| Hotline: 0983.970.780

Dân nghèo ngán... ngao

Thứ Sáu 12/03/2010 , 10:10 (GMT+7)

Không phải vì hiệu quả kinh tế thấp mà người dân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) tỏ ra chán nản khi chuẩn bị bước vào vụ nuôi ngao năm nay, mà chính ở cái phương án xem ra không hợp lòng dân...

Không phải vì hiệu quả kinh tế thấp mà người dân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) tỏ ra chán nản khi chuẩn bị bước vào vụ nuôi ngao năm nay, mà chính ở cái phương án xem ra không hợp lòng dân do UBND huyện vừa mới ban hành.

Đánh bạc với giời

Ông Mai Văn Tự, thôn Hùng Thắng, xã Hải Lộc (Hậu Lộc) chắp tay sau lưng, đi đi lại lại ven biển. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu kể từ Tết Nguyên đán đến nay ông Tự ra khu bãi ngang để ngắm lại cái thửa đầm nuôi ngao của mình mà có lẽ, nó sắp chuyển quyền sở hữu sang cho chủ khác. Chính cái đầm này, 5-6 năm trở lại đây là nguồn sống của 5 gia đình, gồm vợ chồng ông và gia đình của 4 người con trai ông.

“Cái nghề nuôi ngao, chú ạ, nghe tưởng nhanh giàu nhưng cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu thôi”, ông Tự giãi bày với tôi. “Đấy là trời thương, cho mưa thuận gió hòa, ngao không bị bệnh, năng suất khá, chứ cái nghề này nói vậy chứ cũng lắm rủi ro. Chỉ một cơn bão, hoặc giá rét như năm ngoái năm kia thì có mà lỗ chổng vó”.

Nói rồi ông Tự kể cho tôi nghe về vụ nuôi ngao cách đây 5 năm. Thời điểm ấy, con ngao cái ngán bắt đầu được thương lái đến tận bãi biển để thu mua, giá cả cũng đã làm ngư dân nuôi ngao an lòng. Cả mấy xã ven biển là Hải Lộc, Minh Lộc và Đa Lộc của huyện Hậu Lộc đổ xô đi thuê đầm nuôi ngao. Nhưng đận ấy không hiểu sao tự dưng con ngao ở các đầm ven biển xã Hải Lộc chết hàng loạt. Vỏ ngao, ngán theo sóng biển dạt trắng cả ven bờ. Dân tình nhao nhác, hoảng loạn vì tất cả vốn liếng dành dụm cả chục năm trời đã đổ hết xuống đầm ngao, nay tan như bọt sóng.

Xót của, người nuôi ngao ở đây mới gom góp chút tiền còn lại, lấy mẫu nước ở đây mang ra tận Hà Nội xét nghiệm. Hóa ra, một cơ sở chế biến đầu tôm làm thức ăn chăn nuôi không có trách nhiệm đã xả thẳng nước thải xuống biển, sóng biển đưa thứ nước chết người kia đến các đầm ngao. Người dân quanh đây, vốn hiền lành chân chất, thật thà, quanh năm bám biển, bám đầm, chỉ biết nhìn khối tài sản của mình mất đi mà cũng chẳng biết bắt đền ai, đành chịu!

"Mấy năm trở lại đây, trời thương dân nghèo nên cho mưa thuận gió hòa, người nuôi ngao mới bắt đầu vực dậy sau đận ấy và có chút của ăn của để”, ông Tự tâm sự. Cũng nhờ đầm ngao khoảng 6ha, đại gia đình ông gồm 10 người lớn, 8 trẻ nhỏ cũng có đồng ra đồng vào. Các cháu được đi học, vợ chồng mấy người con trai ông luôn có công ăn việc làm.

Suốt mấy cây số bờ biển Hậu Lộc, hàng trăm đầm nuôi ngao của các chủ hộ ở đây đang mang lại lợi thế đáng kể khi tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Người ta đồn đoán với nhau rằng, nuôi ngao là nghề siêu lợi nhuận. Nếu bỏ ra một tỷ tiền vốn, sau vài tháng sẽ thu lại gấp hai ba lần, có khi còn hơn nhiều. Nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Tại ruộng ngao gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, thôn Y Vích, xã Hải Lộc, vợ ông Lợi vẫn không thể giữ nổi bình tĩnh, bà bật khóc khi tôi hỏi lại vụ ngao chết năm 2007. “Đận đó cứ tưởng phải đến nước đi ăn mày chú ạ. Cả nhà, trông chờ vào mấy tấn ngao để trang trải nợ nần, nuôi con ăn học, rứa mà đùng một cái cả ruộng ngao chết trắng. Chú bảo phải mần chi?”. Ông Lợi quay sang chép miệng, kể thêm: Tháng 7/2006, gia đình ông nhận thầu gần 1 hécta bãi để nuôi thả ngao thịt. Để có vốn đầu tư, ông phải mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đi thế chấp ngân hàng để vay tiền mua ngao giống. Vay mượn được tất cả hơn trăm triệu đồng, ông bỏ ra vài chục để đấu thầu đất nuôi ngao, số vốn liếng còn lại dồn hết mua 8 tấn ngao giống để nuôi thả. Theo cách tính của ông, nếu ngao không chết, gia đình ông sẽ có thu hoạch khoảng 40 tấn ngao thịt (1kg ngao giống giá 17.000 đồng thì thu hoạch được khoảng 5 kg ngao thịt, hiện giá tại đầm là 10.000 đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, mỗi kg ngao giống nuôi thành ngao thịt sẽ có lãi khoảng 25.000 đồng. Với 8 tấn ngao giống nếu phát triển tốt, thì lợi nhuận thu được là không nhỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm gần thu hoạch, ngao trên đầm của gia đình ông Lợi thi nhau chết, hết lớp này đến lớp khác, thiệt hại là rất lớn. Ngao chết nghĩa là tiền của... ném không xuống biển!

Thế mới biết, nuôi ngao tưởng dễ mà hóa khó!

Treo niêu vì chủ trương “xã hội hóa”

Mấy năm nay, thời tiết thuận lợi cho việc nuôi ngao của bà con ven biển Hậu Lộc. Họ dốc tiền của đầu tư cải tạo đầm, nâng cao chất lượng giống. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, thời điểm này họ lại vấp phải một mối lo khác, mà mối lo này mới lớn, mới làm họ trăn trở, bởi nó khó gỡ, nó là “đòn kinh tế” đánh thẳng vào bát cơm của họ. Mưa nắng thất thường, thời tiết không ủng hộ còn lúc có lúc không, đằng này, mặc cho mưa nắng, mặc cho được mùa hay thất bát, mỗi năm 1 ha đầm ngao của họ phải nộp cho chính quyền ít nhất 12 triệu đồng, thậm chí là 20 triệu đồng đối với đầm ngao của xã Hải Lộc. So với mức 3 triệu đồng từ trước đến nay, giá trên tăng chóng mặt.

Theo “chiếu chỉ” của UBND huyện Hậu Lộc do đích thân ông Chủ tịch UBND là Nguyễn Văn Ấp ký tháng 12/2009 thì “vùng bãi ngang (khu vực nuôi ngao) sẽ được quy hoạch lại với diện tích 400ha, gồm 3 xã Hải Lộc, Minh Lộc và Đa Lộc. Thời gian thuê đất mỗi chu kỳ là 5 năm, giá thầu không đổi”.

Theo lý giải của ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng phòng TN - MT huyện Hậu Lộc, thì “trước đây vùng bãi ngang là người dân chiếm đất tự do, xã và huyện đứng ra thu tiền 3 triệu đồng/ha/năm. Nhưng nay, huyện nhận thấy cần quy hoạch lại để “xã hội hóa” nghề nuôi ngao. Vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhân dân các xã ven biển”.

Tất cả tiền thuê đất đều được thu nộp vào kho bạc nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách. Số tiền trên được điều tiết cho các cấp ngân sách và phân bổ cho các đơn vị theo tỷ lệ: Ngân sách huyện 30% để sử dụng vào việc lập quy hoạch và chi phí quản lý an ninh trật tự, phí xăng dầu cho ca nô, tàu thủy phục vụ công tác tuần tra vùng triều. Ngân sách xã 70% để chi cho công tác quản lý, đầu tư công trình công cộng và lập quỹ phòng rủi ro, thiên tai.

Lý luận kiểu “hoa thơm mỗi người ngửi tý” trên được ông Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Ấp củng cố thêm bằng việc đưa ra những căn cứ: “Chúng tôi đã khảo sát, tính toán kỹ lưỡng. Việc đưa ra mức giá thuê nêu trên là hợp lý, bởi lẽ vẫn ưu tiên những chủ đầm cũ. Nếu họ không tiếp tục làm, thì sẽ có người khác thay thế”.

Chẳng biết ông Chủ tịch huyện dựa trên những tiêu chí nào để quyết định mức giá 20 triệu/ha/năm đối với xã Hải Lộc (đất loại 1) và 12 triệu/ha/năm (đất loại 2) đối với 2 xã còn lại là Minh Lộc và Đa Lộc, còn những chủ đầm nuôi ngao đang rất hoang mang. Ông Tự phân tích: Với 1ha đầm, chủ hộ nuôi ngao phải đầu tư khoảng 200 triệu/vụ, kéo dài khoảng 18-20 tháng. Nếu trúng vụ trúng giá, khi trừ mọi chi phí, chủ đầm sẽ lãi khoảng 60 triệu. Như vậy, với thời gian gần 2 năm, chi phí thuê đầm là 40 triệu, thì số lãi chỉ khoảng 10 triệu/ha/năm, thấp hơn nhiều so với trồng lúa, hoặc các ngành sản xuất khác.

Theo ông Tự thì những chủ đầm nuôi ngao của 3 xã trên đã thành lập một hiệp hội, là Hội nuôi trồng thủy sản Hậu Lộc. Đại diện của hội này đã có ý kiến về mức giá thuê đầm do UBND huyện đưa ra. Song đến nay vẫn chưa có phản hồi từ phía chính quyền. Còn đối với các chủ đầm, hiện họ chưa dám bỏ tiền đầu tư giống, vải tạo đầm để tiếp tục nuôi ngao. Nhiều hộ khẳng định, với mức giá này chắc họ phải bỏ đầm, tính kế sinh nhai khác.

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…