| Hotline: 0983.970.780

Đánh bắt cá nơi đầu nguồn

Thứ Tư 14/11/2012 , 10:27 (GMT+7)

Bây giờ, cá tôm trên đồng nước Campuchia không còn nhiều như trước, nhưng vẫn là nơi mưu sinh của rất nhiều ngư dân vùng sông nước miền Tây.

Ngoài Biển Hồ mênh mông ra, những cánh đồng rộng hàng ngàn ha của nước bạn Campuchia chính là nơi khởi sinh của các loài cá tôm, để rồi sau đó theo con nước đổ về những dòng sông, cánh đồng ở ĐBSCL. Bây giờ, cá tôm trên đồng nước bạn không còn nhiều như trước, nhưng vẫn là nơi mưu sinh của rất nhiều ngư dân vùng sông nước miền Tây.

>> Đặt lọp cua đồng
>> Miền Tây mùa nước nổi

GIĂNG ĐÁY ĐẦU SÔNG

Qua cầu Sở Thượng trên đường ĐT841 (TX Hồng Ngự, Đồng Tháp), chúng tôi rẽ vào con đường dọc bờ sông Sở Thượng, con sông này có một nửa là của Việt Nam, nửa bên kia thuộc Campuchia. Con đường trải bê tông chỉ rộng chừng 2 m, nhưng lâu lâu lại có một chiếc xe máy rú ga phóng như điên. Trên xe chất đầy những bao nilon bằng nhựa trong suốt nhìn rõ những cây thuốc lá Jet, Hero.

Chạy được 15 cây số, anh Bùi Văn Nam, một ngư dân đã bỏ nghề chuyển sang chạy xe ôm, dừng xe bảo tôi: “Tới rồi”. Trước mặt tôi là barie của Trạm Kiểm soát Biên phòng Mương Ba Nguyên, thuộc xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự chắn ngang đường. Anh lính trẻ đang trực trong chốt gác hỏi: “Mấy anh đi đâu thế ạ?”. Anh Nam chỉ giàn đáy ngoài ngã ba sông cách đó chừng 300 m đáp: “Anh là người quen của chú Bảy chủ đáy, muốn ra ngoải mua ít cá về lai rai. Xong vô liền hà”. Cậu lính trẻ “dạ”. Anh Nam nói tiếp: “Em cho anh gửi xe trong sân trạm nha”, vừa nói anh vừa dắt xe máy vào sân trạm Biên phòng rồi dẫn tôi xuống bến sông. Tại đây, chúng tôi thuê một chiếc xuồng máy chở ra đáy với giá 30 ngàn đồng/lượt.

Chừng 10 phút sau, chúng tôi đã có mặt tại giàn đáy nhất (đáy ở đầu nguồn) nằm trên phần mặt nước của Campuchia. Đây là một trong những giàn đáy “hứng” luồng cá từ gốc. Nhưng, đáy không có một bóng người. Tôi đang tiếc rẻ thì anh Nam móc điện thoại ra gọi cho ai đó rồi bảo tôi: “Giàn đáy này của ông Nguyễn Văn Cưng (Bảy Cưng). Mấy hôm nay cá chạy ít nên ngày nào ổng cũng về. Đợi chút đi, ổng ra tới giờ đó”. Giàn đáy của ông Bảy dài 150 m, là một trong những giàn đáy lớn nhất “án ngữ” ở vùng đầu nguồn sông Sở Thượng này.


Đổ cá từ đáy lên thuyền

Tôi ngồi trên chiếc bè đáy đang dập dờn trên mặt nước vắng mênh mông, chỉ có tiếng sóng rì rào mỗi khi một cơn gió thoảng qua. Khi mặt ông trời đỏ rực, sà xuống sát mặt nước tít đằng xa, cũng là lúc chiếc xuồng máy chở ông Bảy ào đến. Tiếng máy nổ xé toạc không gian yên tĩnh, hai vệt nước phía sau xuồng như kéo dài bất tận.

Do đã được anh Nam giới thiệu trước nên vừa trèo lên bè đáy, ông Bảy đã chìa bàn tay thô cứng ra cho tôi bắt rồi không rào đón, nói ngay: “Giàn đáy này tôi thuê thời gian 6 năm, hết gần tỉ bạc. Mấy năm trước, cá nhiều lắm, cứ 2-3 tiếng là phải đổ đáy một lần, nếu không, cá vào đầy bung đáy luôn. Mỗi đêm thu cả tấn cá! Nhưng càng ngày cá càng ít. Đầu mùa lũ năm nay, đêm nào nhiều nhất cũng chỉ được hơn 2 tạ cá linh”.

Tôi thắc mắc: “Đây là đầu nguồn, sao cá lại ít đi?”, ông Bảy trầm ngâm: “Nhiều nguyên nhân. Năm nay lũ kém. Thêm nữa, dù là đầu nguồn, nhưng những cánh đồng phía trong mới là túi cá. Dân mình sang thuê mặt nước đặt dớn như sao sa trong đó. Dớn là loại lưới dày, nó “gom” từ cá nhỏ cỡ cọng chiếu trở lên. May là ở đây họ cấm các loại cào, đăng điện, chứ nếu không chắc cũng sạch rồi”. Anh Nam bảo, ông Bảy là một trong số ít những người từ nhiều năm nay không tận diệt cá linh non.

Rải rác quanh giàn đáy của ông Bảy, còn những giàn đáy khác, mỗi giàn cách nhau chừng nửa cây số. Dù không đến nỗi “hẻo” như dưới hạ nguồn, nhưng cũng đìu hiu hơn nhiều so với mọi năm.


Ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên đồng Campuchia

“Từ đây sang mấy cánh đồng bên Campuchia có xa không chú Bảy?”. Tôi hỏi. “Hổng xa gì mấy, xuồng máy chạy chừng nửa tiếng. Nhưng chú lạ nước lạ cái, lại chẳng quen ai… không hay đâu. Tôi có thằng cháu vẫn sang bển đặt dớn, mai chừng 3 - 4 giờ sáng nó đi, để tui kêu nó ghé rước chú đi luôn”, ông Bảy đáp.

ĐẶT DỚN Ở “TÚI” CÁ

Đang chìm sâu trong giấc ngủ, tôi giật mình choàng dậy khi nghe tiếng đàn ông nói oang oang bên tai: “Anh ngủ say quá, muỗi chích bầm người rồi nè. Dậy đi thôi”. Tôi tỉnh ngủ. Người vừa nói là anh Nguyễn Văn Xum, năm nay 37 tuổi, người cháu mà ông Bảy giới thiệu cho tôi tối qua. 4 giờ sáng, khi mảnh trăng còn treo lơ lửng trên đầu, chúng tôi đã xuất phát. Tiếng máy cole đanh giòn phá tan màn đêm tĩnh mịch rồi xé toang mặt nước lấp loáng ánh trăng lao đi. Gió lạnh, tôi mồi một điếu thuốc, nhưng chưa kịp rít đã bị nước bắn lên tắt ngấm. Có vẻ như chiếc xuồng đã làm bầy cá đang ngon giấc dưới mặt nước giật mình khiến chúng liên tục vọt lên khỏi mặt nước. Lớp vảy trắng bạc lấp lánh dưới ánh trăng.

“Từ bao đời nay, loài "linh ngư" nhỏ bé này đã gắn liền với đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của người nông dân miền Tây. Đã có tên trong sử sách, truyền thuyết. Vậy mà, giờ nó đang có nguy cơ biến mất. Đã đến lúc chúng tôi phải có những hành động cụ thể để bảo vệ nó. Phải tuyên truyền và lên án mạnh mẽ những hành động tận diệt cá linh như dùng lưới mùng bắt cá con, cá non, đánh bắt bằng điện. Phải đưa chúng trở lại thiên nhiên nếu lỡ càn quét, bắt được chúng”, lão ngư Nguyễn Văn Cưng.

Chừng 20 phút sau, chiếc xuồng giảm tốc độ rồi dừng hẳn. Anh Xum cho biết, cánh đồng này thuộc tỉnh Preyveng, Campuchia. Tôi nhìn xung quanh, chỉ thấy ánh trăng rải xuống mặt nước mênh mông, chẳng biết đâu là bờ. Lâu lâu mới thấy một đốm sáng lóe lên phía xa. “Có nhiều người sang đây đánh bắt cá không anh?”, tôi hỏi anh Xum. “Hằng trăm người, toàn dân mình không hà”, anh đáp.

“Mình sang đây đánh bắt rồi đóng thuế cho họ hay sao?”, tôi hỏi tiếp. “Đâu có, họ cho thuê mặt nước theo chiều dài đường dớn. Tùy theo đồng nhiều hay ít cá mà giá thuê khác nhau. Từ 20 triệu đến cả vài trăm triệu đồng cho 1.000 m dớn. Có nơi một đường dài có giá thuê đến vài trăm triệu đồng. Mình không có tiền nên “mua lẻ” thế này, chứ dân có tiền họ mua cả lô, giá có khi lên tới cả tỉ bạc. Ở khu vực này tôi phải trả họ 35 triệu đồng/vụ đấy. Năm nay cá linh rất ít, nhưng cũng không đến nỗi không có ăn”, anh Xum vừa nói vừa rà xuồng đến những chiếc rọ nằm trên dớn để đổ cá. Toàn bộ chiều dài dớn của anh có 5 miệng rọ. Trung bình mỗi rọ anh đổ ra xuồng khoảng 20 ký cá các loại, nhưng chủ yếu vẫn là cá linh.


Chuyển cá xuống quây lưới mắt rộng hơn để cá nhỏ thoát ra ngoài

Ngay sau khi gom cá trong các rọ xong, anh Xum nhanh chóng mang đến một ô lưới quây gần đó và đổ xuống. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao anh không để trên xuồng luôn mà phải đổ xuống đó?”. Anh Xum chỉ tay vào lưới quây giải thích: “Anh nhìn đi, lưới này mắt to, những con cá nhỏ có thể chui lọt ra ngoài”. Nghe đến đây, tôi đã hiểu ra, hỏi: “Mọi người có làm giống anh không?”. “Ở bên này họ làm rất nghiêm, nếu ai bắt cá linh non, kiểm tra thấy họ phạt rất nặng và có thể cấm sang đây đánh bắt nữa. Còn dùng các phương tiện đánh bắt bằng điện, họ bắt giam luôn chứ chẳng chơi”, anh Xum nói.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm