| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau làn khói cháy rừng Amazon

Thứ Bảy 07/09/2019 , 13:10 (GMT+7)

Các vụ cháy lớn chừa từng có tiền lệ ở vùng rừng Amazon thuộc Brazil đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Nhiều cường quốc đã ngỏ ý muốn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính giúp chính phủ Brazil dập đám cháy. Vì sao một vụ cháy rừng lại quan trọng đến vậy?

10-58-38_1
Binh lính Brazil được cử đi dập lửa.

Các đám khói từ cháy rừng Amazon gần như đã biến ngày ở thành phố Sao Paolo thành đêm, khiến cư dân đô thị đông đúc này “đến thở cũng khó”. Vấn đề lớn nhất là nguy cơ tính mạng. Một nghiên cứu về ô nhiễm không khí toàn cầu phát hiện ra rằng trong số 20 quốc gia được nghiên cứu, Brazil có thể chứng kiến tỷ lệ tử vong tăng vọt cứ mỗi khi có sự gia tăng bồ hóng trong không khí.
 

Rừng mưa nhạy cảm

Các đám cháy, bắt nguồn từ tình trạng phá rừng làm rẫy, còn mang lại tác động tiêu cực đối với hệ thực vật và động vật. 1/10 chủng loại động vật trên thế giới có ở Amazon và các chuyên gia dự đoán rằng chúng sẽ bị tác động mạnh vì đám cháy trong ngắn hạn. Trong vùng rừng Amazon khổng lồ, cây cỏ và động vật “đặc biệt nhạy cảm” với lửa, theo lời Jos Barlow, giáo sư khoa học bảo tồn tại đại học Lancaster (Anh) nói với tạp chí The Verge. Theo giáo sư Barlow, ngay cả các đám cháy nhỏ, cường độ thấp với ngọn lửa chỉ cao 30cm có thể tiêu diệt một nửa số cây trong một khu rừng mưa nhiệt đới.

Chắc chắn trên thế giới sẽ có người đặt ra câu hỏi, vì sao một đám cháy rừng lại trở thành chủ đề chính trị nóng bỏng? Việc này có nguyên nhân của nó.

Khi Jair Bolsonaro chạy đua giành ghế tổng thống Brazil với tư cách ứng cử viên phe cực hữu, ông ta đã kêu gọi giảm bớt đất Amazon dành cho các bộ lạc thổ dân, thay vào đó là mở đường cho công nghiệp tiến sâu vào rừng. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2018, Bolsonaro giao Bộ Nông nghiệp nhiệm vụ phân định ranh giới các khu vực dành cho thổ dân, thay vì đó là công việc của Bộ Tư pháp như trước đó. Theo lời mô tả của một nhà lập pháp, đây là việc “để con cáo chiếm lĩnh chuồng gà”. Các chính sách của tổng thống Bolsonaro rõ ràng mang lại lợi ích cho giới đầu tư công nghiệp và nông nghiệp, cho dù chúng bị các nhóm môi trường và phe đối lập phản đối.

Hôm 13/8 vừa qua, hàng trăm phụ nữ thổ dân đã kéo đến biểu tình ở thủ đô, phản đối việc hủy bỏ nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, xâm lấn vào khu vực vốn dành cho thổ dân của tổng thống Bolsonaro.

10-58-38_3
Phụ nữ thổ dân biểu tình chống các chính sách lấn đất của tổng thống Bolsonaro.

Rừng nhiệt đới Amazon trải rộng trên diện tích 5,5 triệu km2 (gấp 16 lần diện tích Việt Nam), nằm trên lãnh thổ Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam, Guyana thuộc Pháp, trong đó Brazil chiếm diện tích lớn nhất (60%). Đây là đặc điểm tự nhiên mang lại tầm ảnh hưởng to lớn đối với toàn khu vực cho Brazil. Chính vì thế, các đám cháy rừng ở Amazon ở nước này đã thu hút sự quan tâm của quốc tế. Các chính sách môi trường của Bolsonaro cũng vì thế mà hứng chịu chỉ trích.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên Twitter kêu gọi hành động, thúc đẩy các hội đàm quốc tế về tình trạng khẩn cấp của Amazon tại sự kiện thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Pháp. Ngày 26/8, 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã đề nghị cấp cho Brazil hơn 22 triệu USD nhằm giúp kiểm soát đám cháy. Tổng thống Brazil ngay lập tức từ chối, cáo buộc tổng thống Macron trên Twitter rằng nhà lãnh đạo Pháp cư xử cứ như Brazil là một thuộc địa. Một số người ở Brazil, trong đó có tổng thống Bolsonaro, coi hỗ trợ quốc tế là một đòn tấn công vào chủ quyền của Brazil và quyền được quản lý đất đai trong lãnh thổ của mình.
 

“Cáo vào chuồng gà”

Mặc dù tổng thống Pháp đã thuyết phục G7 hỗ trợ tiền cho Brazil và Mỹ cũng là một trong các nước sẵn sàng đóng góp, tổng thống Mỹ Donald Trump, trái lại, lại khen ngợi ông Bolsonaro về việc xử lý các đám cháy. “Ông ấy đã làm việc vất vả để xử lý đám cháy ở Amazon và trong mọi khía cạnh đã làm một việc tuyệt vời cho người dân Brazil”, ông Trump viết trên Twitter hôm 27/8.

10-58-38_2
Tổng thống Bolsonaro.

Tổng thống Bolsonaro (không biết có phải vì lời khen ngợi của ông Trump hay không) sau đó đã nói ông sẽ cân nhắc về lời đề nghị hỗ trợ tiền bạc từ nhóm G7, miễn là ông Macron rút lại “những lời xúc phạm” và Brazil được quyền quyết định chi tiêu số tiền này như thế nào. Ngày 27/8, ông Bolsonaro đã chấp nhận 12,2 triệu USD hỗ trợ từ Anh.

Trước đó, ngày 24/8, sau nhiều tuần chịu sức ép trong và ngoài nước, tổng thống Bolsonaro đã triển khai quân đội dập lửa, phái đi 44.000 lính tới 6 bang có rừng Amazon. Ngày hôm sau, các máy bay quân sự được trông thấy mang nước đi dập cháy rừng.

“Đó là một chiến dịch phức tạp. Chúng tôi gặp phải rất nhiều thách thức”, Paulo Barroso nới với tạp chí The Verge. Barroso là chủ tịch Ủy ban Kiểm soát cháy rừng quốc gia thuộc Liên đoàn quốc gia lính cứu hỏa quân đội Brazil. Ông đã có 30 năm làm công tác dập lửa cháy rừng ở Mato Grosso, một trong các khu vực bị tác động nhiều nhất từ đợt cháy rừng lần này. Theo ông Barroso, hơn 10.400 lĩnh cứu hỏa đã được bố trí trải ra 5,5 triệu km2 và thực tế đã chứng minh là họ quá nhỏ nhoi trước các đám cháy khổng lồ.

10-58-38_4
Rừng Amazon bị thu hẹp ở nhiều nơi.

Ông Barroso cho rằng họ cần có thêm các thiết bị và hạ tầng để có thể chiến đấu với ngọn lửa. Có 778 chính quyền địa phương ở các nơi có đám cháy khắp Amazon, nhưng theo ông Barroso, chỉ 110 có bộ phận cứu hỏa. “Chúng tôi không có đủ một cơ cấu mạnh để ngăn chặn, kiểm soát và dập cháy rừng”, Barroso nói. Ông muốn thiết lập một hệ thống phòng ngừa cháy rừng ở khu vực Amazon. Hệ thống này tập hợp các cơ quan chính phủ, thổ dân, cộng đồng địa phương, quân đội, các công ty lớn, tổ chức phi chính phủ (NGO), các trung tâm giáo dục và nghiên cứu. “Chúng tôi sẽ phải tích hợp tất cả mọi người”, “chúng tôi cần tiền để làm việc này, chúng tôi phải có đầu tư lớn”, ông Barroso nói.

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).