| Hotline: 0983.970.780

“Dân sẽ lại trồng cao su thôi!”

Thứ Tư 30/10/2013 , 10:10 (GMT+7)

"Nhìn vào bản đồ nông nghiệp miền Trung, chỉ có mỗi cây cao su với diện tích hơn 80 nghìn ha là hình thành được vùng SX tập trung... Tôi đồ rằng, dù bão gây thiệt hại nặng thế nào đi nữa, dân họ lại vẫn sẽ trồng cao su..." - TS. Nguyễn Văn Chinh chia sẻ.

TS. Nguyễn Văn Chinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp

Điều kiện đất đai, địa hình hẹp ngang, với nhiều dãy núi ăn sát ra tới biển đã khiến bức tranh tổng thể về nông nghiệp miền Trung bị phân chia hết sức manh mún. Từ những năm 1990, Chính phủ cũng đã có chủ trương phát động phong trào khai phá tiềm năng ở hai khu vực khắc nghiệt nhất của miền Trung là vùng đất cát ven biển và vùng trung du, miền núi phía tây.

Công tác điều tra, quy hoạch cho các vùng chuyên canh cây nông nghiệp cho miền Trung đã được tiến hành liên tục trong hơn 20 năm qua. Trong quá trình đó, chúng ta đã đưa vào thử nghiệm ở miền Trung hàng loạt cây trồng, trong đó nhiều loại cây trồng đã nếm trải thất bại.

Gần đây nhất như cà phê chè ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế, cây dứa gắn với một số NM chế biến ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa đến nay cũng thất sủng. Duy có lẽ chỉ có trồng rừng là còn trụ lại được, nhưng với thu nhập mỗi ha trên dưới 10 triệu đồng/năm, dân không thể làm giàu nhờ rừng...

Đến nay, đứng về phía cơ quan quy hoạch nông nghiệp, tôi thấy ở miền Trung chỗ nào trồng được cây gì cũng đã trồng, và bức tranh quy hoạch nhìn chung đã cân đối và ổn định.

Cụ thể, một số loại cây trồng còn trụ lại ở miền Trung hiện nay như: diện tích hồ tiêu hiện khoảng 3,4 nghìn ha tập trung ở Quảng Trị và Quảng Bình; diện tích cà phê khoảng 6,4 nghìn ha tập trung ở Quảng Trị; diện tích cam khoảng 6,1 nghìn ha tập trung ở Nghệ An, Hà Tĩnh; diện tích bưởi khoảng 4,6 nghìn ha tập trung ở Hà Tĩnh; diện tích chè khoảng 8,3 nghìn ha tập trung chủ yếu ở vùng Thanh Chương, Anh Sơn (Nghệ An) và các vùng mía nguyên liệu còn giữ được tập trung tại Nông Cống, Thạch Thành, Thọ Xuân (Thanh Hóa)...

Tất cả những loại cây trồng trên, cũng đều phân bố rất manh mún, chưa thể nói là thành vùng SX hàng hóa thực sự, chưa giúp dân làm giàu, và hiện cũng đã cơ bản “hết đất trồng”, không còn nơi nào có thể cựa quậy để quy hoạch thêm được nữa.

Nhìn vào bản đồ nông nghiệp miền Trung, chỉ có mỗi cây cao su với diện tích hơn 80 nghìn ha là hình thành được vùng SX tập trung. Đi dọc miền Trung, khu vực nào thấy nhà cao tầng đẹp nhất, đó chỉ có là vùng trồng cao su. Điều này cho thấy vì sao dân lại mặn mà với cây cao su như thế.

Tôi đồ rằng, dù bão gây thiệt hại nặng thế nào đi nữa, dân họ lại vẫn sẽ trồng cao su. Vấn đề hiện nay, đó là cần điều chỉnh phát triển cây cao su ở vùng này ra sao mà thôi.

Về quy hoạch, tôi cho rằng quy hoạch diện tích 80 nghìn ha cao su ở miền Trung là đã ổn định và “kịch kim” rồi, không thể, và không nên mở rộng thêm diện tích nữa. Việc phát triển cao su miền Trung, chỉ có thể bám vào các vùng ven trục đường Hồ Chí Minh ở phía tây.

Đối với các vùng ven biển như Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Vĩnh Linh (Quảng Trị), nên kiên quyết nói không với cây cao su. Thay vào đó, phương án trồng cỏ, nuôi bò thịt cũng là một giải pháp mà tôi cho là khả thi hơn cả. Các vùng gò đồi bán sơn địa ven phía tây miền Trung trồng cao su nhiều rủi ro, đất đai ở đó hoàn toàn có thể trồng được cỏ để phát triển đàn bò, chứ không phải hoàn toàn cằn cỗi.

Về giải pháp kỹ thuật trồng cao su, tôi không hiểu sâu nhưng qua tham quan tại Malaysia – nơi có điều kiện thời tiết nhiều bão như miền Trung, tôi thấy họ trồng cao su rất dày, lên tới 800 cây/ha để hạn chế tác động gió bão thay vì 450 – 500 cây/ha như ở ta.

 Đồng thời, họ rút ngắn chu kỳ khai thác, thay vì 25 – 30 năm xuống chỉ còn 20 năm để đẩy nhanh thời gian quay vòng nhằm né bão lớn và bán gỗ thanh lý. Đó cũng có thể là một giải pháp mà chúng ta nên tham khảo.

(*): Tác giả hiện là Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.