| Hotline: 0983.970.780

Đành làm trưởng thôn vì là đảng viên

Thứ Tư 05/05/2010 , 10:36 (GMT+7)

Vừa mất một lao động chính, lại chẳng đem được đồng nào về cho vợ con nên cứ đến kỳ bầu bán, người ta chối đây đẩy cái chức danh “ôm rơm rặm bụng” hão ấy...

Làm trưởng thôn, tháng được vài trăm ngàn chỉ đủ đổ xăng (đi từ đầu thôn cuối thôn Cấm dài vài km mất trọn 1 lít xăng - PV) nhưng công lên việc xuống, cái gì cũng bị gọi, cũng phải đi, làm gì cũng dễ bị dân… chửi, dân trách thậm chí còn dọa “Đúng mồng một Tết tao vào nhà mày chửi cho dông cả năm”.

>> Chuyện buồn bên dòng Cấm Sơn

Vừa mất một lao động chính, lại chẳng đem được đồng nào về cho vợ con nên cứ đến kỳ bầu bán, người ta chối đây đẩy cái chức danh “ôm rơm rặm bụng” hão ấy. Ngay cả tân trưởng thôn Cấm Nguyễn Văn Tiền (xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cũng rất thực lòng với tôi rằng: “Nếu không phải là đảng viên, chắc chẳng ai chịu làm trưởng thôn. Tôi là đảng viên, phải chịu sự phân công của tổ chức nên đành nhận”.

Trưởng thôn Cấm bên một ngôi nhà của người nghèo mà không được trong danh sách nghèo

Ở đâu trưởng thôn kiếm đồng ra đồng vào, có “màu mỡ” chứ ở xứ heo hút này, trưởng thôn nghèo chẳng kém phần lớn thôn dân. Để chứng thực cho điều ấy, anh Tiền cho tôi xem bản bàn giao giữa trưởng thôn cũ và mới toàn bộ tài sản cho Ban quản lý khoá 2010-2012 gồm: “Ba vỏ thuyền sắt và một amply + một míc + hai loa + một giá để míc (bộ amply và loa đã hỏng không sử dụng được nữa)”. Anh Tiền làm Phó thôn được trên 3 năm, làm trưởng thôn được hơn tháng. Tài sản bàn giao của cựu trưởng thôn cho tân trưởng thôn là mớ loa đài đã hỏng hết nên có chuyện gì, dù trời mưa hay nắng anh phải đi lại từng nhà để dặn hay cứ một quãng đường lại đứng trên đỉnh dốc mà bắc loa tay thông báo cho cụm dân ở đấy hay biết. Như cái thông báo tiêm phòng dại hôm tôi đến, nó dài dằng dặc nên trưởng thôn loa mồm hụt cả hơi, khản cả tiếng…

Thôn Cấm 120/145 hộ nghèo. Hết chuyện cái máy tuốt lại đến chuyện lò sấy vải. Nhà nước hỗ trợ 100%, dân bỏ mặt bằng, công sức để làm nhưng theo tâm sự của anh Tiền: “Thời gian chờ từ lúc đăng ký đến lúc có máy về, xấp xỉ 2 năm thì đã hết thời vải sấy. Nhận máy về 6-7 cái, có lò còn chưa đốt tí gì, có lò nổi lửa dăm ba bận rồi bỏ không. Giờ thôn không còn lò nào”. Các đầu tư khác theo Chương trình 135 như hỗ trợ lợn giống cho hộ nghèo hay chương trình tặng quà cho hộ nghèo dạng “mưa không thấm đất”, không cho đủ những hộ trong diện nghèo nên hộ này tị hộ kia, gặp trưởng thôn cứ xơi xơi rằng: “Cán bộ chỉ ưu ái cho người nhà ông”.

Rồi như đợt 2008 dân nghe thông báo được hỗ trợ 30kg gạo/hộ nhưng về sau được 20kg nên còn thắc mắc đến giờ. Thực tế có phải vậy đâu. Thôn có hơn 100 hộ nghèo mà chỉ cho có 30-40 hộ thôi dễ dẫn đến mất lòng lắm. Từ cây vải nhà nước hỗ trợ giống, cho lợn nái, lợn thịt, bò, làm nhà… mà cho không đều, chính sách chỉ khổ cho cán bộ địa phương. “Hộ nghèo đã đầu tư phải rộng khắp, đồng bộ, phải có đầu có đũa. Đầu tư nên chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng công cộng, đường phải ra đường, trường ra trường. Thôn mới được mở con đường đất nhưng không có mương thoát nước nên mưa xuống, đất ùn xuống, đi xe máy chẳng nổi, xe đạp phải vác lên vai, toàn thôn lội bộ xúc đất”, vị tân trưởng thôn gửi gắm.

Ở thôn Cấm còn có nghịch lý hộ nghèo thực sự nhưng không có cơ hội để tái nghèo và hộ chưa thật nghèo nhưng lại không muốn thoát ra khỏi danh sách. Chế độ người nghèo được hưởng quá nhiều, họ không muốn thoát nghèo, tìm mọi cách lách như không khai đầy đủ thu nhập của gia đình ra nên vẫn rơi vào hộ nghèo. Còn ngược lại, nhiều người nghèo, “chị Dậu” thực sự lại vẫn không thể đứng trong đội ngũ người nghèo. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Thập 4 khẩu trong đó có 2 con nhỏ. Nhà của anh tiếng là nhà xây nhưng bé con con, lợp bờ lô xi măng. Nhà làm từ năm 2007 mà cửa sổ vẫn chưa lắp cánh, che tạm bằng tấm nylon, mưa to hắt ướt nửa nhà. Tôi cùng anh trưởng thôn làm cuộc thống kê nhanh đồ đạc đếm được có một cái ti vi, vài cái xoong nhôm, một vại nước, một chiếc nồi 20, một chiếc chảo, một chiếc nồi 40 nấu cám… “Vợ mình phải đi làm than thổ phỉ ở Quảng Ninh. Mỗi đợt khoảng 20 ngày, một năm đi 4-5 đợt, tổng cộng được cỡ 5 triệu đồng chia cho 4 người. Tính cả ngô lúa nữa cũng chỉ cỡ trên 100.000đ/tháng. Thế mà không hề được xét vào trong danh sách nghèo”, anh Thập lí nhí.

Những trường hợp không có điều kiện để tái nghèo mà thực tế thừa điểm cộng. Sự phi lý đấy được ông trưởng thôn lý giải: “Năm 2009 khi tôi làm Phó thôn đã lập danh sách tái nghèo khoảng 20 hộ nhưng không hộ nào được xét. Những hộ này nghèo vì chủ yếu do mới tách hộ, chưa có kinh tế ổn định, xứng đáng là hộ nghèo vì không thể đủ điều kiện thu nhập trung bình 200.000đ/tháng theo quy định chuẩn nghèo thế mà lập danh sách vẫn không được”. Ở thôn chỉ tiêu giảm nghèo cấp trên giao ví dụ phải giảm 10%/năm mà không hoàn thành chỉ tiêu thì không có hộ nào được tái nghèo nữa vì các hộ kia không ra khỏi danh sách nghèo. Đây là một thực tế. Trung bình ruộng được 7 thước/người mà chỉ những người trước năm 1993 mới có chứ sau này sinh thêm, không được. Đất ít, nhiều nơi lại ở vùng lòng hồ, khi nước xuống tranh thủ gieo trồng. Chỉ một trận mưa, hôm sau ngô lúa đã ở sâu dưới 3-4 mét nước.

Tỷ lệ giảm hộ nghèo 4,21%/năm toàn xã vẫn còn 73,18% nghèo trong khi mục tiêu, chỉ tiêu thoát nghèo 8-10%/năm huyện giao thoát nghèo nhưng không năm nào đạt nổi. Anh em làm rà soát hộ nghèo rất vất vả. Có lúc trầy vẩy mất vài tháng nhưng không thể làm được vì cứ tổng hợp lên huyện lại không nhất trí vì mức tỷ lệ giảm nghèo quá thấp, không theo chỉ tiêu, định hướng. Đem về, xuống các thôn rà soát đi rà soát lại cơ bản tỷ lệ giảm vẫn không thể thay đổi được..., Bí thư xã Cấm Sơn Nông Văn Tới.

Đem tất cả những chuyện ghi nhận ở thôn Cấm kể với Bí thư Đảng ủy xã Nông Văn Tới, ông không phản đối mà chỉ ngậm ngùi giải thích: Máy tuốt phải di chuyển mà đồng ruộng, cách đồi, cách núi không hiệu quả nên dân tự ý thanh lý cả 6 chiếc máy. Những đối tượng góp vốn đối ứng bán đút túi hết. Đầu tư lò sấy vải có vẻ hiện đại, có hiệu quả kinh tế nhưng thực chất lượng quả không lớn. Điện đóm chưa ổn định, lại dùng chất đốt bằng than, nhân dân khó khăn mà nhà nước chỉ hỗ trợ mỗi hệ thống quạt gió, trị giá mỗi cái trên 3 triệu, cả xã được mấy chục lò đã bỏ hết. Mô hình anh cứ đi lại, nghiên cứu xem mà có chỗ nào làm được đâu? Hỗ trợ chăn nuôi nhưng các vị chủ dự án mua bò ở tận đẩu đâu về đây đồng đất lạ, nước nôi khác, môi trường không phù hợp rồi cũng thất thoát ngã nước ốm chết…

Chính sách khuyến khích dân thoát nghèo là đúng, nhưng nhận thức của dân ở vùng sâu vùng xa này còn hạn chế, người ta không biết vận dụng chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước để vươn lên mà trở thành tính cách ỉ lại. Nghèo có nhiều lý do đông con, thiếu đất sản xuất hay do lười lao động mà ỉ lại. Thực tế có những hộ có thể thoát nghèo được rồi nhưng họp với bà con bình bầu hộ nghèo, họ kiên quyết đấu tranh, không thoát nghèo. Dẫn đến tỷ lệ nghèo của nhà nước quy định bằng này, nhưng người cũ không ra, thoát nghèo không có thì hộ mới nghèo lại không vào được. Tới đây, nghe trên nói chủ trương nhà nước hỗ trợ mỗi hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn (135) là được 3 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ mỗi khẩu 100.000đ/năm cho đầu tư lao động sản xuất.

Cái đấy dễ trở thành bất cập, có thể làm cho dân nghèo không muốn vươn lên vì tôi cứ tính thế này: một hộ có 3 khẩu, nhưng chỉ cần được hỗ trợ 3 triệu cộng thêm 300.000đ hỗ trợ sản xuất là tàm tạm đủ sống. Sự phấn đấu vươn lên cũng hạn chế. Tất nhiên, phải có hỗ trợ nhưng sao cho khuyến khích, kích động thành phong trào. Chứ tình trạng thế này nếu không cẩn thận thành 2 vế phân biệt giữa hộ thoát nghèo và hộ nghèo, thành mâu thuẫn vì sự chênh lệch chỉ một chín, một mười. Đây là bài toán khó. Hỗ trợ phải làm sao cho họ vươn lên, cho họ kiến thức lao động sản xuất, đất đai sản xuất, hỗ trợ một phần kinh phí nữa… (Hết)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Sáng 29/3, giông lốc cuốn bay nhiều mái nhà, 1 người phải đi cấp cứu

LÀO CAI Giông lốc, mưa đá vào rạng sáng nay đã gây thiệt hại tài sản của người dân trên địa bàn huyện Bát Xát.

Bình luận mới nhất