| Hotline: 0983.970.780

Danh sách bệnh nhân tâm thần 'hệ chính quy và hệ mở rộng'

Thứ Ba 01/08/2017 , 14:30 (GMT+7)

Tôi không thể tưởng tượng nổi một quyển sổ quản lý bệnh nhân tâm thần nào lại dày đặc những cái tên, con số, những bổ sung, chỉnh sửa như sổ của Trạm y tế xã Hướng Đạo (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc).

Ảo thuật giữa các con số

Cuốn sổ to có bìa màu trắng (sổ hiện tại) ghi số lượng bệnh nhân tâm thần nhỏ hơn rất nhiều so với cuốn sổ nhỏ có bìa màu hồng của mấy năm về trước.

13-35-54_dsc_9013
Chị Lý và quyển sổ quản lý bệnh nhân tâm thần trên địa bàn

Số liệu của chị Phạm Thị Lý - y sĩ phụ trách đối tượng bệnh tâm thần của Trạm cung cấp cho tôi chỉ bắt đầu từ năm 2012 (không biết đã phải là thời điểm nở rộ nhất về bệnh tâm thần trên địa bàn hay chưa - PV) thì tháng 1 có 139 bệnh nhân, tháng 4 lên 140, tháng 6 lên 143, tháng 7 lên 146, tháng 9 lên 150, tháng 10 lên 151, tháng 12 lên 154. Sang năm 2013 số lượng bệnh nhân không có nhiều biến động, tới tháng 12 cả xã có 156 người, tuy nhiên đó là còn chưa thống kê hết số bệnh nhân nằm ngoài danh sách.

Chị Lý có thâm niên gần 20 năm theo dõi, quản lý người tâm thần trên địa bàn. Lúc mới ra trường đi làm chị được đồng nghiệp bàn giao một danh sách khoảng 20 - 30 người bệnh, đến năm 2006 cả xã mới chỉ có khoảng 50 người bệnh nhưng đến năm 2011 - 2012 thì số lượng tăng vọt bất ngờ. Nói một cách công bằng thì Trạm y tế tuyến xã không có quyền khám, kết luận ai là bệnh nhân tâm thần, ai không mà phải do Bệnh viện tâm thần tỉnh thực hiện rồi chuyển danh sách về cơ sở. Bởi thế, Trạm chỉ quản lý, cấp phát thuốc, điều trị ngoại trú theo đúng y lệnh là đã làm tròn trách nhiệm.

Do số lượng bệnh nhân tâm thần quá đông nên Trạm phải kéo giãn thời gian cấp thuốc mỗi tháng, đợt 1 từ 5 - 10, đợt 2 từ 15 - 17 mới tạm thời đáp ứng đủ. Cứ mỗi lần nhận trách nhiệm đi lấy thuốc từ huyện về chị Lý lại khệ nệ bê một cái túi to tướng. Tùy từng loại bệnh mà cần những loại thuốc khác nhau hay phối trộn với nhau. Sau này khi đã phân ra bệnh nhân động kinh, tâm thần phân liệt lấy thuốc ở Trạm y tế xã còn lại tự lên lấy thuốc ở Bệnh viện tâm thần tỉnh thì tình trạng ùn tắc lúc phát thuốc mới giảm được phần nào.

13-35-54_dsc_9001
Sổ theo dõi bệnh nhân tâm thần của xã Hướng Đạo

Những con số trong danh sách bệnh nhân tâm thần của xã Hướng Đạo biến động, nhảy múa theo từng tháng, từng năm tới 2014 mới chịu giảm dần để đến nay co gọn xuống còn có 80 người, trong đó được cấp thuốc là 32, chỉ quản lý mà không cấp thuốc là 48 người. Chị Lý nhiều lần khẳng định với tôi danh sách 80 người bệnh mà mình đang quản lý là đúng, vậy thì danh sách 156 người bệnh hay thậm chí còn cao hơn thế nữa cách đây mấy năm là sai?

Chị Phạm Thị Lý giải thích về một phần nguyên nhân của tình trạng “lạm phát” người tâm thần mấy năm về trước: Có thể do ngày trước dân phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền rất khổ cực lại thêm tệ nạn rượu chè nên sinh bệnh tâm thần còn ngày nay có nhiều nhà máy, xí nghiệp, người đi công nhân đông, kiếm tiền dễ nên ít người mắc.

Tâm thần khác hẳn với các loại bệnh khác, thường là nó mãn tính, sau điều trị có thể ổn định chứ không mấy khi khỏi hẳn nên số lượng hơn 70 người “tâm thần” trước đây của Hướng Đạo phải chăng đã biến mất vào hư không? Tất cả hệt như một trò ảo thuật tuyệt kỹ đủ để kích thích sự tò mò tột độ cho bất kỳ ai nhưng khán giả lại không hề biết người nào là chủ trò.
 

Tâm thần hệ chính quy và hệ mở rộng

Nếu danh sách 80 người tâm thần hiện tại tạm gọi là đúng, là chính quy thì danh sách hơn 150 người tâm thần của Hướng Đạo cách đây mấy năm thuộc vào hệ mở rộng. Tôi ngẫu nhiên chọn ra một vài trường hợp từng nằm trong danh sách cả chính quy lẫn mở rộng của xã để làm một cuộc khảo sát nhanh.

Bà Bùi Thị Mờ (đã đổi tên) ở khu 11 đang quẩy một gánh rau muống to từ vườn về cho bò, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nên khi kê ghế mời khách ngồi đã ý tứ đặt cách xa một quãng và giải thích: “Tôi vừa lao động người đầy mồ hôi, chua và mùi lắm chú ạ!”. Nhà cửa của bà quét tước sạch sẽ, đồ đạc sắp xếp rất nề nếp, gọn gàng giống như bao gia đình thôn dã khác trong làng. Theo như lời bà tự kể mình mắc bệnh từ năm 2004 với triệu chứng hay chạy đi vào ban đêm nhưng giờ chỉ còn chứng thỉnh thoảng hay quên của tuổi xế chiều mà thôi. Hiện bà được chế độ hỗ trợ 540.000 đ/tháng.

Bà Mờ đang dắt bò

Tương tự như bà Mờ, bà Hoàng Thị Sờ (đã đổi tên) ở khu 11 có thể làm được đủ thứ việc thông thường của nhà nông. Tính tình bà lành hiền chỉ có điều hơi đãng trí một tí. Lúc tôi đến bà đang đi làm không có nhà nên chỉ tiếp xúc được với mỗi ông chồng. Ông kể vợ mình năm 1998 bị bệnh trầm cảm dạng rối loạn tâm thần phân liệt, sau một thời gian cúng bái đủ thứ không thuyên giảm nên đã đưa đi bệnh viện chữa trị, nhờ thế mà mọi thứ giờ dần ổn định và bình thường trở lại.

Khi điều trị bằng thuốc được cấp không người bệnh hay xuất hiện các triệu chứng nhỏ dãi, cứng mồm, thân thể tích nước nên sợ, thường bỏ không dám uống.

Thoạt nhìn thì Bùi Văn Lờ (đã đổi tên) ở khu 11 không ai nghĩ là không bình thường. Vợ anh kể cách đây 7 năm khi đang làm thợ xây ở Hà Nội thì anh bị đồng nghiệp dẫn về vì cứ nằng nặc đòi… lấy cô con gái của chủ nhà dù lúc đó đã vợ con đuề huề ở quê.

Nhờ bố đi lấy vợ hai cho ông không gật, cậy anh đi lấy vợ hai cho thì anh lắc, phẫn chí Lờ phát bệnh si tình, trèo lên cả mái nhà để lẩn trốn thực tế. Hiện tại anh đã được nhận trợ cấp chế độ khuyết tật 540.000 đ/tháng. Ỉ vào có “lương tâm thần” nên dù to khỏe nhưng thích thì đi làm, không thích thì lại ngồi nhà chơi, dù ai nói vào nói ra anh cũng mặc, tính từ tết đến giờ chưa đủ 30 ngày công.

Trong 4 “bệnh nhân” tâm thần ở xã Hướng Đạo chỉ có anh Trần Văn Tờ (đã đổi tên) thuộc danh sách chính quy ở khu 2 là tình trạng nặng. Sinh ra, lớn lên hoàn toàn bình thường, anh chỉ trở bệnh trong một lần đi làm thuê ở Quảng Ninh về. Chữa trị được một hồi, đã thuyên giảm được chút chút rồi nhờ mai mối, anh sánh duyên với một cô vợ tuy nhiều hơn 10 tuổi nhưng được cái hay lam, hay làm.

Chị Lý (áo xanh bên phải) đang trò chuyện với bệnh nhân và người nhà (bên trái và đằng sau)

Kể từ hồi lập gia đình, bệnh tình của Tờ ngày càng nặng. Hễ hở ra cái là anh bỏ đi chơi, lại toàn chỉ tìm đến các đình đền, miếu mạo hệt như bị ma ám khiến nhiều lần vợ anh phải trói lại. Hồi chị mới sinh đứa thứ hai nhân một phút sơ hở, anh đã tháo sợi dây trói để tiếp tục trốn đi chơi. Sau khi cất công tìm kiếm, bắt về, vợ anh đã phải bỏ ra 2 triệu đồng thuê người hàn một cái cũi sắt lớn để nhốt chồng. Lúc tôi đến, cái cũi vẫn còn để ngoài hiên nhà.

Bên trong cũi trải một cái chiếu đơn để người bị nhốt muốn ngồi thì ngồi, muốn nằm cũng có thể co chân mà nằm. Không biết đã mấy trăm ngày rồi anh Tờ ngồi vừa ngắm lá rơi vừa mỉm cười ngờ nghệch qua dãy song sắt hoen rỉ ấy?

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngồi ở nhà, người dân Huế vẫn được cấp phiếu lý lịch tư pháp

THỪA THIÊN - HUẾ Từ ngày 22/4, người dân Huế có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 sẽ thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh VneID.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm