷ diệt. Tuy nhiên, chỉ sau một vài ngày, ngư tặc lại lộng hành với "quân số" đông hơn.

“Biết là người dân kêu cứu, khổ sở nhưng do lực lượng chúng tôi quá mỏng, khu nuôi nằm xa nhà dân, nhóm người bắt trộm cá dùng ghe máy tốc độ cao, việc trốn thoát cũng dễ dàng nên việc truy đuổi, xử lý rất khó khăn”- ông Nước nói.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất