| Hotline: 0983.970.780

Danh lợi nhiễu nhương đã tràn vào giảng đường đại học

Thứ Bảy 06/07/2019 , 07:05 (GMT+7)

Khi kết quả tuyển sinh năm 2019 đang vào giai đoạn nóng bỏng, xung đột nội bộ ở hai trường đại học tại TPHCM là ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Luật, thực sự khiến mọi người e ngại.

Xu hướng tự chủ đại học chưa thấy mang lại hiệu quả tích cực gì, thì đã thấy mâu thuẫn phát sinh gay gắt giữa những người mang sứ mệnh cao cả về khai trí và khai phóng.

07-24-47_dh_ton_duc_thng
Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Xung đột ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng nằm chủ yếu ở phản ứng của Ban giám hiệu với cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động VN. Phía lãnh đạo ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng: "Tổng Liên đoàn Lao động VN đã 3 lần yêu cầu nhà trường phải trích nộp 30% kết dư của trường. Đây là việc làm vi phạm pháp luật vì xưa nay chưa có bộ chủ quản nào yêu cầu cơ sở giáo dục phải trích nộp như doanh nghiệp. Nhất là đối với trường tự chủ tài chính như Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Quy định "trích nộp tối đa 30%" được ký và ban hành từ thời ông Đặng Ngọc Tùng làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhưng chỉ dành cho các cấp công đoàn.

Ông Tùng làm 2 nhiệm kỳ chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhưng không có yêu cầu trường học trực thuộc phải đóng tiền. Khi ông Bùi Văn Cường về làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN đã áp quy định vào bắt đóng ngay để có tiền làm "thiết chế công đoàn".

Từ năm 2017 đến nay đã là 3 lần yêu cầu trường phải nộp, phải đưa vào dự toán thu chi hàng năm để nộp. Do đó, không thể nói là quy định có từ thời ông Đặng Ngọc Tùng.

Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng kiến nghị hai việc. Thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động VN phải tuân thủ Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và các Nghị quyết của TW Đảng về đổi mới hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai, phải tôn trọng Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường.

Còn phía lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động VN lại khẳng định, hội đồng Trường ĐH Tôn Đức Thắng rất hay "chống lệnh" và có những biểu hiện "lạm quyền". Việc Tổng Liên đoàn Lao động VN có công văn hỏi ý kiến Bộ GD-ĐT và sau đó có công văn gửi hội đồng trường Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ban giám hiệu trường này là việc bình thường, đúng quy trình. Thế nhưng trường lại có văn bản trả lời rằng công văn trên "không có giá trị".

Thậm chí, Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhiều lần phản ứng với Tổng Liên đoàn Lao động VN và Kiểm toán Nhà nước, khi không đồng ý kiểm tra, kiểm toán đơn vị này vì “trường công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính, không nhận ngân sách nhà nước kể từ khi thành lập đến nay, do đó nhà trường không rõ Kiểm toán Nhà nước căn cứ trên cơ sở văn bản pháp lý nào để tiến hành kiểm toán nhà trường".

Mâu thuẫn ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuy có nhiều rắc rối nhưng vẫn là cuộc tranh chấp giữa lãnh đạo trường và cơ quan chủ quản. Trong khi đó, mâu thuẫn ở Trường ĐH Luật TPHCM lại chia nội bộ làm hai phe với những đơn thư tố cáo. "Củi lửa" ở ĐH Luật TPHCM xuất phát từ lá đơn của ông Lê Minh Tuấn (tài xế của trường) tố cáo bà hiệu trưởng Mai Hồng Quỳ đã tuyển dụng không đúng thủ tục để đưa người thân vào những vị trí "béo bở".

07-24-47_dh_lut_tphcm
Trường ĐH Luật TPHCM.

Đồng thời lá đơn tố cáo cũng nêu rõ chuyện bà Mai Hồng Quỳ không công khai số tiền học lại của hệ vừa học vừa làm và báo cáo thu chi khoản tiền học lại cho cán bộ giảng viên tại hội nghị Cán bộ công viên chức (từ 2014-2016), chênh lệch giữa báo cáo và thực thu hơn 13 tỷ đồng.

Ngày 29/12/2017, Bộ GD-ĐT ban hành Kết luận số 1045/KL-BGDĐT, về việc thanh tra nội dung tố cáo đối với bà Mai Hồng Quỳ do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ký. Dù vẫn thừa nhận ¾ nội dung tố cáo là đúng, nhưng Bộ GD-ĐT cũng không có phương án xử lý sai phạm, cho đến khi bà Mai Hồng Quỳ nghỉ hưu vào tháng 3/2018.

Quan sát tổng thể, dễ dàng nhận ra những rắc rối ở Trường ĐH Luật TPHCM xoay quanh nhân vật lừng lẫy Mai Hồng Quỳ. Năm 2006, bà Mai Hồng Quỳ được làm Quyền Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM do ông Nguyễn Minh Hiển ký bổ nhiệm trước khi rời khỏi vị trí Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đúng… 3 ngày. Nhiều người bất ngờ, bởi lấy phiếu tín nhiệm cho chức danh Hiệu trưởng ĐH Luật, bà Mai Hồng Quỳ chỉ được 28% phiếu bầu, còn ông Nguyễn Thái Phúc đạt 70% phiếu bầu. Sự thắng lợi khó hiểu ấy giúp bà Mai Hồng Quỳ có một khoảng thời gian dài quyền lực nghiêng trời ở ĐH Luật TPHCM.

Sau hai năm làm Quyền Hiệu trưởng, bà Mai Hồng Quỳ ngồi ghế Hiệu trưởng ĐH Luật TPHCM suốt hai nhiệm kỳ kéo dài 10 năm từ 2008 đến 2018. Thiết chế được bà Mai Hồng Quỳ đặt ra rất ấn tượng: Đưa em rể Lê Trường Sơn làm phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo hệ vừa làm vừa học, xây dựng cơ bản và mua sắm vật tư, trang thiết bị cho trường. Đồng thời, phân công cháu của mình và cháu của chồng là Lê Thị Hoài An và Nguyễn Thị Thu Hương, thay nhau làm Phó trưởng phòng kế hoạch tài chính kiêm kế toán trưởng, khi không đủ điều kiện về bằng cấp chuyên môn kế toán. Mặt khác, lại phân công cô em là Mai Quốc Thu Trang làm thủ quỹ. Sự thao túng của bà Mai Hồng Quỳ khiến nhiều giảng viên ngao ngán và chán nản.

Khi đến tuổi nghỉ hưu, bà Mai Hồng Quỳ muốn đưa em rể Lê Trường Sơn lên thay mình nhưng không được, bèn giới thiệu Phó Hiệu trưởng Trần Hoàng Hải (sinh 1962, quá tuổi bổ nhiệm) làm Phó Hiệu trưởng phụ trách, mà không cần lưu ý về hàng chục Phó Giáo sư - Tiến sĩ đủ điều kiện khác đang công tác tại trường.

Thảm cảnh ở ĐH Luật TPHCM khiến nhiều giảng viên tâm huyết xin chuyển công tác hoặc xin từ chức. Mới đây, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy xin từ chức Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Quản trị Luật, còn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Nhật Thanh xin từ chức Phó Trưởng khoa Luật Hành chính.

Hai câu chuyện ở ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Luật TPHCM dù có màu sắc khác nhau, nhưng có một điểm chung, đó là giảng đường không còn là nơi trang nghiêm học thuật nữa. Không thể nói khác hơn, chính nguồn lợi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm ở trường đại học đã khiến nhiều giáo sư lẫn tiến sĩ không còn mặn mà với công tác giảng dạy mà mải mê lao theo những cám dỗ vật chất.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất