| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau chính sách trợ giá giống

Thứ Hai 11/01/2010 , 11:51 (GMT+7)

Gần đây, nhiều tỉnh ở ĐBSH đã cố gắng trợ giá giống lúa lai cho nông dân, rõ ràng có mặt được của chính sách này nhưng cách trợ giá chưa hợp lý đã làm cho thị trường lúa lai bị bóp méo, giá giống vốn đã cao lại càng cao hơn. Với tình trạng ấy, nhiều người đặt câu hỏi, vậy ai là người được hưởng lợi?

Gần đây, nhiều tỉnh ở ĐBSH đã cố gắng trợ giá giống lúa lai cho nông dân, rõ ràng có mặt được của chính sách này nhưng cách trợ giá chưa hợp lý đã làm cho thị trường lúa lai bị bóp méo, giá giống vốn đã cao lại  càng cao hơn và tai hại nhiều lô giống trợ giá kém chất lượng. Với tình trạng ấy, nhiều người đặt câu hỏi, vậy ai là người được hưởng lợi? Nông dân? Doanh nghiệp cung ứng giống hay một số người làm công tác quản lí? Loạt bài viết này, hi vọng sẽ trả lời một phần những câu hỏi đó.

Giống trợ giá hại nông dân

Ở Sông Lô - huyện khó khăn nhất tỉnh Vĩnh Phúc, nơi mà ông PCT UBND huyện Dương Văn Sơn khẳng định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, là sống còn, nhưng vụ mùa 2009, 150 ha lúa lai TH3-3 được trợ giá giống trải khắp huyện đã giảm năng suất 50%, trong đó có nhiều hộ mất trắng.

Thất thu vì giống trợ giá

 Chạng vạng tối, tôi tìm đến chị Đỗ Thị Hồng, thôn Xi Thượng, xã Tân Lập (huyện Sông Lô) để xem bữa cơm nhà chị những ngày giáp hạt này. Chị Hồng bảo: “Đã cơm nước gì đâu. Vụ mùa vừa rồi nhà tôi cấy mấy sào, khi thấy tỉnh thông báo có trợ giá giống lúa lai TH3-3 và được cán bộ “quảng cáo” là mang lại năng suất cao, cũng bán tín bán nghi, nhưng vì khó khăn nên cũng xin được mua giống trợ giá. Tôi cấy 2 sào mà chả thu được hột thóc nào cả. Gạo ăn thì bây giờ chưa thiếu, nhưng ra giêng chưa biết ăn bằng gì”. Sang xã Nhạo Sơn, bà Cao Thị Hà, thôn Hoa Cao cũng thốt lên: “Vụ này dân sợ rồi. Vụ mùa vừa rồi nhà tôi cấy 3 sào lúa TH3-3 trợ giá, nhưng chỉ được có mấy thúng… cho gà”.

Anh Lê Công Bẩy, Trưởng thôn Hoa Cao, kiêm Tổ trưởng tổ khuyến nông xã Nhạo Sơn - người trực tiếp lên danh sách các hộ dân mua lúa lai trợ giá, nhận giống về cấp cho dân, trong ánh điện tối lập loè, hai vợ chồng anh giở sổ ghi chép ra nói : “Khi tỉnh có chương trình hỗ trợ lúa TH3-3 ở vụ mùa, là người làm kĩ thuật, tôi không cấy vì nó không phù hợp đồng đất, tôi cũng cảnh báo với nông dân là cấy TH3-3 vào vụ mùa này ở vùng mình sẽ rất dễ thất bại. Nhưng dân lại không nghe, thấy trợ giá cứ đổ xô vào mua. Nhiều nhà mất trắng không buồn thu hoạch lại trách tôi. Tôi thì có thể làm được gì?”.

Toàn xã Nhạo Sơn nhận 300kg giống TH3-3, cấy được trên 10 ha, nhà cao nhất thu được 70-80 kg/sào, nhiều chỉ thu được 20-30kg/sào hoặc mất trắng, điển hình như tại thôn Hoa Cao gần như thất thu hoàn toàn. Anh Bẩy khẳng định, dù không cân đo đong đếm nhưng ước giảm năng suất khoảng 50-60%.

Trước tình hình lúa lai TH3-3 vụ mùa bị thất thu và giá giống lúa lai cho vụ đông xuân tăng cao, không ít người dân ở thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô dù đã đăng kí, nộp tiền để mua giống trợ giá nhưng lại đi đòi lại tiền vì mất niềm tin.

Khi người dân đăng kí với anh Bẩy, anh Bẩy liên hệ với Trạm vật tư của Cty CP Dịch vụ vật tư NN-PTNT Vĩnh Phúc và nhập giống TH3-3 về cho dân. “Lúc đầu Trạm vật tư nói là dân đóng 16.800đ/kg, nhưng khi giống về Trạm lại bắt dân đóng thêm 1.200đ/kg nữa, tức là vào 18.000đ/kg. Không chỉ có lúa TH3-3 mà cả giống Bồi tạp Sơn Thanh cũng vậy, lúc đầu thu 22.000đ/kg, sau thu thêm của dân 800đ/kg nữa. Trạm vật tư chỉ giải thích là vì… giá giống tăng. Vừa tăng giá sau khi đã lấy giống, vừa mất mùa nên dân bức xúc, đến giờ, một số người dân vẫn chưa đóng tiền cho tôi”. Anh Bẩy bức xúc. 

Đưa giống vào, không qua huyện

Sông Lô là huyện còn rất khó khăn (dù thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc đứng tốp đầu cả nước). Cũng vì thế mà khi nói về lúa lai TH3-3, ông Dương Văn Sơn - PCT UBND huyện rất tâm trạng, đau theo nỗi đau của nông dân: “Vụ mùa năm 2009 lúa lai TH3-3 chiếm trên 6% diện tích lúa của toàn huyện, năng suất chỉ đạt khoảng 50% so với các giống lúa khác trên địa bàn. Thất bại này là cái giá phải trả. Cũng còn may là nó không nằm tập trung vào xã nào mà nằm rải rác ra toàn huyện nên hậu quả được trải đều. Nếu tập trung vào một vài xã thôi thì không thể “làm ngơ” được”.

"Nếu bây giờ các cơ quan truy trách nhiệm Cty thì chỉ có thể bắt bẻ quy trình, hướng dẫn của họ từ 95-100 ngày, nhưng thực tế lại là 105-107 ngày, tức là kéo dài khoảng 5-7 ngày. Nhưng tỉnh cũng phải có trách nhiệm vì đưa cơ cấu không hợp lí". Anh Lê Công Bẩy, Tổ trưởng tổ khuyến nông xã Nhạo Sơn.

Theo ông Sơn, giống TH3-3 đã vào huyện Sông Lô, nhưng nó mới chỉ được trồng ở vụ xuân (cho kết quả tốt) còn vụ mùa chưa biết thế nào. Nhưng vì vụ mùa năm 2009 nó lại nằm trong cơ cấu của tỉnh được trợ giá nên dân đua nhau làm. “Khi có trợ giá Cty họ cấp về qua hệ thống khuyến nông viên, trưởng thôn, không qua huyện. Về chuyên môn đưa TH3-3 vào Sông Lô vụ mùa là rất khó thắng, nhưng vì họ đưa giống về theo con đường đó, mà dân thì thấy được trợ giá, thấy nói năng suất cao là họ đăng kí mua thôi, họ không đủ khả năng để biết được thất bại, còn huyện thì không có đủ điều kiện, thời gian để kiểm soát giống vào như thế nào.

Như trước đây, khi đưa giống mới vào huyện thì phải kiểm soát chặt, hoặc phải làm thử. Khi đánh giá thất bại thì cả địa phương, Cty CP Dịch vụ vật tư NN-PTNT Vĩnh Phúc và Sở NN-PTNT đều cho rằng là có yếu tố giống, thời tiết, kĩ thuật. Chúng tôi đánh giá do giống không phù hợp”. Ông Sơn khẳng định.

Vụ mùa 2009 nông dân huyện Sông Lô cấy 4 tấn giống TH3-3 đều được trợ giá 60% và chủ yếu là do Cty CP DVVT NN-PTNT Vĩnh Phúc cấp. Ở một huyện mà chỉ có gần 3.000 ha diện tích lúa, trong đó có 1/3 diện tích là không ăn chắc thì vấn đề được mùa hay mất mùa ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm của người dân.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất