| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 06/01/2010 , 10:26 (GMT+7)

10:26 - 06/01/2010

Đang tay dập liễu vùi hoa tơi bời

“Lễ hội hoa Hà Nội” kết thúc đã ba ngày (3/1/2010), nhưng những bức xúc về nó thì còn nguyên trong dư luận.

Thứ nhất là về những chuyện không đẹp tại đêm khai mạc: Hàng ngàn cảnh sát phải vã mồ hôi, nào dựng hàng rào, cả hàng rào sắt lẫn hàng rào bằng xe tải nhỏ, nào xô đẩy…trước hàng vạn người chen lấn vào dự, trong khi ban tổ chức quy định chỉ những ai có giấy mời mới được vào. Sự hiện diện dầy đặc của lực lượng cảnh sát trước lễ đài và trên những con đường dẫn vào lễ hội hoa khiến người ta có cảm giác như đây là một phiên toà.

Thứ hai là sau đêm khai mạc, những cảnh vặt hoa, dầy xéo lên hoa, nói bậy, chửi tục bên hoa…lại diễn ra, y hệt những lễ hội trước. Nhìn cảnh một thửa ruộng lúa chín vàng với những con cò trắng bình yên kiếm ăn được dầy công tái tạo trong lễ hội, chỉ sau một ngày đã trở nên tan nát. Hay nhìn những bạn trẻ vừa cười nói vừa thản nhiên đi, thậm chí còn đuổi nhau trên những luống hoa rồi bẻ hoa, vít cành hoa xuống, bê chậu hoa đến chỗ vừa ý để chụp ảnh…nhiều người, nhất là người nước ngoài, không sao tin được. Hầu hết đều là những nam thanh nữ tú, mặt mũi sáng sủa, quần áo hàng hiệu, giầy thời trang. Dưới những đôi giầy tiền triệu của họ, những bông hoa bị dầy xéo thảm thương, bị vùi vào đất, bị bầm dập tả tơi. Dưới những đôi tay ngọc ngà của họ, những bông hoa bị rứt khỏi cành một cách nhẫn tâm, bị vặt từng cánh tung hê cho gió bay lả tả…

Hoa là tặng vật tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Hoa là biểu trưng của văn hoá, của tình yêu. Lễ hội hoa là một lễ hội văn hoá. Vì thế, xem cách con người ứng xử với hoa, người ta phân biệt được người thanh hay kẻ tục. Xem cách con người hành xử với hoa trong lễ hội hoa, người ta đo được chỉ số văn hoá của một cộng đồng. Bằng vào những cảnh “Đang tay dập liễu vùi hoa tới bời” trong lễ hội hoa mới rồi, có thể nói là chỉ số văn hoá của người thủ đô ta đang ở vào mức báo động.

Vấn đề là vì sao lại thế? Những con người đang tay dập liễu vùi hoa kia, họ có biết rằng để có được lễ hội hoa này, hàng ngàn nghệ nhân đã phải đổ mồ hôi, vắt trí não hàng mấy tháng trời? Họ có biết rằng từng cây hoa, từng luống hoa đều phải được dầy công chăm sóc tại quê hương của chúng trước khi di chuyển hàng chục, hàng trăm cây số, thậm chí cả vạn cây số (những bông hoa tuylip do nước bạn Hà Lan tặng) về hội tụ trong một không gian văn hoá rất linh thiêng là Hồ Gươm? Chắc chắn là họ biết. Nhưng sao họ vẫn cứ làm thế? Trả lời cho câu hỏi này, chỉ có thể là:

Một, xã hội đã kịp “sáng tạo” khá hoàn chỉnh ra một lớp người khá xa lạ với những tiêu chuẩn tối thiểu về văn hoá. Nhân cách của con người bao giờ cũng được hình thành và phát triển trong một môi trường xã hội cụ thể, thông qua hệ thống giáo dục. Qua những hiện tượng này, không biết những vị đứng đầu ngành giáo dục có vị nào giật mình?

Hai, cùng với việc tạo ra một lớp người như trên, xã hội cũng đồng thời “sáng tạo” ra một tiêu chuẩn hưởng thụ dung tục và vị kỷ. Tàn sát những bông hoa trong lễ hội hoa đồng nghĩa với tàn sát cái đẹp, quay lưng lại với văn hoá. Từ hành động này đến việc chen lấn, dành lấn đường gây ách tắc giao thông và những hành vi vi phạm pháp luật khác…chắc chắn có mối liên hệ nhân quả.