| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 07/10/2014 , 08:32 (GMT+7)

08:32 - 07/10/2014

Đằng sau những danh hiệu bác sỹ

Gần đây, trên khá nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã xuất hiện những lời kêu ca của các bác sỹ tại nhiều bệnh viện về chất lượng của sinh viên hai ngành Y, Dược.

Rằng nhiều sinh viên ngành Y đi thực tập mà không làm nổi những công việc đơn giản nhất như đặt nội khí quản cho người bệnh, nhiều người thậm chí còn không biết cả ruột thừa ở đâu, đo huyết áp năm lần bảy lượt mới được, lấy ven cho bệnh nhân thì trầy lên trật xuống, chọc kim tiêm nát tay người bệnh ra không xong.

Sinh viên ngành Dược đi thực tập, khi được hỏi vài điều cơ bản về dược lý, vài tên gốc thuốc thông dụng, đều ngơ ngác…

Vì sao như vậy?

Trong khi một số trường Y - Dược có chế độ tuyển sinh cực kỳ nghiêm ngặt. Số điểm thi để vào được trường rất cao, như Đại học Y Hà Nội 26,5 điểm; Đại học Y Thái Bình 25 điểm; Đại học Y-Dược TP Hồ Chí Minh 26 điểm (điểm chuẩn NV1, 2014, Y đa khoa)… Nghĩa là chỉ những thí sinh học rất giỏi mới lọt được vào những trường này.

Trong khi đó một số trường lại “vơ bèo vạt tép”, với số điểm chỉ bằng điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định, thậm chí thấp hơn điểm sàn, mặc cho các chuyên gia đã cảnh báo rằng làm vậy sẽ dẫn đến hệ quả rất nguy hiểm là nguồn nhân lực ngành Y-Dược sẽ càng ngày càng thấp.

Ví như trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trường Đại học Võ Trường Toản, trường Đại học Lạc Hồng, đều tuyển sinh các ngành Điều dưỡng, kỹ thuật Y khoa, Dược và Y đa khoa với số điểm vừa bằng điểm sàn.

Trường Đại học Công nghệ Miền Đông tuyển sinh các ngành trên với số điểm còn “choáng” hơn, chỉ từ 9,5 đến 13 điểm, tùy theo khu vực và với số điểm ưu tiên, là đỗ. Và còn rất nhiều trường khác nữa, cũng tuyển sinh hai ngành Y-Dược như trên.

Lý giải chuyện này, một chuyên gia tuyển sinh cho biết: “Hễ trường nào có nhóm ngành Y-Dược là trường đó rất dễ tuyển sinh. Kể cả bậc Trung cấp, rất khó tuyển sinh, nhưng chỉ cần có ngành Điều dưỡng, là tha hồ mà “hốt” thí sinh. Chính vì vậy mà xuất hiện “trào lưu” các trường đua nhau xin mở ngành Y-Dược để đào tạo”.

Có sinh viên là có tiền. Chất lượng mặc bay, tiền thày bỏ túi cái đã.

Y-Dược là những ngành đặc thù, vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Chỉ cần nhìn chất lượng “đầu vào” của sinh viên các ngành Y-Dược tại các trường đó, cũng có thể thấy chất lượng “đầu ra” là thế nào rồi.

Những bác sỹ hay dược sỹ, ra lò từ các trường ấy, bằng một cách nào đó, được vào làm việc tại các bệnh viện hay cơ sở sản xuất thuốc chữa bệnh, cầm tính mạng của người bệnh trong tay, thì sẽ ra sao?

Hàng chục cái chết oan ức của bệnh nhân xảy ra tại các bệnh viện thời gian qua, phải chăng có liên quan đến kiểu đào tạo này?

Không phải là các cơ quan quản lý của ta không biết tình trạng này. Sau mùa tuyển sinh 2013, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT, phản ánh tình trạng trên, và kiến nghị Bộ GD-ĐT hạn chế việc giao chỉ tiêu đào tạo hai ngành Y-Dược cho các trường ngoài công lập.

Nhưng tình hình tuyển sinh hai ngành Y-Dược của mùa tuyển sinh năm 2014 này vẫn chưa được cải thiện.

Bình luận mới nhất