| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau biển xanh, cát trắng của Phú Quốc

Thứ Hai 10/02/2014 , 10:02 (GMT+7)

Trong 15 điểm đến cho mùa đông 2014 được tạp chí du lịch - khám phá nổi tiếng của Mỹ National Geographic gợi ý cho du khách thì Phú Quốc đứng hàng thứ 3 sau Paris (Pháp) và Whitefish Motana (Mỹ).

Trong 15 điểm đến cho mùa đông 2014 được tạp chí du lịch - khám phá nổi tiếng của Mỹ National Geographic gợi ý cho du khách thì Phú Quốc đứng hàng thứ 3 sau Paris (Pháp) và Whitefish Motana (Mỹ).

Giá phòng đắt gấp 3 ngày thường vẫn hút khách

Từ đầu năm 2013 đến nay, du khách đến Phú Quốc tăng đột biến. Ngoài 8 chiếc tàu phục vụ liên tục tại cảng Rạch Giá - Phú Quốc thì du khách đến đây chủ yếu bằng đường hàng không. Sân bay quốc tế Phú Quốc khánh thành, lượng du khách đến Phú Quốc năm 2013 tăng 100% so năm trước. Bình quân mỗi ngày có 17 - 18 chuyến bay.

Riêng Tết Giáp Ngọ, những ngày cao điểm có đến 30 chuyến máy bay phục vụ du khách đến khai Xuân tại hòn đảo hình trái tim này. Theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Kiên Giang thì trong năm 2013 Kiên Giang đón 122.779 khách quốc tế. Chỉ riêng bốn ngày Tết Giáp Ngọ, đảo Phú Quốc đã đón 2.759 du khách nước ngoài, doanh thu đạt 12 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ không chỉ 4 ngày. Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình cầm chắc tiền thưởng năm trong tay mới dám nghĩ đến chuyện du Xuân. Cận Tết, những tưởng vé máy bay sẽ khó kiếm nhưng chị Ngọc Phượng (nhân viên văn phòng ở quận 1, TP.HCM) cho biết: Theo thông tin trên báo, đến ngày 25/1 công suất phòng tại Phú Quốc mới chỉ đạt 70 - 80%. Nghĩa là vẫn còn 20 - 30% cho những người đến sau như gia đình mình.


Bãi Dài, một trong những bãi biển tuyệt đẹp của Phú Quốc níu chân du khách (Ảnh: ĐN)

Vì vậy, với chúng tôi, quan trọng là có tìm được vé khứ hồi đi Phú Quốc hay không mà thôi. Tôi lên mạng gõ chuột tìm kiếm và thật mừng khi thấy vẫn còn đến 5 vé giá rẻ đến Phú Quốc mà nhà mình chỉ có 4 người. Dĩ nhiên, giờ bay và ngày về không thể như ý muốn. Bạn phải bẻ cong kế hoạch của mình theo tấm giấy thông hành quyết định này.

Chúng tôi đến Phú Quốc ngày mùng 4 Tết, chuyến bay đầy ắp người với 80% là du khách ngoại quốc. Về chuyện phòng nghỉ, chị Ngọc Phượng cũng cho biết thêm: Tháng 11 vừa qua, tôi đi công tác, giá phòng đôi chỉ có 500.000 đồng/đêm; nhưng ngày mùng 4 Tết, cũng căn phòng ấy, tôi phải chi 1.530.000 đồng/đêm. Tuy nhiên đó là giá nhà nghỉ bungalow; nếu chấp nhận phòng nghỉ dạng khách sạn mini ngoài phố thì vẫn có thể tìm được phòng giá 400 - 500 ngàn đồng/đêm.

Biển xanh và hơn thế nữa…

Ngoại trừ những người đến Phú Quốc thông qua dịch vụ của các công ty du lịch, còn lại đều tự mình khám phá Phú Quốc theo cách riêng. Du khách đến Phú Quốc có 2 hình thức đi lại chủ yếu, một là taxi, hai là thuê xe máy.

Từ sân bay Phú Quốc, taxi nối hàng dài tuần tự đón khách rồi nối đuôi nhau theo độc đạo đi vào trung tâm. Rẽ thị trấn Dương Đông. Trước thắc mắc không biết lối rẽ kia của ngã ba sẽ đi về đâu, bác tài taxi, một người hiếu khách, cởi mở giải thích: “Lối đó sẽ đưa anh chị đến làng chài Hàm Ninh”. Khi chúng tôi hào hứng đưa Hàm Ninh vào danh sách địa chỉ tham quan, bác tài nhắc nhỏ: “Ngày xưa nói đến làng chài, người ta nghĩ đến nhà tranh, vách lá, trên bãi biển phụ nữ ngồi vá lưới. Ngày nay không có cảnh đó ở làng chài nữa đâu nghen. Nhà bây giờ hầu hết đã lên tường gạch, mái ngói. Phụ nữ làng chài giờ chỉ ngồi đánh bài thôi!”.


Đặc sản Phú Quốc hút du khách

Gia đình cô Hoàng Yến có người già và trẻ em khá đông nên thuê xe du lịch 15 chỗ với giá 700.000 đồng/ngày. Tour do bác tài thiết kế theo ý thích gia đình gồm 9 điểm: 3 nơi nuôi cấy ngọc trai, cơ sở sản xuất nước mắm, cơ sở sản xuất rượu sim, vườn tiêu, bãi Sao, làng chài Hàm Ninh, suối Tranh, nhà tù...

Còn chúng tôi, với thành phần đa số là thanh niên, muốn tự mình khám phá xứ đảo thì thuê xe máy. Giá thuê xe máy ở đây được phân chia khá kỹ: Xe số 150.000 đồng/ngày; xe tay ga đời cũ 200.000 đồng/ngày; riêng xe Honda dòng Air Blade thì 300.000 đồng/ngày. Tiền trao là nhận xe, không cần thế chấp giấy tờ hay tiền đặt cọc. Như mọi điểm du lịch, bạn cần chú ý kẻ trộm túi xách, tiền bạc nhưng với tài sản như xe máy, bạn không lo bị mất cắp. Tới các điểm khám phá, chỉ cần dựng xe, khóa cổ là yên tâm. Vì kẻ trộm cũng không thể mang xe ra khỏi đảo.


Trò chuyện cùng dân làng chài Hàm Ninh

Những điều thú vị hút khách của Phú Quốc được National Geographic đưa ra gợi ý là biển xanh, cát trắng, cảnh đẹp mê hồn của vườn quốc gia trù phú, bảo tàng lịch sử “nhà lao Cây Dừa” và thương hiệu “nước mắm Phú Quốc” - sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ Tên gọi xuất xứ và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu.

Cầm tay lái, nào, lên đường thôi!

Những cái cần và đủ để níu chân khách

Khu du lịch suối Tranh cạn khô. Tết, cũng là mùa khô của miền Nam. Lòng suối có những tảng đá khá to và rộng, là nơi từng nhóm nam thanh nữ tú địa phương đến cắm trại, trải ni lông, ngồi từng cụm hò hát tưng bừng.

Một điều đặc biệt đập vào mắt là chen giữa dòng ngược xuôi du khách trong Khu du lịch Suối Tranh luôn có người mặc đồng phục đi lượm rác. Dễ hiểu vì sao lượng khách ngày Xuân đông đúc mà từ trong ra ngoài, khu Suối Tranh vẫn sạch bong. Chính vì vậy, dù suối khô không nước nhưng du khách vẫn hồ hởi theo đường mòn lên cao, sâu hơn nữa hòng khám phá đến tận cùng khu du lịch Suối Tranh.


Nhân viên Khu du lịch Suối Tranh nhặt rác bảo vệ môi trường

Trong khi đó, hoàn toàn trái ngược, ở trung tâm thị trấn Dương Đông, ngay lối cầu thang lên Dinh Cậu cũng như dọc bờ kè đá của mũi ghềnh Dinh Cậu, rác thải vứt ngổn ngang, nhớp nhúa. Liệu bao nhiêu du khách sẽ còn quay lại nơi này trong lần ghé Phú Quốc sau.

Rời biển xanh cát trắng, rời các điểm danh lam thắng cảnh, ai cũng phải có đặc sản Phú Quốc về làm quà. Buôn bán là một dịch vụ đòi hỏi nghệ thuật rất cao và tinh tế. Chả thế mà có cửa hàng khách chen đông nghẹt trong khi bên cạnh vắng hoe. Người ta gọi đó là cái duyên buôn bán. Chứng kiến bà bán hàng kiên nhẫn và dí dỏm trả lời 2 em bé 6 - 7 tuổi sẽ hiểu cái duyên buôn bán ấy nằm ở đâu.

Vẫn còn dân chài bán cá không đủ mua gạo

Biển Hàm Ninh ra xa vài trăm thước mà vẫn còn cạn nên dân chài quây lưới trên biển trữ hải sản phục vụ các nhà hàng. Tại bến cảng và chợ Hàm Ninh, gần chục nhà hàng lớn với sức chứa mỗi nhà hàng vài trăm khách. Từ xa mùi ghẹ hấp, cá nướng hút chân du khách. Dưới bãi là những con tàu neo đậu im lìm, trên bãi biển, từng đoạn là những đống lưới đánh cá vứt đống cho thấy dân chài nghỉ Tết.

Trái với lời giới thiệu của bác taxi, đi sâu vào làng chài, nhà xây mái ngói chỉ lác đác, phần lớn là mái tôn, vách gỗ lụp xụp. Trên bãi biển, một nhóm ngư dân đang xoay trần làm mộc sửa tàu.


Dân chài Hàm Ninh sửa thuyền chuẩn bị ra khơi

Bà Út, chủ quán tạp hóa trong làng cho biết, dân chài đa số lúc nào cũng vẫn nghèo khổ. Hàm Ninh có hơn trăm thuyền, ghe đánh cá. Những hộ giàu nhờ nghề chài chỉ vài hộ như ông Bậc, bà Vân, bà Cạnh, ông Thành… khá giả nhờ đầu tư lớn, đánh bắt xa bờ, cung cấp cá ngon cho du lịch địa phương và cung ứng các tỉnh. Chỉ đống lưới vứt đống ngoài bãi biển, cô Quyên, thương lái của Hàm Ninh tiết lộ: Tàu đánh bắt xa bờ đầu tư rất nặng vốn, chỉ riêng bộ lưới cũng từ 30 - 50 triệu đồng. Bù lại, cá về mỗi chuyến họ thu được ít nhất 200 triệu, trừ chi phí, công thợ… cũng còn 50 - 70 triệu đồng.

Bà Út nói thêm: Dân chài Hàm Ninh còn cả trăm hộ ghe thuyền nhỏ, đánh bắt ven biển, thu cá nhỏ chỉ bán chợ cho dân địa phương “giá bèo” sao mong dư tiền. Nhiều hộ cân cá cho tôi chỉ đủ tiền trả nợ tiền dầu, không đủ mua gạo ăn nữa đó. Nhiều ghe không có tiền thuê thợ, vợ phải bỏ con nhờ hàng xóm trông, theo ghe phụ chồng. Bữa hổm sóng lớn, nước tràn vô ghe tát ra muốn không kịp, cố lết được vào bờ, thoát chết mừng khóc muốn ngất luôn.

Một chị đang bế con gần đó góp chuyện: Ngày xưa thuyền nhỏ, lưới nhà ai nhà nấy đan nên phụ nữ rảnh việc là ngồi đan lưới. Chứ bây giờ, thuyền to, lưới lớn, trước khi ra khơi, thì vài người xúm lại cùng vá, tiền công vá lưới 100 - 120 ngàn đồng/ngày/người. Dân ruộng vần công thì dân chài cũng biết đổi công cho nhau vậy.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm