| Hotline: 0983.970.780

Đành thôi, muộn quá rồi, đúng không?

Thứ Sáu 09/11/2018 , 06:50 (GMT+7)

Một điều mà tôi muốn các bậc bố mẹ từ kinh nghiệm của chúng tôi là đừng nên quá bao biện cưng chiều con cái. Nhà tôi được nuôi như trứng mỏng, đến con gái vợ tôi cũng cái kiểu nuôi ấy nên nó đã hai con mà yếu, kém, dở như là một nữ sinh...

Chị kính mến!

Từ khi vợ tôi ngồi xe lăn, lúc rảnh rỗi, tôi thư giãn bằng lướt báo mạng và hay đọc chị. Thực sự tầm tuổi tôi cũng không xin tư vấn điều gì, chỉ tâm sự với một người mà mình xem bạn vậy thôi chị ạ. Chị thông cảm cho tôi chứ?

Tôi người miền Bắc xuôi Nam vì công việc sau năm 75. Mười năm sau tôi cưới vợ. Cô ấy cũng gốc Bắc nhưng di cư, con gái út của một ông bố học hành bằng cấp giỏi, cưng vợ cưng con. Nghĩ cũng một gốc, chính kiến có khác thì văn hóa giống nhau, sẽ hợp. Mà cũng hợp thật, vợ tôi cũng học giỏi, có công việc tốt. Và hai đứa con ra đời.

Con trai tôi học rất giỏi, được các dì ở bên kia nhận chăm sóc, nó đi sớm và học hành thành đạt, gia đình riêng đâu vào đấy. Chúng tôi giữ con gái lại, gả chồng, bắt rể, xem chăm cháu ngoại là niềm vui lớn. Cuộc sống tưởng êm đềm mãi, không ngờ vợ tôi bị đột quỵ ngay lần đầu đã liệt nửa người, may phát hiện sớm, cứu kịp. Khi ấy mới thấy con gái được cưng chiều như mẹ nó ngày xưa, tiểu thư mà không khuê các, gì cũng tôi và chồng nó. Hiếm có đứa con rể nào như rể nhà tôi, nuôi mẹ, chăm mẹ còn hơn con trai. Mà nào biết con trai chăm ra làm sao, vì nó cũng chỉ về thăm mẹ mỗi một lần đã phải đi vì công việc, hạn visa…

Không biết phụ nữ chăm chồng đau lâu ốm dài ra sao nhưng đàn ông chăm vợ không biết bao giờ mới hết lóng ngóng chị ạ. Ngày lại ngày. Người đến tập, người giúp việc theo giờ nhưng chợ búa cơm nước một tay tôi. Con gái đi làm, lại hay đi nước ngoài, hai đứa cháu ngoại, vợ đi thì đến tay chồng mọi việc cho hai con. Quá bận chị ạ. Nhưng buồn, hiu hắt, không bao giờ có cảnh cùng đi ăn sáng, đi cà phê, đi xem, đi chơi nữa, không bao giờ. Mãi mãi chấm dứt những ngày hạnh phúc rồi sao?

Chỉ có một điều mà tôi muốn các bậc bố mẹ từ kinh nghiệm của chúng tôi là đừng nên quá bao biện cưng chiều con cái. Nhà tôi được nuôi như trứng mỏng, đến con gái vợ tôi cũng cái kiểu nuôi ấy nên nó đã hai con mà yếu, kém, dở như là một nữ sinh. Việc vợ tôi chậm hồi phục cũng do cô ấy chịu đau kém, không cho người ta tập mạnh, không tự tập, không kiên trì, luôn rên ri nhăn nhó, rất bức xúc cho tôi và con rể chị ạ. Nhưng biết làm sao bây giờ hở chị?

-------------------

Bạn thân mến!

Hình dung cảnh nhà của bạn cũng thấy thắt lòng. Đúng bạn ạ, phụ nữ chăm chồng sẽ nhẹ nhàng hơn vì những công việc không tên họ làm quen rồi, họ vất vả nhưng không thấy quá nhọc, do họ nhiều trắc ẩn, giỏi chịu đựng, thức khuya dậy sớm. Nhìn cảnh đàn ông chăm vợ người phụ nữ nào cũng chạnh lòng, việc ấy không dành cho đàn ông. Nhưng không chồng chăm vợ thì ai vào đây. Có con gái giỏi và hiếu lúc này mới thấy nhà có phúc.

Tôi cũng có dịp quan sát vài người đàn ông trong họ chăm vợ đau lâu ốm dài. Rất ngạc nhiên bạn ạ. Rất dịu dàng, rất sạch sẽ. Có người chồng đi trước vợ, vì chồng cực khổ và vợ được chăm tốt quá, khổ vậy chứ. Dù vậy, sự bấp bênh tinh thần đối với người đàn ông khi vợ bệnh nặng là không thể giấu diếm nổi. Vì phụ nữ là bếp lửa, là chỗ dựa khi đàn ông cơ nhỡ yếu đuối, là vòng tay cho chồng con. Khuyết vị trí đó, chao ơi, ngày như đêm, vắng lặng, buồn thảm, vô vọng, đúng là tàn phế cả một gia đình theo di chứng đột quỵ của người nội tướng.

Bạn ạ, con cái là sản phẩm của chúng ta. Vợ của bạn yếu, kém, dở, bạn đã không làm cho cô ấy mạnh mẽ, tháo vát, giỏi giang lên cũng một phần do bạn không khiến cô ấy được như mình mong muốn. Và con gái bạn như mẹ nó, cũng có một phần lỗi của bạn, nó tiểu thư, thôi thì bắt rể để bao biện cho nó chứ. Cứ thế, hai người đàn bà trong nhà, không ra nội tướng, chỗ dựa lại nằm ở phía đàn ông. Đành thôi, muộn quá rồi, đúng không?

Một cô bạn của tôi cũng đột quỵ nhưng hồi phục cực kỳ ngoạn mục. Do con cô ấy còn bé, cô ấy đã tự tập, tự trói tay lành lại để tay yếu làm và cô ấy đã thành công. Bàn tay yếu ấy bình phục, nấu nướng, làm vi tính, mọi việc, chỉ không dám đi xe máy mà thôi. Trong vòng 3 tháng, 6 tháng đầu sau bạo bệnh là thời gian vàng để tập, có lẽ vợ của bạn đã yếu và kém nên để cơ hội ấy trôi qua. Thôi thì, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người một món nợ trần ai, tôi chia sẻ sự cảm thông và chỉ biết chúc bạn tự thư giãn, nhớ thể dục để khỏe mạnh mà cáng đáng tiếp thôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.