| Hotline: 0983.970.780

Đắng đót mùa điều

Thứ Năm 07/04/2011 , 10:08 (GMT+7)

Chỉ một đợt sương muối, vài cơn mưa trái mùa cùng chuyện con buôn làm giá đã khiến cho bức tranh ngành điều Bình Phước biến đổi hẳn, sang u tối, thê thảm.

Bình Phước là thủ phủ của cây điều ở miền Đông Nam bộ với diện tích hơn 155.000 ha. Năm nay điều cho hoa dày đặc, hơn hẳn mọi năm khiến nông dân khấp khởi. Họ còn vui hơn khi thương lái đánh tiếng mua với giá gấp đôi năm ngoái. Thế nhưng, chỉ một đợt sương muối, vài cơn mưa trái mùa cùng chuyện con buôn làm giá đã khiến cho bức tranh ngành điều nơi đây biến đổi hẳn, sang u tối, thê thảm.

TRỜI KHÔNG THƯƠNG, TƯ THƯƠNG ÉP GIÁ

NNVN đang trao đổi với một đại lý thu mua điều ở Đồng Phú

Về Bình Phước những ngày này, nơi đâu chúng tôi cũng gặp ít nhiều những vườn điều dường như đang bị bỏ mặc dù đang kỳ thu hoạch rộ. Hỏi ra mới biết họ đang bị ép giá, nhiều nhà kêu mãi mà con buôn chẳng buồn vào mua.

"Nản quá chú ơi!"

"Nản quá chú ơi! Hồi đầu mùa, vườn điều nhà tôi cây nào cây nấy chi chít hoa nên sáng nào đi thăm vườn tôi cũng mừng thầm bởi chắc chắn năm nay sẽ có mùa điều khấm khá. Vậy mà bây giờ vườn điều hoa đen thui hết cả, lại thêm nhiều hạt bị nẹo. Giờ này năm ngoái nhà tôi đã thu được vài ba tạ nhưng đến nay mới được vài chục cân, sản lượng giảm có lẽ phải 30-50%”, bà Nguyễn Thị Mai ở ấp Tân An, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) tỏ ra thất vọng.

Bà Mai trồng điều được 9 năm với diện tích hơn 1,3 ha. Năm ngoái, vườn điều nhà bà cho thu hoạch 1,2 tấn với giá bình quân khoảng 19 ngàn/kg nên hai người con của bà có điều kiện ăn học đàng hoàng. Nhờ đó bà Mai cũng sửa sang được căn nhà vốn đã rệu rã bấy lâu. Thế nhưng, năm nay điều bị thất mùa, hạt lại nhỏ và không sáng như năm ngoái nên cả nhà chẳng buồn đi nhặt mà đi cạo mủ cao su thuê mỗi ngày cũng kiếm được hơn trăm ngàn.

Rời nhà bà Mai, loanh quanh mãi trên con đường đất đỏ bụi mù, xung quanh bạt ngàn những vườn điều nhìn đến xơ xác trong cái nắng cuối tháng 3 Nam bộ gặp anh Hoàng Khắc Tiến, ở ấp Thắng Lợi, vừa hỏi về vụ điều năm nay ra sao đã bức xúc ngay: “Nhà tôi có 2,5 ha điều đang chín rộ nhưng không muốn thu hái vì giá quá thấp. Nhưng bực nhất là mấy con buôn (thương lái) ở đây ép giá. Nhà tôi thu được hơn 1 tạ ở nhà gọi hoài mà nó không thèm vào mua, cứ hứa hẹn”. Anh Tiến cho biết đã trồng điều ở đây được 12 năm nhưng chưa năm nào thời tiết khiến người trồng điều mỏi mệt như năm nay.

Tại vườn điều của anh Tiến và những vườn bên cạnh, chúng tôi thấy nhiều trái chín nhưng hạt vừa nhỏ lại không sáng màu. “Vụ này tôi thu chưa đến 2 tấn, tính ra tiền chỉ khoảng 40 triệu, trong khi đó tôi phải đầu tư mỗi ha 1 xe phân giá 8 triệu đồng, thuốc bảo vệ thực vật 5 triệu, thuốc xịt cỏ 5 triệu. Như vậy, tính sơ sơ tổng chi phí cho 2,5 ha cũng gần 20 triệu chưa tính tiền công. Như vậy thử hỏi còn gì mà ăn?”, anh Tiến thở dài.

Chúng tôi đến các vùng điều ở Bình Long, Phước Long, Hớn Quảng… và đều nhận thấy nhiều vườn điều bị thất mùa đến thê thảm. Anh Nguyễn Văn Soi ở ấp 6, xã Phú Riềng (Phước Long) có 6 ha điều và là người khá giả nhờ điều cũng ngao ngán: “Năm ngoái vườn điều nhà tui cho tới gần 6 tấn thu được gần 120 triệu, thì từ đầu vụ đến nay mới thu được hơn 6 tạ. Tui cứ gom nhặt vài ngày rồi bán mỗi lần vài chục ký, hoặc một tạ, những ngày đầu tháng 3 tui bán 1 tạ được ngót 3 triệu, giờ họ mua có 20-22 ngàn/kg vì điều của tôi không đẹp như vậy mất tới gần 1 triệu chỉ vài ba ngày”.

Công sức đổ sông đổ bể

“Đầu năm khi điều cho những quả chín đầu tiên, người dân chúng tôi sướng như mở cờ trong bụng vì con buôn vào tận vườn cân với giá 38-40 đồng/kg. Thế nhưng chỉ vài cơn mưa, con buôn bắt đầu chuyển giọng chê ỏng chê eo vì cho rằng màu điều không đẹp, vỏ ung ủng, thâm quá… để ép giá. Cứ thế, cả tuần nay ngày nào giá điều cũng giảm. Thậm chí có ngày tôi gọi điện 4-5 lần nhưng con buôn cứ hứa rồi lại bảo điều không bán được nên không vào mua. Chán quá tôi bỏ mặc cho điều chín rụng đầy gốc”, anh Hoàng Khắc Tiến bức xúc.

Để minh chứng cho lời nói, anh Tiến lấy điện thoại gọi và mở loa to cho chúng tôi nghe. Đầu dây bên kia giọng phụ nữ bảo: “Điều hôm nay thấp lắm, không mua đâu, nếu muốn bán gấp thì giá 20 em mới cân được”. Ngay lập tức, anh Tiến tiếp tục gọi điện thoại cho người anh tên Huấn ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) thì được biết giá điều đang ở mức 28-30 ngàn đồng/kg. Anh Tiến chua chát: Như vậy không phải con buôn ép giá là gì? Không lẽ tôi lại thuê xe ô tô chở điều từ Bình Phước qua Đồng Nai để bán? Nếu thuê thì lại tốn tiền xăng xe chuyên chở thật phiền toái, tốn công. Lúc này chúng tôi cũng điện thoại cho người quen trồng điều ở xã Mỹ Đức và Hà Đông huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) và được xác nhận giá điều đang ở mức 29 ngàn đồng/kg.

Tương tự, ngay sau khi kết thúc vụ điều 2010, vợ chồng anh Nguyễn Hồng Thái, thuê 6 ha điều với giá 75 triệu để tự chăm sóc tại Tân An, Tân Phú (Đồng Phú). Nửa tháng nay, vườn điều của anh Thái mới bắt đầu thu hoạch, nhưng dường như ngày nào giá điều cũng giảm, từ 35 ngàn nay chỉ còn 21-22 ngàn/kg. Biết chuyện thương lái đang làm giá ở Bình Phước, nhiều người bạn anh Thái khuyên mang đến Đồng Nai hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu để bán vì nơi đây giá vẫn đang ở mức 29 ngàn/kg nhưng anh tính nếu làm vậy thì trừ chi phí cũng chẳng còn là bao.

Anh Thái buồn rầu: "Với giá như hiện nay cộng với thất mùa chắc năm nay công sức vợ chồng tôi đổ sông đổ bể. May lắm vụ này tôi vớt được 40 triệu, không thì lỗ nặng. Theo anh Thái, con buôn viện cớ do trời mưa làm chất lượng điều bị giảm, mẫu mã xấu, nhưng thực tế chất lượng điều cũng như mọi năm. Có thể các con buôn đã có sự dàn xếp với nhau trong chuyện làm giá điều”, anh Thái bức xúc.

Ngày 24/3, qua số điện thoại người dân cung cấp, chúng tôi liên hệ với hai đại lý thu mua điều ở Đồng Phú và Đồng Xoài (Bình Phước). Theo đại lý Hoàng Thị Oanh ở Đồng Phú - đại lý thu mua điều vào loại lớn nhất nhì Bình Phước, điều năm nay rất xấu nên các cơ sở chế biến chê không mua hoặc mua với giá thấp là chuyện đương nhiên. Bà Oanh cho biết, toàn bộ điều sẽ được bán lại cho một Cty trung gian ở Bình Phước trước khi phân phối cho các Cty điều sản xuất. Trung bình mỗi ngày bà Oanh mua khoảng 10 tấn nhưng không xuể. Hiện bà phải thuê tới 4 người chuyên phơi điều với tiền công 150 ngàn đồng/ngày.

"Hiện nay, người trồng điều vẫn tự bơi trong việc tìm đầu ra, mặc dù đã có Hiệp hội Điều nhưng xem ra Hiệp hội chưa có ai là người trực tiếp trồng điều mà chủ yếu là DN chế biến, thu mua nên chưa bảo vệ được nông dân. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Hiệp hội Điều nên kiến nghị DN đến ký hợp đồng trực tiếp với vùng nguyên liệu nhưng xem ra không được vì trong hiệp hội có nhiều đơn vị làm công tác thu mua", ông Nguyễn Văn Tới, GĐ Sở NN-PTNT Bình Phước.

Trao đổi với chúng tôi về việc điều thất mùa, thương lái làm giá, ông Nguyễn Văn Tới, GĐ Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết: “Năm nay điều thất mùa, sản lượng giảm khoảng 30% do bị một đợt sương muối và mấy trận mưa đúng vào dịp điều ra hoa. Một trong những nguyên nhân khiến giá điều bấp bênh là các DN chế biến không trực tiếp thu mua từ người trồng điều mà thông qua tư thương, tạo điều kiện cho họ thao túng".

Một cán bộ Sở NN-PTNT Bình Phước khác cho biết thêm, hầu hết các DN không trực tiếp thu mua mà thông qua một hệ thống thương lái, mỗi khi có sự cố bị động như trời mưa thì thương lái viện cớ để hạ giá, mưa càng nhiều thì giá càng giảm khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó giá điều trên thực tế ở trong nước cũng như thị trường thế giới không hề giảm.

Như vậy, người dân trồng điều cho biết, họ không thể chung thủy được với cây điều nữa rồi khi mà ngành điều đang còn nhiều bất ổn trong công tác quy hoạch, thu mua nên đang phải tìm giải pháp khác.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

4 xe đầu kéo bốc cháy trong bãi

BÌNH ĐỊNH 4 xe đầu kéo đang đậu tại bãi xe nằm trên đường Điện Biên Phủ (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) bất ngờ bị cháy rụi gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm