| Hotline: 0983.970.780

Dân Quỳ Hợp gồng mình gánh chịu hậu quả khai thác mỏ để lại

Thứ Sáu 04/08/2017 , 13:44 (GMT+7)

Tháng 7/2017, chúng tôi quay trở lại Quỳ Hợp sau sự cố bể chứa chất thải của xí nghiệp khai thác thiếc Suối Bắc 4 tháng. Thời điểm này, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản không còn rầm rộ như trước nhưng những hệ lụy vẫn còn nguyên và dai dẳng…

Sau cơn mưa chiều, những cánh đồng lúa của xã Châu Quang được cấy hơn 1 tháng trời dường như vẫn “ngái ngủ”, vàng oạch. Thi thoảng lại gặp những thửa ruộng mọc đầy cỏ dại mặc cho đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ. Nước Nậm Tôn, Nậm Huống đã có phần trong xanh nhưng vẫn cạn kiệt, trơ sỏi cuội. Chỉ có những chú bò tội nghiệp là vẫn vô tư xuống suối uống nước, chủ nhân của chúng chỉ biết phân vân, liệu uống nước suối ô nhiễm vào chúng có đổ bệnh hay chậm lớn không?

10-24-28_cy_lu_sinh_truong_pht_trien_kem_do_dt_v_nuoc_bi_o_nhiem
Cây lúa sinh trưởng, phát triển kém do đất và nước bị ô nhiễm

Ông Quang Văn Thọ, một hộ dân tại xóm Phạm Mét đang chăn trâu trên đồng, than thở: “4 sào lúa ở cánh đồng ngoài của gia đình tôi ăn nước suối Nậm Tôn. Chưa vụ nào năng suất vượt quá 2 tạ/sào (500 m2). Khai thác khoáng sản nhiều quá, nước suối bị ô nhiễm, kim loại nặng, bột đá tràn về, cây lúa bị bó rễ không phát triển được nên dù bón nhiều phân đạm thì vẫn vàng vọt thiếu sức sống. Bỏ thì thương vương thì tội nhưng cũng không biết làm gì hơn ngoài cây lúa. Năm nay, trâu bò lợn gà đều rớt giá, dân Châu Quang chúng tôi sống cực quá”.

Cũng như những lần gặp trước, ông Võ Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang luôn thẳng thắn. Ông nói: “Các doanh nghiệp đi vào khai thác, chế biến nhưng không đảm bảo khâu xử lý nước thải nên mới sinh ra ô nhiễm. Đã có 1,2 ha đất lúa của xã phải bỏ hoang hóa; 20 ha buộc phải chuyển sang trồng các loại cây trồng khác không lấy nước trực tiếp từ Nậm Tôn, Nậm Huống. Bà con ở đây áp dụng nhiều tiến bộ KHKT, sử dụng nhiều giống mới nhưng năng suất vụ xuân chỉ suýt soát 5 tấn/ha, vụ hè thu thì không nói làm gì, thê thảm lắm, nhiều năm không thu được hạt lúa nào!

10-24-28_dt_lu_ti_x_chu_thnh_bi_cy_xoi_nhm_nho_de_khi_thc_thiec
Đất lúa tại xã Châu Thành bị cày xới nham nhở để khai thác thiếc

Dù chưa có cơ quan nào về lấy mẫu đi kiểm định chất lượng nguồn nước sinh hoạt nhưng có những thời điểm, nước Nậm Tôn, Nậm Huống tràn đến đâu ao nuôi cá chết đến đó. Ở đầu các cửa mở nước chảy vào ruộng, người dân đào hố sâu để lắng kim loại không cho vào ruộng nhưng cũng không thấm tháp gì, năm nào cũng có lúa chết, kém phát triển, năng suất thấp. Các bản Quang Hưng, bản Còn, bản Cà kể từ khi hoạt động khai thác, chế biến diễn ra sôi động đến nay thì nước giếng bị đục dù đào, khoan giếng rất sâu. Nước sinh hoạt ngày càng đục chỉ có lợi cho các doanh nghiệp bán máy lọc nước về đây giới thiệu, quảng bá sản phẩm thôi”.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Châu Quang, trên địa bàn xã có 1 khu công nghiệp, 3 mỏ khai thác với tổng diện tích 25 ha; 21 xưởng chế biến diện tích 18 ha. Toàn xã có 21/26 thôn bản có nguồn nước Nậm Tôn, Nậm Huống chảy qua. Hoạt động của các mỏ khai thác, chế biến đã khiến đời sống nhân dân bị đảo lộn, ô nhiễm tiếng ồn, không khí, đường giao thông bị cày xới.

“Khu công nghiệp nhỏ Pà Cọ hoạt động cả ngày lẫn đêm gây ô nhiễm tiếng ồn. Đường giao thông nông thôn bị cày xới nham nhở. Sau nhiều năm kiên trì phản ánh, đến nay, đường giao thông cơ bản được cải thiện nhưng ô nhiễm tiếng ồn vẫn không được cải thiện là bao” – ông Võ Xuân Thanh cho biết thêm.

