| Hotline: 0983.970.780

Dân no thì nước giàu...

Thứ Hai 01/09/2008 , 08:00 (GMT+7)

Đấy là một chân lý thật giản đơn mà Bác Hồ đã nhắc nhở chúng ta từ cách đây 53 năm.

Đấy là một chân lý thật giản đơn mà Bác Hồ đã nhắc nhở chúng ta từ cách đây 53 năm. Bác nói: "Dân no thì nước giàu", vì nước ta là nước nông nghiệp, mọi việc đều dựa vào nông nghiệp.

Bác phân tích rất giản dị: Tục ngữ có câu "Dân dĩ thực vi thiên" nghĩa là "Dân lấy ăn làm Trời", nếu không có ăn là không có Trời. Lại có câu "Có thực mới vực được đạo" nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả. Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân...

Tác phẩm Bác Hồ làm việc ở Pắc Bó của họa sĩ Trịnh Phòng

Dân số nước ta từ 25 triệu người vào mùa thu 1945 nay đã nâng lên trên 86 triệu người, với 61 triệu người là cư dân nông thôn...Nông dân ta không còn đói, không còn rét. Nước ta không chỉ đủ lương thực, thực phẩm mà còn đứng thứ nhì trong các nước xuất khẩu gạo và nhiều nông lâm thủy sản khác đã được xuất khẩu với quy mô lớn, nhiều mặt hàng như cao su, cà phê, hồ tiêu, hạt điều...đứng vào loại hàng đầu thế giới. Bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn đổi thay. Nông dân vẫn đoàn kết, đùm bọc nhau như truyền thống ngàn xưa, nhất là sau những đợt bị thiên tai tàn phá nặng nề.

Tuy nhiên chúng ta còn đang đứng trước những bức xúc lớn lao trên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chúng ta có thể thấy những con số rất đáng suy nghĩ: Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế nông nghiệp với 73,3% dân số nông thôn, trong số này tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23% (!). Hộ nghèo là những hộ thu nhập bình quân cả hộ mỗi tháng dưới 200.000 đồng, nghĩa là chưa mua được 20kg gạo thì làm sao nuôi nổi 3-4 nhân khẩu?

Nông dân Lê Văn Lam ở Đồng Tháp đã viết thư lên Thủ tướng: Tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng lên đến 200%...Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm trạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn. Hằng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hy vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận.

Trong 5 năm, từ năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Theo trả lời chất vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đầu tháng 6/2008 thì cả nước đã có 141 sân golf ở 39 tỉnh, sử dụng tới 49.268ha đất đai- trong đó có 2.625ha đất trồng lúa. Nếu như trong suốt 16 năm Thủ tướng chỉ cấp phép cho 34 dự án sân golf thì chỉ chưa đầy 2 năm (7/2006-5/2008) các địa phương sau khi được phân cấp đã cấp phép cho 104 dự án- nghĩa là cứ bình quân sau mỗi tuần lại xuất hiện thêm 1 sân golf (!).

Đấy là chưa kể việc sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ cỏ sẽ dẫn đến ô nhiễm không ít các mạch nước ngầm. Rất đáng buồn là toàn những ruộng nhất đẳng điền, toàn những "bờ xôi ruộng mật" bị lấy đi để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, sân golf hoặc xây các khu nhà để kinh doanh.Tính đến cuối năm 2007 riêng ĐBSCL đã có tới 134 KCN hay Cụm CN. Vậy mà ngay các KCN được cấp giấy phép từ lâu nhưng ruộng đất vẫn bị bỏ không một cách lãng phí.

Tình hình ruộng đất hiện vẫn vô cùng manh mún. Cả nước hiện có tới trên 75 triệu thửa ruộng, thuộc quyền sở hữu của 9 triệu 259 nghìn hộ nông dân. Vì các thửa ruộng quá nhỏ cho nên riêng diện tích đất được dùng làm bờ ruộng đã chiếm tới 20.000 ha (!). Khoán 10 là thành tựu của một giai đoạn và giai đoạn đó đã qua rồi. Giờ động lực của đổi mới năng suất cây trồng không còn ở ý chí làm chủ của người nông dân nữa mà phải là dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.

Chúng ta có đầy đủ những nguyên liệu quý giá như mía, sắn, ngô, khoai…để phục vụ cho CNSH. Thậm chí những nguồn chất xơ trong tương lai cũng có thể được đường hóa nhờ vi sinh vật và dùng để tạo ra cồn sinh học, nhất là khi trữ lượng, than đá, dầu mỏ , khí đốt trên thế giới đã cạn kiệt. Thật khó tưởng tượng khi Hà Lan chỉ có 16,34 triệu dân, 69,6% sống ở thành thị, vậy mà có thể xuất khẩu 17 tỷ USD nông sản phẩm (bình quân 4 triệu USD/ha!). Trong khi đó ở nước ta 1ha tại đồng bằng sông Hồng chỉ có thể thu được bình quân trên dưới 30 triệu đồng (khoảng 1.875 USD!).

Chính vì những bức xúc nói trên mà tôi rất đồng tình với các định hướng trước mắt mà Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng đã đề ra. Đó là:

- Hoàn thành cơ bản việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, khu công nghiệp và quy hoạch chuyên ngành theo vùng. Triển khai nhanh công tác quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quy hoạch phát triển đô thị.

- Hoàn thành sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, Luật Ngân sách Nhà nước và các luật khác có liên quan. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách về tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn.

- Đảm bảo tiến độ các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai; thực hiện một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là nước biển dâng; khống chế, dập tắt kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm, thuỷ sản và cây trồng. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực ở nông thôn.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn, nhất là xoá đói, giảm nghèo ở các huyện, xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%. Khắc phục nhanh những vấn đề bức xúc ở nông thôn, trước hết là những tồn tại liên quan tới vấn đề thu hồi đất. Triển khai chương trình “xây dựng nông thôn mới”, trong đó thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước.

- Tổ chức tốt việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn nông thôn; củng cố bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp.

Chỉ cần chúng ta đừng quên một lời chỉ dẫn rất quan trọng mà Bác Hồ đã ân cần nhắc nhở: Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần và quyết tâm phải ba phần.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm