Danh hài Chí Tài (15/8/1958 - 9/12/2020) vào nghề chọc cười khá muộn màng, nhưng lại may mắn rơi đúng thời điểm vàng. Đó là thời điểm nhu cầu giải trí của khán giả tăng cao, nhưng lại thiếu vắng diễn viên hài và thiếu vắng kịch bản hài. Sàn diễn không còn hài kịch, mà chỉ còn tấu hài, nên danh hài Chí Tài nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần rộng lớn người hâm mộ suốt 20 năm qua.
Hôm nay, ngày 12/12, thi hài của danh hài Chí Tài được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TPHCM để công chúng tiễn biệt thần tượng lần cuối cùng. Trong sự ngậm ngùi ấy, không thể không nhắc đến một vai diễn không hề có tiếng cười của danh hài Chí Tài.
Ngoài những màn tấu hài, nét duyên của danh hài Chí Tài cũng được các đạo diễn khai thác tối đa ở phim trường. Trong các bộ phim “Công chúa teen và ngũ hổ tướng”, “Kỳ phùng địch thủ”, “Lâu đài tình ái” hoặc “Trúng số” thì những vai diễn của danh hài Chí Tài trên điện ảnh không khác gì mấy trên sân khấu. Đó là những vai diễn chỉ nhằm tăng thêm màu sắc vui nhộn cho bộ phim, giống như nhân vật anh hề trong những vở chèo.
Tuy nhiên, danh hài Chí Tài có một vai diễn tương đối ấn tượng trên màn ảnh, đó là vai Năm Triều trong bộ phim “Dạ cổ hoài lang” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Từ một bài vọng cổ đầu thế kỷ 20 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, diễn viên Thanh Hoàng đã mượn tinh thần “Dạ cổ hoài lang” để viết kịch bản sân khấu cùng tên, công diễn lần đầu năm 1995. Hơn 20 năm sau, “Dạ cổ hoài lang” từ sàn diễn bước lên màn bạc, qua bàn tay dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. “Dạ cổ hoài lang” là một tác phẩm nói về nỗi ly hương đầy nước mắt, mà hai nhân vật chính lại giao cho hai danh hài đảm nhiệm thì kể ra cũng hơi phiêu lưu.
Hai ông già trong “Dạ cổ hoài lang”, Tư Lành và Năm Triều, có số phận riêng nhưng chung niềm tâm sự về mệnh kiếp lênh đênh xa xứ. Kịch bản “Dạ cổ hoài lang” qua hai lần đưa lên sân khấu đều do Thành Lộc đóng vai Tư Lành, còn vai Năm Triều do Việt Anh và Hữu Châu thay nhau thể hiện. Danh hài Hoài Linh từng đóng vai Tư Lành trên sàn diễn kịch nghệ, còn danh hài Chí Tài lần đầu tiên hóa thân Năm Triều thì xuất hiện luôn ở lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.
Khán giả đã quen nhìn khuôn mặt của Chí Tài trên sân khấu để cười, vì vậy khán giả quả là bị đặt vào tình thế khó xử khi phải nhìn khuôn mặt của Chí Tài trên màn ảnh “Dạ cổ hoài lang” để… khóc. Danh hài đóng phim buồn, có phải nhiệm vụ bất khả thi? Nếu là diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo để làm danh hài, chắc chắn họ sẽ từ chối. Thế nhưng, ưu điểm của cả Chí Tài lẫn Hoài Linh là không học về diễn xuất, mà hóa thân vào nhân vật theo cảm nhận cá nhân.
Ơn trời, nhờ sự tréo ngoe của show biz Việt, mà xem hình ảnh Năm Triều của Chí Tài trong bộ phim “Dạ cổ hoài lang” cũng không đến mức phản cảm. Cứ thong dong mà định vị vai Năm Triều như một món quà nghề nghiệp mà danh hài Chí Tài nhận được từ nền điện ảnh Việt đang loay hoay hội nhập chăng?
Thật đáng mừng, xem phim “Dạ cổ hoài lang”, khán giả không còn nhận ra một danh hài Chí Tài vẫn hay chọc cười nữa, mà là một ông Năm Triều khắc khoải với nỗi niềm tha hương cầu thực. Sự trải nghiệm của bản thân nhiều năm nơi đất khách, đã giúp danh hài Chí Tài có được vai Năm Triều trong bộ phim “Dạ cổ hoài lang” khác hẳn vai Năm Triều từng có trên sàn diễn kịch nói.
Vai Năm Triều của danh hài Chí Tài và vai Tư Lành của danh hài Hoài Linh trong bộ phim “Dạ cổ hoài lang” đã chứng minh họ là nghệ sĩ có đẳng cấp thực sự.