10-24-28_de_dng_bt_gp_nhung_thu_ruong_bo_hong
Dễ dàng bắt gặp những thửa ruộng bỏ hoang

Từ Châu Quang, chúng tôi xuôi xuống Thọ Hợp, một xã nằm cạnh QL 48C. Thọ Hợp có diện tích tự nhiên gần 1,5 nghìn ha. Đất ít, dân cư đông đúc nhưng xen giữa là 3 KCN đã được quy hoạch và 5 điểm khai thác mỏ với tổng diện tích trên 95 ha. Tại đây, 41 cơ sở chế biến khoáng sản đã được thành lập và đi vào hoạt động từ nhiều năm. Doanh nghiệp nhiều, nhưng không có đóng góp gì đáng kể cho kinh tế địa phương lại còn gây ra rất nhiều phiền phức, hệ lụy cho người dân Thọ Hợp.

Bà Trương Thị Giang, cán bộ huyện mới được tăng cường về làm Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp vài tháng nay. Bà cho biết, trước đây đã từng nghe cử tri xã Thọ Hợp phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, các đại biểu HĐND các cấp cũng chỉ có thẩm quyền gửi kiến nghị lên cấp trên. Xã không đủ thẩm quyền giải quyết đã đành nhưng dường như, doanh nghiệp bất chấp, bỏ ngoài tai những nguyện vọng chính đáng của chính quyền và người dân nơi đây.

Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường như Cty Khai thác chế biến đá Sông Dinh, Cty CP Thọ Hợp… Bên cạnh đó, dù được quy hoạch 3 KCN với tổng diện tích trên 34 ha nhưng hiện chưa có khu quy hoạch rác thải công nghiệp, nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường rất cao.

“Nhiều người nghĩ, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhiều thì nguồn thu lớn, có thể huy động được nguồn lực lớn từ doanh nghiệp để xây dựng NTM. Ở đâu không biết chứ ở Thọ Hợp thì không. Các xưởng chế biến đa phần đăng ký ở chỗ khác, mở xưởng ở đây. Sau 5 năm xây dựng NTM, nguồn huy động từ 41 cơ sở chế biến, 5 mỏ đá cũng chỉ được trên 80 triệu đồng, chỉ chiếm 5% tổng nguồn huy động. Rõ ràng, ô nhiễm thì nhân dân phải hứng chịu nhưng không được hưởng nguồn lợi nào đáng kể” – bà Giang cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, các xưởng chế biến, chế tác khoáng sản không chỉ được bố trí tại các xã, gần khu dân cư mà còn được bố trí ngay tại thị trấn Quỳ Hợp. Chỉ khoảng 1 km đoạn qua thị trấn Quỳ Hợp có thể đếm được trên dưới 10 xưởng chế biến, chế tác khoáng sản.

10-24-28_donh_nghiep_chu_qun_tm_den_vn_de_bo_ve_moi_truong
Doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường

Điều đáng lo ngại là, vi phạm trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản tại Quỳ Hợp diễn ra từ năm này qua năm khác, đã nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhưng vẫn không có dấu hiệu giảm. Theo thông tin từ Phòng TN-MT huyện Quỳ Hợp, trong 6 tháng đầu năm 2016, đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã tổ chức 25 đợt kiểm tra các điểm thường xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Qua kiểm tra, có 4 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính hành vi khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép với số tiền 27 triệu đồng. Về môi trường, qua kiểm tra 17 doanh nghiệp, đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã phải cắt điện 4 doanh nghiệp và 4 cơ sở. UBND xã Đồng Hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 9 trường hợp.

Các đoàn thanh, kiểm tra cấp tỉnh cũng đã có đợt kiểm tra toàn bộ các mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, xử phạt số tiền 2.453.000.000đ và tước quyền sử dụng giấy khai thác khoáng sản với thời hạn 6 tháng đối với 7 doanh nghiệp. Đoàn công tác Sở TN-MT Nghệ An cũng đã đóng cửa mỏ 31 điểm mỏ và đang rà soát đề nghị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định đóng cửa mỏ 7 điểm mỏ trong thời gian tới.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Công an huyện Quỳ Hợp bắt giữ 10 vụ, 12 đối tượng về các hành vi khai thác, vận chuyển và mua bán khoáng sản trái phép, thu giữ 600 kg quặng thiếc, tạm giữ 4 máy xúc, 6 xe ô tô… UBND các xã tổ chức kiểm tra 69 cuộc, mời làm việc 24 trường hợp, xử lý 20 trường hợp, xử phạt với số tiền 47 triệu đồng.

10-24-28_mot_vn_bn_xu_pht_vi_phm_trong_linh_vuc_ktcbks_cu_ubnd_tinh_nghe_n
Một văn bản xử phạt vi phạm trong lĩnh vực KTCBKS của UBND tỉnh Nghệ An
Được biết, nguồn thu phí bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tại huyện bình quân khoảng 7,3 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, khi cân đối nguồn, UBND tỉnh Nghệ An chỉ “rót” về cho huyện Quỳ Hợp khoảng 1,3-1,4 tỷ đồng/năm. Số tiền này, theo cán bộ huyện Quỳ Hợp là không thấm tháp gì so với những hệ lụy do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đang diễn ra trên địa bàn.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm