| Hotline: 0983.970.780

Đáng nể tấm gương Anh hùng thời chiến và cũng 'Anh hùng' giữa đời thường

Thứ Năm 12/07/2018 , 15:05 (GMT+7)

Sau 14 năm cống hiến tuổi trẻ cho công cuộc giải phóng đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, ông được nhà nước phong danh hiệu Anh hùng. Trở về đời thường, ông tiếp tục được người dân “phong” anh hùng...

Trở về đời thường, ông tiếp tục được người dân “phong” anh hùng, bởi ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn gây và giữ được 2 khoảnh rừng gỗ quí. Ông là cựu chiến binh, Anh hùng Dương Đức Thùng, 64 tuổi, ở TX.Đồng Xoài, Bình Phước.
 

Chất linh giữa đời thường

Ông Dương Đức Thùng sinh năm 1954. Năm 17 tuổi, ông đi bộ đội, chiến đấu ở các chiến trường từ miền Trung đến điểm cuối là chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn Campuchia. Năm 1985, ông nghỉ chế độ. Lúc này, mảnh đất Bình Phước ông từng gắn bó bao năm qua đã níu chân ông và gia đình đến nay.

07-06-16_nh_2
Anh hùng Dương Đức Thùng và khu rừng quý 30 năm tuổi

Nhớ lại những này mới lập nghiệp ở xã Tân Thành, TX.Đồng Xoài này, ông trầm ngâm: “Thời đó đất đai ở đây chủ yếu bỏ hoang cho cỏ mọc, muỗi mòng, côn trùng sinh sống. Lúc chúng tôi về đây, ngay cả đường mòn đi lại còn chưa có. Điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, ngoài 2 bàn tay, sức người với cuốc, rựa ra, không có gì hỗ trợ…Nhưng nhìn thấy đất mênh mông là tôi mê. Khi đó, tôi xác định chỉ cần 1 – 2 năm sau là gia đình tôi có dư lương thực ăn, không sợ đói”.

Vốn là người dân tộc Nùng, sinh ra ở vùng núi Cao Bằng, nên ông Thùng không chỉ quen thuộc, gắn bó với việc nương rẫy, mà còn có niềm đam mê đặc biệt với đất, ông bảo, rất khó chịu nếu đất ở quanh mình bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Thêm nữa, những năm tháng nằm gai nếm mật nơi chiến trường cũng “tôi luyện” cho ông đức tính không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào.

“So với thời chiến, công việc bây giờ quá nhàn hạ”, ông nói thế. Có lẽ vì vậy mà ông đã tiếp sức cho vợ con gầy dựng cơ ngơi thuộc loại “hoành tráng” nhất nhì ở xã Tân Thành này.

Bình Phước từng là một trong những tỉnh có nhiều rừng nhất nhì khu vực miền Đông, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà nay diện tích rừng đã giảm đến mức báo động. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến mỗi khi mưa ở các vùng cao là nước kênh, sông, suối dâng cao, đỏ ngầu vì đất bị rửa trôi.

Nơi vợ chồng ông dừng chân ban đầu là ấp Bưng Sê, xã Tân Thành. Đó là một khu bưng bàu hoang rộng mênh mông, chỉ có cỏ lác, cỏ mỹ và cây le le um tùm. Sau một thời gian, vợ chồng ông đã phát quang được 1ha trồng lúa nước, vụ đầu ông thu được 2 tấn thóc.

“Muốn làm gì thì làm, nhưng trước mắt phải lo cho cái bao tử nó không “kiện” mình cái đã. Nên tôi ưu tiên trồng lúa”, ông Thùng cười hóm hỉnh. Sau khi có gạo ăn, vợ chồng ông tiếp tục khai hoang, trồng cây lâu năm là điều, cao su, xen canh đậu, bắp, rau…kết hợp với chăn nuôi để có nguồn thực phẩm tại chỗ, “lấy ngắn, nuôi dài”. Bất kể nắng mưa, ngày đêm ông làm bạn với cái cuốc, cây rựa, cặm cụi làm… Năm tháng qua đi, diện tích đất, cơ ngơi, tài sản của gia đình ông lớn dần, gồm những ruộng lúa, vườn điều, cao su, ao nuôi cá…và một khu rừng diện tích 2 sào (2.000m2) gồm toàn gỗ quý.
 

Anh hùng giữa đời thường

Sau khi khai hoang, cải tạo thành công rẫy ở ấp Bưng Sê, vợ chồng ông Thùng tiép tục về ấp 2, xã Tiến Thành, Đồng Xoài khai hoang tiếp 4ha rẫy nữa. Tại đây, ông tiếp tục gây trồng thêm một khoảnh rừng nữa bằng diện tích rừng ở ấp Bưng Sê.

07-06-16_nh_3
Ao cá rộng 2 sào của gia đình ông Thùng ở ấp 2, xã Tiến Thành, Đồng Xoài

Nói về lý do gầy dựng và gìn giữ khoảnh rừng quý, ông bảo, rừng đã che chở, nuôi sống ông và đồng đội cả chục năm trời. Nếu không có những tán cây rừng, không có những sản vật của rừng, công cuộc giải phóng đất nước chắc chắn sẽ gặp vô vàn khó khăn. Và chưa chắc ông còn sống để trở về.

“Mình có giàu có đến đâu, cũng chỉ như người ta, ngày ăn 2 bữa, ngủ trên 1 cái giường. Còn một thứ rất quan trọng đối với tôi nữa, đó là tinh thần. Mảnh rừng này là một kỷ niệm, nhắc tôi nhớ về một thời hào hùng. Và coi như đây là một món quà mà tôi muốn để lại cho thế hệ sau”, ông Thùng nói.

Sau 30 năm bảo vệ và chăm sóc, những cây gỗ lim xẹt, trắc, bằng lăng ổi, sao, gõ…trong khu rừng của ông Thùng ở ấp 2 đã trưởng thành, nhiều cây có đường kính khoảng nửa mét.

“Mấy năm trước, Hội Cựu chiến binh tỉnh đến tham quan, dẫn theo một ông giáo sư người Nhật, ông người Nhật ấy cứ suýt xoa, ngắm nghía từng cây gỗ quý rồi bảo, ngay ở đô thị mà có khu rừng quá đẹp. Đây là một tài sản quý không chỉ của cá nhân ông, mà còn là của địa phương. Mô hình này rất nên nhân rộng”, ông Thùng kể.

Ông Thùng nói thêm, Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Văn Lợi, lúc đến thăm và chúc tết gia đình, ông ấy cũng thích lắm. Ông Lợi nói với mọi người, ngay ở khu đô thị, toàn phố sá mà lại có một khu rừng quý, đó là điều đặc biệt.

Đồng Xoài vốn ít sông rạch, nên khu rừng này góp phần cho không khí trong lành hơn, giảm thiểu ô nhiễm. Rừng cây của ông Thùng đều là những loại gỗ quý, thuộc nhóm II, III mà hiện chỉ trong Vườn quốc gia Bù Gia Mập mới có. Cho nên, nếu trong tương lai, Đồng Xoài có thêm nhiều vườn, rừng cây xanh như vậy thì không khí sẽ càng trong lành hơn.

Trả lời câu hỏi, ông có định sẽ khai thác rừng cây hay không, ông nói dứt khoát: “Tôi giữ khu rừng này không phải vì tiền, nếu cần nhiều tiền hơn thì mấy chục năm trước tôi đã phát quang, trồng cao su, điều rồi. Khu rừng này sẽ còn mãi”.

07-06-16_nh_4
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đến thăm, chúc tết gia đình Anh hùng Dương Đức Thùng và cùn ông ngồi ông lại những tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc (Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp)

Trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, ngoài trực tiếp chiến đấu, ông Thùng còn được giao nhiệm vụ đội trưởng đội công tác quần chúng. Góp phần đưa ngườ dân trở về chính nghĩa và gây khó khăn cho địch. Chính vì thế, địch từng treo thưởng, ai giết được ông, chúng sẽ thưởng 10 lạng vàng, nếu bắt và giao người sống cho chúng thì mức thuởng gấp nhiều lần. 

Với những thành tích ở quê nhà và nước bạn, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, gần 2 chục giấy khen, bằng khen, chiến sĩ thi đua.

Ngoài ra, Anh hùng Dương Đức Thùng còn được Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Campuchia tặng Huân chương. Và năm 1983, ông được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất