| Hotline: 0983.970.780

Đáng lo cháu gái mắc tật ăn cắp vặt

Thứ Năm 30/05/2019 , 09:03 (GMT+7)

Việc này có lẽ phải nhờ chuyên gia như cô đó cô. Anh của cháu có hai con, đứa con trai đầu cũng ngoan, dễ thương. Đứa con gái năm nay 15 tuổi, nó có cái tật ăn cắp vặt đó cô.

Kính thưa cô!

Cháu chỉ có một anh trai và một chị dâu. Ba má cháu sanh toàn con gái, 5 đứa. Chị cả, chị kế, rồi anh trai, chắc cố thêm con trai mà tòi ra hai con gái nữa. Cháu là út.

Các chị ở xa hết, lấy chồng giàu cũng có, vừa đủ ăn cũng có. Nhưng ở xa. Chỉ có cháu với anh trai ở chợ nhỏ, thị trấn quê nhà. Anh có địa vị ở địa phương, chị dâu cũng công chức, khá giả. Vợ chồng cháu nghèo nhất vì hai đứa đều là nhà giáo. Ba má hai bên đều còn khỏe mạnh, ở trong quê hết đó cô.

Anh của cháu có hai con, đứa con trai đầu cũng ngoan, dễ thương. Đứa con gái năm nay 15 tuổi. Cháu không biết nói sao nữa. Nói nó hư, cũng không đúng. Nói nó hỗn, cũng chưa. Mà nói nó dễ thương, đáng tin đáng yêu như anh nó, cũng không được như vậy.

Số là cô ơi, từ khi nhỏ, khoảng mấy năm trước, nó có cái tật ăn cắp vặt đó cô. Mỗi khi đến nhà cháu, nó thích ngủ lại vì nó nói nhà cô út giản dị mà ấm cúng, yên tĩnh. Thường là cuối tuần, nó xin ba mẹ ở chơi nhà cô Út hẳn hoi. Nhưng y rằng là thế nào nhà cũng bị mất thứ gì đó khi nó ra về.

Hồi trước thì mất từ điển tiếng Anh, mất sợi dây buộc tóc, cái băng đô của con gái cháu, rồi mất cây viết loại xịn… Sau đó khi nó chừng 13 tuổi, nhà cháu bắt đầu bị mất tiền, tại vì hai đứa con của cháu còn nhỏ, các con chưa biết tiền là gì, vợ chồng có cái hộc tủ, tiền lặt vặt để vô đó cho chợ búa, điện nước, linh tinh.

Lúc đầu cũng đâu có nghi, sau thì cháu ngờ ngợ, khi nó đến chơi, cháu chú ý đếm tiền trong hộc bàn của cháu rồi làm dấu. Nó không ngủ trong phòng đó, phòng của cháu mà, vậy mà trong ngày đó, trong đêm đó, sáng ra nó về, cháu kiểm thấy, vẫn mất. Không nhiều, nó lấy không nhiều nhưng cũng không quá ít.

Thật đáng lo cho tư cách một phụ nữ tương lai, đúng không cô? Cháu không định làm lớn chuyện nhưng cũng nghĩ, anh và chị cháu sẽ chịu đựng và gánh tương lai của nó ra sao? Có chữa được cái tật ấy khi người ta trưởng thành không cô? Có nên nói với anh chị cháu về chuyện này không cô? Cháu không thấy ghét mà thấy thương cho cháu của mình đó cô.

----------------------

Cháu thân mến!

Khi đứa trẻ chưa trưởng thành, nó có những hành vi hoang dã. Có đứa bú tay đến lớn. Có đứa sờ ti mẹ, hay bất cứ phụ nữ nào nó ngủ cùng, lớn lên vẫn sờ ti chị em họ trong giấc ngủ, do thói quen. Có đứa chất một đống gối quanh người. Có đứa vắt mền lên mặt. Có đứa quặp chặt gối ôm, đi đến nhà ai, thà nằm không gối để lấy gối xuống quặp. Vân vân và vân vân.

Ăn cắp vặt cũng là bệnh lý khi đứa trẻ chưa thành niên. Người đời gọi là “tắt mắt”. Nó không là thói quen, nó là bệnh lý. Nhiều người bị bệnh lý lạ lắm. Đàn ông thì ban đêm hay sờ mó đàn bà con gái, dậy và mắt nhắm mắt mở sờ mó lung tung ở các mùng khác. Có người ngồi ngoài thềm nhà lảm nhảm và có người mộng du. Riêng tắt mắt khá phổ biến, không hiểu vì sao?

Những món đồ mà đứa cháu gái của cháu tắt mắt nó không đáng gì. Nhưng lớn chút nữa, nó thành chuyện ăn cắp tiền. Cứ đà này, lớn lên chút nữa, sẽ ăn cắp những thứ động trời hơn.

Cô nghĩ, cũng do nề nếp gia đình lỏng lẻo. Mẹ nó không biết con mình tắt mắt. Nhưng nếu biết, thì chị ấy ngăn chận cách nào? Thường, những “bệnh nhân” ấy không đụng đến đồ nhà đâu. Ban đầu thích thì cầm bừa. Sau thì cũng cần tiền nên ăn cắp. Rồi sau nữa, ăn cắp những thứ quý hơn, đồ quý và ăn cắp cả trong siêu thị, trong nhà những người mình được đến. Nhanh như ảo thuật.

Cô cũng không biết có nên nói với ba mẹ của đứa bé 15 tuổi ấy không nữa. Chắc chắn chị dâu sẽ nổi xung, không tin, nói cháu đơm đặt để hạ uy tín gia đình chị ta. Chắc chắn và chắc chắn. Nhưng để nó phát triển rồi thành kẻ ăn cắp ở siêu thị và nếu đi nước ngoài mà cái tật ấy, sẽ đi tù đấy.

Có lẽ cháu nên quan sát, đánh dấu kỹ hơn khi cháu nó đến lần sau. Và nhẹ nhàng bắt quả tang, cần thì lục soát chính xác để cháu nó không cãi không chối được. Và nói nhỏ nhẹ, thân ái, giáo dục cháu, những tác hại ghê gớm sau này của căn bệnh tắt mắt ấy.

Đừng ghét bỏ mà phải thương cháu như thương con bệnh mới phát. Nếu nó thương cô ruột của mình, nó sẽ nghe. Đừng nên cho nó biết là chồng cháu biết, cô khác, dượng rất khác, nó sĩ diện, nó đổ vỡ, nó căm thù nhà mình và nó xù lên, nó căm thù tất cả. Cẩn trọng để cứu một con người, xây dựng lại nhân cách một con người.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm