| Hotline: 0983.970.780

Đáng nể hai chủ trang trại có 'thú' gom đất trồng cây công nghiệp thu vài tỷ đồng/năm

Thứ Năm 23/08/2018 , 07:05 (GMT+7)

Người dân huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) bảo rằng, đại điền chủ Phan Văn Sơn chẳng có đam mê nào khác ngoài “ôm” đất. Nông dân mê đất là đương nhiên. Nhưng, người đàn ông này đặc biệt vì mỗi năm mua tới 3ha để mở rộng diện tích canh tác.

20 năm, mua gần 60ha đất

Ai nghe kể về gia sản khổng lồ của Phan Văn Sơn cũng nghĩ ông là hậu duệ của một đại gia khét tiếng vùng đất đỏ bazan. Nhưng kỳ thực thì không phải. Gần 20 năm trước, ông khởi nghiệp với 10 triệu đồng, 2ha đất hoang nằm hun hút sau những khu rừng rậm rạp ở xã la Dom (huyện Đức Cơ).

Sau bao ngày dầm mưa dãi nắng, bới đất lật cỏ đào hố trồng cao su, cuối cùng vườn cây cũng trả ơn người bằng những giọt vàng trắng. Thời điểm khai thác mủ, giá dầu thô cao ngất ngưởng nên cao su được giá. Cơn “khát đất” bắt đầu trỗi dậy mãnh liệt trong người ông Sơn. Từ sổ đỏ đất ở đến sổ đỏ đất vườn ông đem lên Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) thế chấp vay tiền. Ngày đó đất đai rẻ mạt, với 50 triệu trong tay, ông mua thêm được 3ha của người dân bản địa. Có tư liệu sản xuất, hai vợ chồng lại miệt mài cày sâu cuốc bẫm.

09-01-29_nong-dn-3
Ông Phan Văn Sơn là nông dân "ôm" đất nhiều nhất huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai)

Năm tháng trôi đi, tiền chảy vào túi mỗi ngày đầy thêm nhưng lão nông Phan Văn Sơn chẳng màng nhà cao cửa rộng, sắm sửa xe sang, gác chân hưởng thụ. Dường như ông thích làm con nợ. Bằng chứng là những va ly tiền vay Agribank tiếp tục được đem đi đổi lấy đất, mua máy múc, máy san ủi để kiến thiết các vườn cây mới. Dường như nợ nần chính là thử thách để ông chinh phục, còn đất là tình yêu vô tận mà ông luôn khát khao chiếm lĩnh.

Những vườn cây tươi tốt vươn mình trên đất đỏ, còn mái đầu ông Sơn ngày càng bạc thêm. Sau gần 20 năm, vị đại điền chủ này sở hữu gần 60ha đất. Nếu nhẩm ra thì mỗi năm ông mua thêm 30.000 m2. Ở tuổi 51, khi đôi chân chẳng còn hăm hở đạp bùn lầy, việc đi tuần vòng quanh vườn cây rộng bạt ngàn trở thành thử thách nặng nề. Lúc ấy, ông Sơn mới chịu sắm con xe bán tải; mở đường ngang dọc trang trại cây trồng để “tuần tra”.

Ngần này tuổi rồi ông còn thích ôm đất nữa không? Ông Sơn cười bảo: “Tôi vừa vay thêm Agribank 5 tỷ để gom thêm mấy khu đồi”. 5 tỷ là cả một gia tài lớn, thế mà lão nói nhẹ nhàng như vay ai đó vài triệu đồng.
 

Vườn cây “bất bại”

Không giống như những trang trại độc canh, vườn cây rộng gần 60ha của ông Phan Văn Sơn quy tụ vài chục loại cây từ cao su, hồ tiêu, cà phê, điều, sầu riêng, vú sữa, bơ, mãng cầu, chuối, cam… với tổng doanh thu gần 5 tỷ đồng/năm. Ông Sơn bảo, đấy là 2 năm vừa rồi giá mủ cao su và hồ tiêu rớt giá thảm hại nên mới lãi ít thế. Chứ trước đây hai mặt hàng này được giá, sống khoẻ hơn nhiều.

Nhớ lại hồi trước, ông Sơn độc canh cây cao su (khoảng 30ha trồng cao su), lúc giá mủ lên cao thì tiền vào như nước, nhưng khi giá xuống thấp thì chẳng khác nào lên voi xuống chó. Giờ trồng xen canh, đa canh theo mô hình nông – lâm kết hợp, ngày nào trang trại cũng có sản phẩm bán cho thương lái. Từ tháng 2 đến tháng 4 thu hồ tiêu, tháng 5, 6 hái điều, tháng 10, 11 vặt cà phê. Vườn cây cao su ông thuê 10 công nhân cạo mủ quanh năm (trừ mùa lá rụng).

Khi không phải lo gánh nặng đầu tư kiến thiết cơ bản, ông Sơn hướng tới canh tác bền vững. Đặc biệt là loài cây “sang chảnh” như hồ tiêu, dứt khoát phải trồng trên trụ sống mới sinh trưởng tốt, trụ sống vừa làm tơi xốp đất, vừa giữ nước, đến mùa mưa thì thoát nước nhanh, ít sâu bệnh.

09-01-29_nong-dn-4
Sau gần 20 năm, ông Sơn sở hữu gần 60ha đất

Ông bảo, bây giờ thương lái nắm bắt thông tin còn hơn mật thám, nhà nào phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật thì rất khó bán. Làm nông nghiệp hơn nhau ở cái tâm, ở hiền thì bao giờ cũng gặp lành.

Nói đoạn, ông Sơn đánh xe bán tải, chở chúng tôi thăm thú vườn cây đa hệ một vòng. Trong lúc cánh phóng viên lúi húi chụp ảnh, vị đại điền chủ đứng trầm tư ngắm nhìn “giang sơn” hùng vĩ do mình tạo dựng. Phía dưới là dòng suối nước trong veo, trên đầu mây trắng dập dờn, còn đồi đất ở bàn chân ngập tràn hoa thơm trái ngọt. Một vị “chúa rừng” thực thụ - người đã mất nhiều thập kỷ “khai sơn phá thạch” để làm giàu cho mảnh đất hoang sơ này, có lẽ chỉ có Phan Văn Sơn làm được.

Nhìn vườn chuối xanh tươi sung sức, buồng dài, quả to, vỏ mượt, cong đều, ai nấy đều thích. Một đồng nghiệp của tôi buông lời: Chuối năm vừa rồi thu hoạch được bao nhiêu anh Tư Sơn? Tư Sơn gãi đầu cười khà khà: “Anh hỏi khó quá. Chuối chắc chỉ được cỡ hơn trăm (triệu), trồng cho vui, số lẻ vợ con nắm và quản. Tui chỉ nắm được cà phê, tiêu, điều, cao su, mỗi loại tầm 500 - 700 triệu đồng thôi”.

Giờ đầu tư cơ bản đã xong hết, các loại cây đều vào độ sung sức nên chỉ tốn công hái, chi phí nhẹ, nên lợi nhuận thu về đôi ba tỷ năm.
 

Người vay tiền mua đất để trồng cây… rớt giá

Rời cửa khẩu Lệ Thanh (biên giới Việt Nam – Campuchia), chúng tôi về “thủ phủ” tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Thời điểm này, giá tiêu rớt xuống đáy, nông dân kêu oai oái. Nhiều người phải ly hương để tìm kế sinh nhai. Thế nhưng, ở thôn An Điền, xã Ia Blang, có một “đại gia chân đất” vẫn sống khoẻ từ vườn cao su và hồ tiêu với tổng diện tích hơn 35ha.

Không hùa theo phong trào “chặt tiêu trồng cây ăn quả”, ông Lê Hùng Huấn tiếp tục cầm cố sổ đỏ đất vườn để vay ngân hàng Agribank 7 tỷ mua thêm gần chục ha đất mở rộng diện tích trồng hồ tiêu.

09-01-29_nong-dn-1
Ông Huấn sở hữu hơn 35ha trồng tiêu, điều

Bài toán đầu tư khác người của ông Huấn khiến chúng tôi tò mò. Nhưng câu trả lời của vị đại điền chủ này chẳng có gì phức tạp: “Đã mang nghiệp trồng cây lâu năm, thì lúc nào cũng phải sẵn sàng đối mặt với những chu kỳ thị trường rớt giá”.

Mỗi cây hồ tiêu, cao su có vòng đời trung bình khoảng 15 – 20 năm, bao giờ cũng có thời điểm giá lên cao (lợi nhuận hoàn toàn bù đắp được chi phí đầu tư kiến thiết), và khi đã hoàn vốn đầu tư rồi, kể cả giá có xuống 50.000 đồng thì người trồng vẫn có lãi (vì chi phí chăm sóc không cao).

Ông Huấn cũng chia sẻ: Đa phần người trồng tiêu chết ở lòng tham. Thời điểm giá tiêu đạt kỷ lục 180 – 200 ngàn đồng/kg, người ta mua phân hoá học rải khắp vườn để vắt kiệt sức cây tiêu, cốt lấy năng suất cao để bán kiếm lời. Như vậy là tự hại mình, bởi cây tiêu yếu rất dễ bị nhiễm bệnh và chết. Bao công sức đầu tư coi như đổ sông đổ bể.

Gia đình ông Huấn có gần 20 năm trồng tiêu hữu cơ trên trụ sống, chi phí bón lót phân chuồng ở thời điểm kiến thiết tuy cao hơn, nhưng tiêu khoẻ, sạch bệnh. Vườn tiêu rộng hơn 5ha của ông đã 15 tuổi, nhưng chúng vẫn cực kỳ sung sức, năm vừa rồi năng suất đạt hơn 20 tấn, lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. Bện cạnh đó, vườn cao su hơn 30ha cũng cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng.

09-01-29_nong-dn-2
Gia đình ông Huấn có gần 20 năm trồng tiêu hữu cơ trên trụ sống

Ông Huấn cho biết, hiện nay cơ chế cho vay của Agribank rất nhanh gọn, chỉ khoảng 2 ngày là xong hết các thủ tục và được giải ngân vốn. Bởi vậy, khi có cơ hội đầu tư, tôi có thể chớp lấy để kiếm lời.

Ông Thân Hữu Mười – Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Chư Sê cho biết: Là ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất trên địa bàn huyện, chúng tôi luôn khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hiệu quả bền vững. Không chỉ cho vay mở rộng sản xuất, những năm qua, Agribank cũng tích cực giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi theo chương trình tái canh cây cà phê; xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản từ trang trại đến bàn ăn. Nhờ đồng vốn hữu hiệu này, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu, khiến bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm