| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 29/08/2020 , 06:35 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:35 - 29/08/2020

Dành cho Hà Nội

Đây là bài báo, thuần túy báo chứ không tản văn gì cả. Để nói về hai việc liên quan đến chuyện bốc mùi.

Hoàn toàn không có ý chê bai và nếu có ý đó, tôi khẳng định, tôi trách cứ hẳn hoi, tôi chê trách, vâng, chê và trách.

Có 15 năm ở Hà Nội như bạn bè tôi đều biết, trước đó thì gần 10 năm nữa ra vào thường xuyên. Việc những chiếc xe rác khiến tôi ngạc nhiên hết sức.

Loại xe như là xe cút kít, đáy nhỏ, miệng hơi rộng hơn đáy, lênh khênh trên hai vành bánh xe ốm yếu. Sở dĩ tôi lấy làm lạ là vì ở miền Nam thời nghèo khó, xe rác vẫn là ba-gác chưa gắn máy.

Được cho là Hà Nội luôn đi sau Sài Gòn về văn minh đô thị, đường sá nhiều ngõ ngách, ngõ và ngách nhé, xe rác to không lách vào được. Thôi, tạm chấp nhận, nhưng vẫn không ngớt băn khoăn.

Đi làm mỗi ngày, tôi qua nhiều đường lớn, đường tắt và có khi lách vào ngõ để tránh kẹt xe. Giờ cao điểm xe rác chen với dòng xe đi làm và đi học. Lại khác với miền Nam.

Sài Gòn rác thu gom về đêm, sáng sớm việc ấy xong xuôi, không được cản trở lưu thông. Mỗi xe rác Hà Nội được hai nữ công nhân đẩy đi đến chỗ tập kết, gặp phải dốc cầu, sự quá tải cứ khiến xe như muốn lộn nhào xuống các chị ấy. Thập kỷ 90 đấy. Sang thế kỷ mới có khác hơn.

Khác sao? Khác ở chỗ dân cư ngốt lên, rác thải cũng ngốt lên mà xe rác vẫn nhỏ nhắn thô sơ như thế. Phu rác cơi nới xe bằng cót ép hoặc giấy bìa các-tông để giữ cho rác khỏi vun thành ngọn.Phải cảm thán, cơi giỏi quá vậy ta, thế giới có cuộc thi về cơi nới các thứ, chắc chắn thủ đô Việt Nam vô địch.

Sau nữa, cơi hết mức rồi, họ dùng que để cắm xiên miệng thùng cho xe ngoác ra rồi mới chèn bìa giấy, thú thật, sức chở của nó có thể ngang bằng xe bán tải. Vẫn hai bánh mong manh, vẫn hai phụ nữ đẩy xe đi, vẫn vào ban ngày, có hôm mắc kẹt trong giờ cao điểm.

Tôi về lại Sài Gòn đã mươi năm. Thi thoảng thấy thời sự ti-vi nói chuyện khủng hoảng rác ở chỗ này chỗ kia. Nguồn cơn là “thành phố xanh”, “thành phố hòa bình” không chú trọng để xứng đáng với những danh hiệu đó.

“Hãy cho tôi biết bạn đối xử với rác thải thế nào, tôi sẽ nói bạn đang ở thành phố đẳng cấp nào và, dĩ nhiên, chất lượng sống của bạn ra sao?” Phu rác than quá sức không kham nổi, Công ty quản lý họ kêu tiền dân đóng cho việc đổ rác thấp đến mức khó hiểu, thu không đủ nuôi người, Tài nguyên Môi trường cũng kêu kinh phí không có để xoay xở và cuối cùng, Chính quyền hứa sẽ đổi mới, sẽ và sẽ.

Xin thưa, mật độ người đã đông bằng Singapore chưa? Đã xanh như họ và dĩ nhiên, không khi nào sạch được như họ.

Vậy họ đã làm sao mà được vậy? Chắc chắn Hà Nội đã đi tham quan, đi học, đi nghiên cứu khắp nơi rồi. Và như những thập kỷ trước, xem xong à há xong, hết nhiệm kỳ, những vị khác lên lại cắp cặp đi nghiên cứu và lại về, à há. Xong.

Mới vừa đây, có một phóng sự trên VTV về việc nhiều nữ công nhân ngành Môi trường đô thị muốn bỏ nghề. Tôi nhìn hàng xe rác trên vỉa hè ở chỗ được phép tập kết, vẫn vậy, ba mươi năm trước. Tôi nhìn vào chiếc chổi đót chổi tre của họ, vẫn vậy. Nhìn vào cái hốt rác nữa, vẫn vậy.

Và chắc giá cho rác mỗi nhà phải đóng không cao hơn Sài Gòn, chứng tỏ điều gì, một tháng tiền rác chỉ bằng một tô phở mà vẫn có người kêu ca trả treo, chây ì. Chao ơi Thủ đô, muốn làm cư dân Thủ đô thì sao? Nhất định các loại phí phải cao để cho người lao công đô thị còn có lương kha khá mà sống.

Nếu vậy, thì la liệt các khu nhà tầng, các khu chung cư mọc lên kín hết các chỗ trống ở nội đô chỉ để cho ma vào đó sống à? Tóm lại, quy hoạch kiểu không quy hoạch, quản lý kiểu không quản lý đã khiến Hà Nội xô bồ, nghẹt thở và mọi thứ cứ nhè vào những người khổ cực nhất, tổn thương nhất : phu rác!

Tôi đã nhiều lần nói về rác và sông Tô Lịch của Hà Nội. Nói để mà nói, một bài báo vài trăm người đọc, đưa lên mạng, cao nhất cũng ngàn người đọc, giải quyết được gì? Nhưng làm báo là phải viết, phải đánh động, phải phản biện, phải bênh vực người yếu người thua thiêt.

Có lẽ vài chục năm nữa Hà Nội vẫn chưa giải quyết rác tại nguồn, xe cho rác vẫn không thay đổi và ở đâu là những nhà máy tiêu hủy và tái chế rác? Vì sao? Chao ơi, mọi người đều biết, lãnh đạo thừa biết mà mọi thứ không thay đổi nổi. Có phải do tư duy nhiệm kỳ mà ra?

Bao giờ Tô Lịch được như Nhiêu Lộc của Sài Gòn? Bao giờ phương tiện cho những người trực tiếp với rác được cơ giới hóa như Sài Gòn? Bao giờ, hở Thủ đô mà mọi người đều nhìn vào để khen hoặc để bất nhẫn, cũng chỉ vì quá yêu quá kỳ vọng đó thôi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm