| Hotline: 0983.970.780

Dân tái định cư thủy điện Hủa Na, thiếu thốn trăm bề, dựa vào rừng kiếm sống

Thứ Hai 30/05/2016 , 06:30 (GMT+7)

Năm 2010, để xây dựng Nhà máy thủy điện Hủa Na (Quế Phong, Nghệ An), 1.362 hộ dân đã phải di dời về các khu TĐC tại các xã Tiền Phong, Thông Thụ, Đồng Văn. Thế nhưng, sau 4 năm di dời về nơi ở mới, đồng bào vẫn chưa được giao ruộng để sản xuất. Người dân chỉ còn biết trông chờ vào việc hái măng, làm thuê kiếm sống...

Khi thời gian cấp gạo hỗ trợ đã gần hết, người dân chỉ còn biết trông chờ vào việc hái măng, làm thuê kiếm sống qua ngày.

Dân bản vẫn chưa có đất trồng lúa

Ông Lương Văn Hùng, Bí thư Chi bộ bản Piêng Cu 1 (một điểm TĐC nằm trên địa bàn xã Tiền Phong) cho biết, dù đã về nơi ở mới gần 6 năm nhưng đồng bào vẫn chưa được giao đất trồng lúa.

Gạo trợ cấp đã hết từ vài tháng nay nên ngoài củ khoai, củ sắn trồng trên rẫy, đồng bào vẫn thường xuyên vào rừng hái măng, kiếm cái ăn qua ngày. Người có sức khỏe thì đi làm thuê làm mướn, ai thuê gì cũng làm.

“Theo đề án hỗ trợ sản xuất thì hộ có 1-2 nhân khẩu sẽ được giao 1 ha đất rừng, hộ 3-5 khẩu được giao 3 ha, hộ 5-8 khẩu được giao 8 ha.

Hiện nay, đất rừng đã giao nhưng thực tế, bình quân mỗi hộ chỉ được khoảng 1 ha. Đất đai cằn cỗi nên người dân chủ yếu sống nhờ vào gạo hỗ trợ. Nay gạo hỗ trợ hết rồi, dân bản phải vào rừng hái măng, bán lấy tiền mua gạo. Trong khi đó, đất trồng lúa không có, mùa măng chỉ kéo dài được 1-2 tháng/năm, không biết sẽ lấy gì ăn” – ông Hùng buồn bã.

Người dân bản Piêng Cu 1, Piêng Cu 2 cho biết, công trình nước tự chảy do nhà đầu tư xây dựng đã xuống cấp. Bể nước lớn đặt trên núi và 7 bể nước vệ tinh chia nước cho 2 bản này chỉ hoạt động được đúng 6 tháng sau khi xây dựng.

11-48-09_1
Hệ thống nước tự chảy tại Piêng chỉ hoạt động được 6 tháng sau khi xây dựng

Sau đó, bể hết nước, đồng bào nhiều lần kiến nghị nhưng không được sửa chữa, nâng cấp. Nhà đầu tư đào giếng khơi nhưng nước ít, chưa dùng đã hết, đồng bào phải đi xa hơn 1 km lấy nước khe suối về ăn. Nước bẩn nhưng đồng bào vẫn phải sử dụng.

Ông Vũ Đình Tuấn, Trưởng bộ phận bồi thường GPMB Công ty Thủy điện Hủa Na cho biết, có 6/13 điểm TĐC đã có quỹ đất trồng lúa nước.

Tuy nhiên, đất thu hồi đã lâu, đồng bào yêu cầu phải có tiền phục hóa mới chịu nhận. “Đối chiếu với quy định thì không có tiền phục hóa trong đền bù GPMB.

Hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn, chúng tôi đang lập phương án thực hiện. Hai điểm Xốp Co, Huôi Chà Là hiện đã có quỹ đất sản xuất lúa nước và đang triển khai, chuẩn bị phê duyệt thiết kế dự toán với tổng diện tích khoảng 6 ha.

Theo quy hoạch, 5 điểm còn lại cũng có ruộng lúa, thực tế, việc cấp nước không thể vận hành do chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống cấp nước nhưng địa phương không đảm bảo công tác quản lý. Chủ đầu tư đề nghị chuyển sang hình thức sản xuất khác, qua tham vấn cộng đồng thì người dân lại chưa đồng thuận” - ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, công trình nước tự chảy không hoạt động được là do người dân đục phá đường ống dẫn nước. Đơn vị chủ thầu kiên quyết không bỏ kinh phí sửa chữa và đã “bỏ chạy” không chịu nghiệm thu, quyết toán công trình… (?).

Cấp bò không đạt tiêu chuẩn?

Đại diện chủ đầu tư cho biết, chủ đầu tư sẽ trao 878 con bò cho các hộ tại các điểm TĐC tập trung. Ngày 13/5, hội đồng đền bù GPMB huyện Quế Phong đã trao 165 con bò cho các hộ tái định cư tại bản Piêng Cu 1, Piêng Cu 2 và Xốp Co Nậm Niên. Tất cả số bò được trao đảm bảo đã được tiêm phòng, nuôi tân đáo, trọng lượng đạt từ 100-120 kg/con với giá trị 16.660.000 đồng. Buổi lễ trao bò có sự chứng kiến của nhà đầu tư, Trạm thú y huyện, UBND xã, trưởng các thôn bản.

11-48-09_2
Bò dự án cấp gầy gò, ốm yếu, người dân nghi ngờ không đạt chất lượng

Thế nhưng, người dân tỏ ra nghi ngờ về các tiêu chuẩn của bò được cấp. Bò đã được cấp mươi ngày nay nhưng bà Lang Thị Tuyết tại bản Piêng Cu 1 vẫn cho rằng, bò không đạt tiêu chuẩn, mặc dù bà không thể kiểm tra cụ thể. “Con bò được cấp rất ít ăn, gầy gò, ốm yếu. Họ nói bò được 1 tạ nhưng cũng không cân, chỉ đo rồi tính thế nào ta cũng không biết. Nhưng mà nhìn con bò này thì chắc chỉ 80 kg thôi!”.

Trưởng bản Lang Văn Hùng cho biết: “Nếu mà lấy số đo vòng ngực nhân với số đo vòng ngực, nhân với dài thân chéo, nhân với 88,4 thì có lẽ nhiều con không đạt trọng lượng 100 kg. Đồng bào có ai biết tính toán gì đâu, nghe cán bộ nói đủ trọng lượng thì nhận chứ cũng không có cái cân để thử”.

11-48-09_3
Một mình ông Thủy, Phó bản Piêng Cu 1 có thể nhấc nổi 1 con bò trên 100 kg?

Nhờ trưởng bản Lang Văn Hùng cầm giữ hai tai bò, ông Lô Văn Thủy, Phó bản Piêng Cu 1 luồn tay xuống bụng bò, bế nổi lên khỏi mặt đất rồi nói: “Sau khi nhận về, bò một số hộ đã phát bệnh ỉa chảy, ho nên phải thuê thú y về tiêm. Bò nhà ta cũng vừa tiêm 2 mũi chữa bệnh ỉa chảy, một mũi thuốc trợ sức. Bò của ông Lô Văn Hà thì không chịu ăn, ốm dơ xương. Nghe nói giá mỗi con bò cấp cho đồng bào là 17 triệu đồng, nhưng nói thật, con nào đẹp nhất đã được cấp cho bà con dân bản cũng chưa đến 10 triệu đồng. Con xấu, ốm yếu, gầy còm thì 5 triệu đồng cũng chẳng ai mua”.

Còn ông Vũ Đình Tuấn, Trưởng bộ phận bồi thường GPMB Công ty Thủy điện Hủa Na lại khẳng định, ngoài 3 con bị loại do không đảm bảo trọng lượng tối thiểu, 165 con được giao đều đạt yêu cầu.

“Anh đi tìm hiểu sau 1 tuần được giao thì chắc chắn trọng lượng sẽ giảm vì bò chưa thích ứng được với điều kiện khí hậu, chăm sóc tại địa phương. Vài ngày nữa, trọng lượng bò sẽ còn giảm nữa” – ông Tuấn quả quyết.

11-48-09_4
Bà Tuyết nghi ngờ bò được cấp chưa đến 100 kg

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất