| Hotline: 0983.970.780

Đăng tiêu - vị thuốc của quý bà

Thứ Năm 20/06/2013 , 09:53 (GMT+7)

Trong Đông y, hoa Đăng tiêu là bộ phận dùng chủ yếu, khi hoa mới nở, ngọt, tính hơi lạnh, không độc, có tác dụng ích khí, lương huyết...

Dây Đăng tiêu (Clitoria ternatea) là cây cho hoa đẹp, nở hoa quanh năm, cây hàng niên, là một trong những loài dây leo giàn gây ấn tượng mạnh trong thời kỳ khoe sắc.

Dây Đăng tiêu còn được gọi là dây Lăng tiêu. Người Trung Quốc gọi là Hậu ngạc Lăng tiêu, người Đài Loan gọi là Mỹ quốc tử vi. Tên phổ thông là Đăng tiêu. Tên khoa học Clitoria ternatea, thuộc họ núc nác Bignoniaceae. Nguồn gốc xuất xứ ở Bắc Châu Mỹ. Phân bố ở Việt Nam thì rộng khắp.

Thân, tán, lá: Cây nhỡ, leo mạnh, có rễ khí sinh ngắn ở các đốt thân. Gốc cây hoá gỗ và phân cành nhánh nhiều. Lá kép lông chim 2 lần, mọc đối. Hoa nhiều, mọc tập trung thành ngù ở ngọn cành. Hoa màu đỏ cam, có hoa hình chuông buông thõng xuống, khá bền, trên chia 5 thuỳ.

Màu hoa dây Đăng tiêu thay đổi tùy theo giống, có thể vàng cam, đỏ cam, đỏ tươi, vàng. Hoa nở vào nhiều tháng trong năm, nhưng rộ nhất là vào mùa hè. Đến mùa đông cây thường rụng hết lá, sang xuân nẩy lộc để dần dần sum suê cành lá đón hạ. Đây là đặc điểm thích hợp cho việc che chắn cái nắng gay gắt của mùa hè. Vì thế dây Đăng tiêu được nhiều người chọn làm cây leo giàn, vắt ngõ.

Quả nang dài, 2 đầu nhọn, cứng. Hạt có cánh. Ngoài tác dụng làm cảnh, dây Đăng tiêu còn là cây dược liệu có tác dụng chữa bệnh, rễ được dùng trị thấp khớp, viêm dạ dày ruột cấp, đòn ngã tổn thương; hoa dùng trị kinh nguyệt không đều, bế kinh, rong kinh, băng huyết, bạch đới.

Hoa dây Đăng tiêu là một trong 25 vị của thang thuốc chống thụ thai. Ngoài ra theo một số tài liệu khác thì dây Đăng tiêu còn được dùng chữa trị đại tiện ra máu, chảy máu cam, viêm loét âm đạo, bỏng, gãy xương, bong gân…

Trong Đông y, hoa Đăng tiêu là bộ phận dùng chủ yếu, được thu hái vào mùa hè và mùa thu, khi hoa mới nở, ngọt, tính hơi lạnh, không độc, có tác dụng ích khí, lương huyết, làm tan máu tụ, điều hòa kinh nguyệt, chủ trị các bệnh của phụ nữ. Liều dùng hằng ngày là 5 – 10g dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm hay dạng thuốc bột.

Dưới đây là một số cách trị bệnh từ Đăng tiêu.

* Chữa kinh nguyệt không đều: Hoa Đăng tiêu 40g, nga truật 20g, đương quy 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, tán bột, rây mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6 – 8g. Hoặc hoa Đăng tiêu 9g, hoa hồng 9g, ích mẫu 15g, rễ đan sâm 15g, hồng hoa 6g. Tất cả sắc với 400ml nước, còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

* Chữa tắc kinh, vô kinh: Hoa Đăng tiêu 5g, đương quy 10g, xuyên khung 5g, bạch thược 5g, hồng hoa 5g, thục địa 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày, dùng 7 – 10 ngày. Hoặc hoa Đăng tiêu, rễ gió, rễ mỏ quạ, rễ ý dĩ, rễ vú bò, rễ cây cói, tiểu hồi, mỗi vị 8g; hồng hoa 6g; quế tâm 4g. Sắc uống ngày một thang.

Gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã chế một loại thuốc chống thụ thai với thành phần gồm hoa Đăng tiêu, xuyên khung, ngưu tất, thương truật mỗi vị 15g; đương quy 30g; bạch thược, phục linh, trạch tả, cam thảo, hàn thủy thạch, hùng hoàng, mỗi vị 10g; chu sa 5g; khinh phấn 3g; binh lang 2g và xạ hương 0,3g. Sắc uống làm 2 – 3 lần trong ngày.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.