| Hotline: 0983.970.780

Dân thiếu ruộng SX, thôn thừa đất cho thuê

Thứ Ba 12/01/2010 , 10:19 (GMT+7)

Thôn Lễ Pháp xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội) bị người dân tố làm sai Nghị định 64/1993.

Người dân thôn Lễ Pháp phản ánh bức xúc với PV

Gần 60 hộ gia đình ở thôn Lễ Pháp xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội) gửi đơn đến NNNV phản ánh về việc thôn này thực hiện sai Nghị định 64/1993 của Chính phủ, tự ý giảm diện tích của một số hộ dân trong thôn, để tăng phần quỹ đất địa phương cho thuê và thầu khoán.

Điều bức xúc của bà con là trong quá trình xây dựng phương án giao đất năm 2001, đại diện các gia đình trong diện bị cắt giảm diện tích giao đất đã kiến nghị với thôn xã nhiều lần nhưng không được địa phương xem xét. Thực tế này trái với nội dung các văn bản của xã và huyện báo cáo cấp trên là phương án giao đất của thôn Lễ Pháp đã được thông qua Hội nghị quân dân chính Đảng, công khai dân chủ. Vì không đồng ý với phương án giao đất 0,5 định suất cho một số đối tượng nên các hộ gia đình thuộc diện trên đã kiên trì có đơn kiến nghị đến UBND huyện gần 10 năm nay nhưng chưa được giải quyết.

Ông Lê Quang Tý (62 tuổi) làm ruộng tại thôn Lễ Pháp cho biết, thực hiện NĐ 64 giao đất cho dân xã Tiên Dương có 6 thôn thì 5 thôn khác thực hiện chia đất 100% cho các đối tượng nông nghiệp có hộ khẩu tại xã, những người đi bộ đội cũng được giao ruộng theo đúng NĐ64, chỉ riêng thôn này cắt giảm 50% diện tích của các đối tượng có hộ khẩu tại xã nhưng đi làm ăn xa, làm công nhân hợp đồng tạm thời, hộ nông nghiệp đang làm ăn tại thị trấn...

Theo ông Tý thì chỉ riêng thôn Lễ Pháp tự đặt ra quy chế cắt giảm diện tích giao đất cho dân không đúng với NĐ 64 thực hiện trên địa bàn toàn xã, toàn huyện. Điều này được chứng minh con em của thôn Lễ Pháp đi lấy chồng ở các thôn trong xã và huyện Đông Anh, cũng là công nhân hợp đồng với nhà máy giày da, cũng đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động... (nhưng họ vẫn có hộ khẩu ở địa phương), vẫn được giao 100% đất ruộng. Chỉ có thôn này bị cắt giảm, gây thiệt thòi cho người dân mất ruộng, mất nguồn sống lâu dài, đẩy người dân tới cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Chắt hơn 10 năm nay phải đi làm thuê mướn kiếm ăn bởi thời điểm thôn chia ruộng bà Chắt đang đi lao động ở nước ngoài.

Câu chuyện bà Chắt kể nghe thật thương tâm: “Năm 1999, tôi được một doanh nghiệp ở Hàn Quốc tuyển đi lao động xuất khẩu 2 năm. Để được đi xuất khẩu, tôi phải dồn vốn của gia đình và vay mượn thêm 150 triệu, hi vọng ra nước ngoài sẽ tích cóp trả được nợ và có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Xa chồng, xa con nhỏ, tôi và các đồng nghiệp chăm chỉ làm ăn, nào ngờ mới sau năm thứ nhất ông chủ thuê chúng tôi vỡ nợ, thế là chúng tôi bị đẩy ra ngoài đường 2 bàn tay trắng, không có tiền ăn, không có lương. Sau nhờ đại sứ quán Việt Nam can thiệp chúng tôi mới được Cty hỗ trợ mấy ngày ăn đường và nhờ có tấm vé khứ hồi mua trước, chúng tôi mới được trở về Việt Nam. Về nước tôi bị thôn cắt không giao ruộng, thế là một lần thất nghiệp ở nước ngoài về, tôi lại thất nghiệp trên chính quê hương mình. Không có ruộng tôi phải sinh bươn trải làm thuê làm mướn kiếm sống trong gần 10 năm qua. Số tiền vay 150 triệu giờ vẫn còn nợ, rồi hai con tôi lớn lên học hành chi phí cho các cháu nhiều, khiến gia đình tôi ngày càng khó khăn.

Tôi cũng không còn trẻ để theo mãi cảnh làm thuê mà muốn có đất ruộng của mình tại địa phương để sản xuất sinh sống ổn định. Gần 10 năm tôi cùng các hộ dân ở thôn Lễ Pháp bị cắt ruộng như tôi gửi đơn lên huyện, nhưng huyện không giải quyết. Tôi không hiểu Luật Khiếu nại tố cáo ở huyện Đông Anh được thực thi ra sao? Mới đây nhất ngày 14/11/2009 xã Tiên Dương có thông báo số 30 trả lời một số kiến nghị của người dân thôn Lễ Pháp, trong đó có trường hợp của tôi và một số người khác, tại thời điểm giao đất chúng tôi đang ở nước ngoài nên không được chia. Như vậy chẳng hoá UBND xã biến chúng tôi thành người nước ngoài hay chặn không cho chúng tôi trở về quê làm người dân Việt Nam, trong khi chúng tôi vẫn có hộ khẩu tại địa phương?"

Chiếu theo NĐ64/1993 điều 6: Đối tượng giao đất nông nghiệp sử dụng lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương, kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự. Như vậy, thôn Lễ Pháp cắt diện tích giao ruộng cho một số đối tượng có hộ khẩu thường trú tại thôn là sai trái. NĐ 64 còn quy định tại điều 7 và  điều 8, một số đối tượng chưa có hộ khẩu nhưng thường trú tại địa phương, cán bộ công nhân về hưu, mất sức, cán bộ công nhân nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế: công cán bộ công nhân viên đến tuổi lao động xã viên HTX tiểu thủ công giải thể, được xác nhận sinh sống ở địa phương... có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp thì căn cứ vào quỹ đất, địa phương vẫn giao đất cho các đối tượng trên.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Chi hội trưởng cựu TNXP thôn Lễ Pháp, cho biết trong khi người dân có hộ khẩu tại thôn bị cắt, giảm diện tích giao ruộng theo NĐ64 thì quỹ đất của thôn lại quá cao. Chiếu theo điều 14 NĐ64 đất dành cho nhu cầu công ích của xã không quá 5% đất nông nghiệp ở địa phương. Trong khi đó thôn có tổng diện tích 803.945 m2 chia theo NĐ 64 (704.524m2) chiếm 87,65% còn lại 12,35 %; có 5 % đất công ích; 7,35% đất cho thuê thầu khoán tương đương 60.371m2. Các nhân khẩu tại thôn thuộc diện bị cắt giảm, chỉ được chia 192 m2, người bị cắt hoàn toàn mất 384m2, với số người đề nghị được chia trả lại đất bà con tính chỉ trên 4 mẫu ruộng, trong khi đó thôn còn 16 mẫu cho thuê. Một số diện tích cho thuê đã không sử dụng đúng mục đích, có nơi bỏ hoang, có nơi chủ hộ biến thành nơi vui chơi giải trí nhà hàng, xây dựng cơ bản, khó có thể thu hồi được đất dù đã hết hạn cho thuê.

Cắt và giảm diện tích giao đất ở thôn Lễ Pháp khiến đời sống của trên 60 hộ trong thôn ngày càng khó khăn, thiếu việc làm thiếu nguồn thu nhập trong khi đó diện tích đất quỹ của thôn lại để lại quá cao so với mức quy định của NĐ 64 chính là bức xúc dẫn đến khiếu kiện kéo dài của các hộ dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất