| Hotline: 0983.970.780

Đáng nể ngư dân dù bị bắt vẫn tuyên bố Hoàng Sa là của Việt Nam

Thứ Ba 04/12/2018 , 14:05 (GMT+7)

Bị bắt và uy hiếp, nhưng ngư dân vẫn tuyên bố thẳng “Hoàng Sa là của Việt Nam”. Người đã dũng cảm làm việc này là ông Lê Văn Năm, thuyền trưởng và là chủ tàu cá QNg 90941 TS ở thôn Định Tân xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi...

Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lực lượng chấp pháp và anh em phóng viên đã ghi đầu sổ con tàu hung hãn nhất của phía Trung Quốc là tàu Hải cảnh 46001. Sau 4 năm biến mất tăm, con tàu này mới đây đã xuất hiện trở lại để uy hiếp và đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa. Nhưng các ngư dân khi đối mặt đã nói với người phiên dịch của Trung Quốc “Hoàng Sa là của Việt Nam”.
 

Ngư dân quá bất ngờ

Bị bắt và uy hiếp, nhưng ngư dân vẫn tuyên bố thẳng “Hoàng Sa là của Việt Nam”. Người đã dũng cảm làm việc này là ông Lê Văn Năm, thuyền trưởng và là chủ tàu cá QNg 90941 TS ở thôn Định Tân xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều ngư dân cho rằng, ít người dám ưỡn thẩng ngực nói như vậy, vì con tàu 46001 nổi tiếng hung dữ. Nhưng ông Năm đã quá dũng cảm và hành động này rất đáng được biểu dương.

11-52-16_1_le_vn_nm_v_vo_trn_thi_tru_2
Ngư dân Lê Văn Năm đã nói thẳng với tên lính phiên dịch Trung Quốc: “Đất nước chú nói, Hoàng Sa là của Việt Nam”

Đó là sự việc xảy ra vào trưa ngày 15/5, chiếc tàu cá Quảng Ngãi mang biển số QNg 90941 TS đang thả trôi cách đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa khoảng 8 hải lý. Quần đảo Hoàng Sa có những cụm đảo nguy hiểm như Tri Tôn, Phú Lâm, Đá Hải Sâm và Hoàng Sa đảo. Nếu ngư dân nào lui ra tới Bạch Quy và Bom Bay thì có nghĩa là tới vùng an toàn và có giấc ngủ yên ổn. Ông Năm chọn phương án an toàn, vì gia đình vốn nghèo, mới sắm được một chiếc tàu và giàn lưới chuồn, tổng trị giá tài sản chưa tới 400 triệu để ra Hoàng Sa (các tàu khác trị giá 3 tỷ).

Tàu Trung Quốc lao “ầm” tới sát bên thì các ngư dân mới hay biết vì ngư dân trên tàu đang đóng cửa để thắt dây câu. Ông Năm giật mình, kéo hết ga cho tàu chạy theo chiều kim la bàn 240 độ về hướng Việt Nam. Tàu Trung Quốc áp sát và phóng loa nói bằng tiếng Việt, giọng nói rõ đến mức tất cả mọi người đều giật mình: “Ngư dân Việt Nam dừng máy, tàu Việt Nam dừng máy để chúng tôi kiểm tra, nếu ngoan cố thì chúng tôi dùng biện pháp, các anh đã xâm phạm vùng biển…!”.

Khi ông Năm chấp nhận hạ ga để bị bắt, ông đã giáp mặt với tên lính phiên dịch, độ tuổi chừng 22. Tên lính này khiến tất cả ngư dân phải chú ý vì hắn nói tiếng Việt rất sõi và sử dụng luôn các từ láy của địa phương như một người Việt Nam thực thụ. Tên lính này không hùng hổ như những tên lính mà ngư dân từng gặp trước đó. Hắn bước vào ca bin và nói với ông Năm: “Chú vô đây cháu bảo. Chú có biết vùng biển này là của ai hay không mà ra đây làm?”.

Ông Năm đứng đấu khẩu với tên lính mà lòng dạ như lửa đốt. Vì chiếc tàu này mới sắm được 2 năm, vay ngân hàng hơn 200 triệu. Tổn phí mỗi chuyến biển Hoàng Sa là 40 triệu đồng. Con tàu nhỏ thuộc diện ọp ẹp nhất làng chài là tài sản nuôi sống cả gia đình. Tàu QNg 95635 TS đi kẹp với ông Năm vừa điện đàm sang than thở bị tàu Trung Quốc thu hơn 60 tấm lưới chuồn, sau đó chạy sang đảo Linh Côn đánh lưới. Ông Năm nghe bạn nói thì hơi lo nhưng tiếp tục neo tàu lại để vá lưới. Do đơn độc một tàu một cõi, nên ông Năm mới dừng tàu để bị bắt vì cho rằng, nếu không có tàu hỗ trợ thì nếu bị đâm chìm sẽ không biết bấu víu vào ai.
 

Tên lính chộp dạ

Ông Năm thấy tên lính Trung Quốc này không tỏ vẻ bạo ngược và khác hẳn với 2 tên lính đang cầm súng lăm le chĩa vào người ngư dân, vì vậy ông đã nói: “Chú mới ra Hoàng Sa năm nay là năm thứ 2 thôi, thấy họ làm được thì ra kiếm lon gạo nấu bữa cháo. Đất nước của chú nói, Hoàng Sa là của Việt Nam nên chú ra đây dựa vào đảo để làm. Chú là người dân, làm sao biết chuyện như cháu nói là vi phạm. Mã rõ ràng là giấy tờ Bộ đội biên phòng ký cho chú ra đánh cá là ở quần đảo Hoàng Sa thì chú đi thôi, làm sao cháu lại nói vậy!”.

Câu chuyện tranh luận một cách thản nhiên và thật thà của ông Năm là chuyện hiếm gặp. Vì trước đây, nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi cũng nói với phiên dịch người Trung Quốc hoặc ra hiệu quần đảo này là của Việt Nam thì lập tức bị đánh tơi tả, bị hành hung bạo ngược bằng mũi giày đá vào ngực, tàu bị thu giữ. Lý luận khăng khăng của ông Năm đã khiến tên lính này nhận ra điều gì đó nên có vẻ chột dạ. Các ngư dân cho rằng, tên lính này còn trẻ nên có thể thông minh và thấy được đường lưỡi bò của chính phủ mình là tham lam và phi lý.

Bọn lính trên tàu bắt con trai của ông Năm chui xuống xúc cá đổ sang tàu Trung Quốc. Ông Năm kể lại, lúc đó nước mắt bắt đầu chảy vì mấy hôm trước nói với anh em bạn chài là “chuyến này kiếm đủ gạo nấu”. Khi bọn lính đã cướp hết cá của ngư dân, ông Năm nói người lính phiên dịch xin lại một rổ để anh em ăn trên đường về. Tên lính này mủi lòng gật đầu và rút bộ đàm điện cho cấp trên thì tiếng quát nạt vang lên như tiếng rống của súc vật. Tên lính này quay sang với vẻ mặt buồn rầu và nói “xin rồi nhưng không cho chú ơi!”.

Khi bọn lính tiếp tục quay sang tịch thu lưới thì ông Năm lăn xả vào và hét lên “bắn luôn một viên cho chết đi, thà chết chứ không để mất lưới trắng tay, về nhà dẫn vợ đi ăn xin”. Tên lính bảo sẽ xin cho ngư dân không bị thu lưới. Nhưng các cuộc điện đàm của hắn đều tiếp tục nhận được tiếng quát nạt.

Ông Nguyễn Dê, người cùng quê với ông Năm và đi trên tàu QNg 95635 TS do ngư dân Trần Quốc Vũ làm thuyền trưởng và bị Trung Quốc thu lưới cách đó 2 ngày cho biết, “tên phiên dịch hỏi tuổi, tôi cố ý nói tuổi già đi, rồi chắp tay lạy, ra hiệu là người nghèo, vì vậy nó chỉ thu 60 tấm lưới”.

11-52-16_2_ngu_dn_trn_de_thon_dinh_tn_v_vo_le_thi_hi
Ngư dân Nguyễn Dê và vợ (mẹ ruột thuyền trưởng Vũ) thẫn thờ vì mất tài sàn

Ông Dê cho biết, lúc tàu Trung Quốc rời đi, tên lính phiên dịch nhìn đăm đăm vào các ngư dân nghèo, kham khổ đi trên những chiếc tàu cũ kỹ và không biết nó nghĩ gì?
 

46001 chở theo ai?

Tàu của ông Lê Văn Năm bị tàu Trung Quốc 46001 đuổi bắt. Khi bọn lính trên tàu kéo lưới, các ngư dân đã nhận ra vài dấu hiệu bất thường. Đó là trên tàu có nhiều người căng lưới đưa lên mặt săm soi và tỏ ý mừng vì thu được lưới mới. Bên cạnh đó là bàn tay kéo lưới thoắt thoắt và cuộn lưới rất nhanh đã tiết lộ họ là những người chuyên làm nghề chài lưới. Các ngư dân Việt Nam cho rằng, con tàu 46001 đã chở theo ngư dân Trung Quốc trong đảo ra cướp. Trước đây, ngư dân chỉ bị cướp lưới khi tàu mắc cạn ở các đảo ngầm.

Tàu 46001 là một trong những con tàu hung hãn nhất. Mũi con tàu này có vệt xước dài như loài cầm thú từng gây tội ác. Trong những ngày qua, con tàu này liên tục di chuyển bám theo tàu ngư dân để đe dọa và đâm húc. Ngày 20-4 vừa qua, hai tàu của Trung Quốc đã vây và đâm chìm tàu cá QNg 90332 TS của ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi và hung thủ là tàu Trung Quốc mang số 46001.

Ngư dân Lê Văn Năm nhớ lại, khi giáp mặt hung thần 46001, tàu này cũng định lao thẳng vào đâm chìm tàu ngư dân. Ông Năm nhận ra điều này nên chấp nhận đứng lại để bị bắt giữ.

11-52-16_3_tu_trung_quoc
Tàu Trung Quốc 46001 từng được đặt là tàu chột mắt, vì đâm vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam mạnh đến mức bị đứt một neo
Năm 2014, tàu hải cảnh 46001 đã từng đâm vào tàu của Cảnh sát biển Việt Nam 4032 khi tàu này ra đấu tranh buộc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981. Gần đây, con tàu 46001 liên tục chở lính quần đảo trên biển để thu cá, cướp lưới của bà con. Ngư dân Lê Văn Năm nhớ rõ, tiếng quát của tên chỉ huy tàu này vang lên trong máy bộ đàm với vẻ rất hung tợn như thú dữ.

 

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm