| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm lực

Thứ Ba 01/01/2019 , 09:30 (GMT+7)

Cuộc đối thoại giữa nhà báo Trần Cao - Trưởng ban Thời sự - Chính trị - Xã hội, Báo NNVN và bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed Group) phần nào cắt nghĩa những rào cản, những sợi dây trói buộc tiềm lực của nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp hiện nay.

Bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed Group)


Nhà báo Trần Cao: Thưa bà Trần Kim Liên, 2018 này có thể xem là năm rất thành công của ngành nông nghiệp khi đạt cột mốc tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm, giá trị của nhiều ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu nhiều tỷ USD, tiếp tục là những điểm sáng của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tựu chung lại vẫn còn đó những vấn đề nan giải, những tiềm lực còn “ngủ quên”, những “rào cản” khiến đâu đó vẫn còn tình trạng phát triển chưa xứng với tiềm năng... Với tư cách là người đứng đầu của một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, bà nghĩ gì?

Bà Trần Kim Liên: Trước hết, chúng ta hoàn toàn có thể phấn khởi vì thực tế là năm 2018 ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng rất tốt, có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay. Từ lúa gạo, trái cây đến thủy sản... Điều này cho thấy Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT đang đi đúng hướng. Tuy nhiên trong chủ trương đúng này, như anh thấy đấy, ở đâu đó vẫn còn những điều chưa thực sự rõ ràng. Ai cũng nói tái cơ cấu nhưng nhiều người không biết bắt đầu từ đâu.

Theo tôi, vai trò định hướng, vạch ra chiến lược, mục tiêu, đặc biệt về mặt thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu cần phải có.

Vừa rồi tôi có tham dự một diễn đàn quốc tế tại Đài Loan, càng thấm thía vai trò của việc định hướng thị trường quan trọng như thế nào.

Khu NNCNC của Vinaseed ở Hà Nam

Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan họ vẽ nên một bức tranh để các viện nghiên cứu, các công ty giống Đài Loan hướng tới những lĩnh vực có khả năng phát triển. Trước hết Đài Loan xác định, họ không thể có đủ đất để làm lúa gạo, họ phải trồng rau, hoa quả và công nghệ họ sử dụng không phải là tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu quốc nội mà cho thị trường toàn thế giới. Từ mục tiêu đó, họ mời các diễn giả quốc tế, tổng hợp những phân tích để nhằm mục đích đo độ lớn của thị trường. Theo kết quả phân tích của họ, thị trường rau, hoa thế giới hiện khoảng trên 100 tỷ USD. Kèm theo đó là những kết quả cụ thể trong hơn 100 tỷ USD này thì sản phẩm nào đang chiếm ưu thế, quốc gia nào đang chiếm lĩnh thị trường nào và thị trường nào đang còn trống... 

Ví dụ, như trong phân khúc hoa, sau khi có kết quả phân tích, họ định hướng các viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu để chuyển giao công nghệ sản xuất hoa công trình cho các nước nhiệt đới và định hướng các doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực này. Điều này cho thấy chính quyền Đài Loan nắm bắt rất tốt thông tin để định hướng nghiên cứu trong việc phát triển ngành nghề, từ đó kéo doanh nghiệp vào. Tất cả đều xuất phát từ thị trường và vai trò của nhà nước ở đây là định hướng, quy hoạch và hỗ trợ, rất rõ ràng.

Chúng ta đều thấy, ngành lúa gạo, cho đến bây giờ có thể nói rằng tiềm năng năng suất, sản lượng, ứng dụng công nghệ của lúa gạo đã bắt đầu cận ngưỡng rồi. Có nhiều giống lúa đã đạt năng suất 9 tấn/ha/vụ. Thực tế này, nếu chúng ta cứ chạy theo năng suất mà không tập trung vào chất lượng, các yếu tố để xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu thì sẽ dẫn đến tình trạng gặp khó khăn về mặt thị trường. Chúng tôi đang phân tích tổng nhu cầu lúa gạo của cả thế giới và nhận thấy quy mô thị trường nhập khẩu gạo toàn cầu chỉ khoảng 17 tỷ USD. Thị trường cà phê, cao su khoảng 10 tỷ USD, hồ tiêu khoảng 2 tỷ USD...

Nhà báo Trần Cao: Có thể nhận thấy, những bước tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đến từ xuất khẩu, từ những sân chơi quốc tế, thị trường rộng lớn hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn nhưng xu thế cũng khắt khe hơn, khốc liệt hơn. Vậy doanh nghiệp trong ngành cần gì để “đủ sức” tham gia?

Bà Trần Kim Liên: Thế giới bây giờ là một sân chơi mở. Bản thân nhà nước phải có hoạch định quy hoạch vùng sản xuất để tránh tình trạng manh mún, tự phát, hỗn loạn. Không thể để tình trạng cứ thấy khoai lang có giá là đi trồng, có nơi tới mười mấy ngàn hecta xong rồi đổ đi không hết. Cứ như vậy thì mãi mãi chúng ta rơi vào vòng xoáy được mùa mất giá mà thôi.

Ở các nước phát triển, nhà nước quy hoạch vùng sản xuất rất rõ. Ví dụ như ở Úc, bang New South Wales có điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi cho chăn nuôi, họ đặt ngay một viện nghiên cứu ở đó, họ nhập những giống bò tốt nhất để nghiên cứu, chuyển giao giống cỏ... Còn ở những vùng hạn hán thì họ sản xuất lương thực. Hình thức của họ là sản xuất theo chuỗi ngành hàng giá trị và các cơ quan nghiên cứu gắn ngay với chuỗi ngành hàng ở vùng sản xuất, từ đó chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để doanh nghiệp được hưởng.

Hoặc ở Đài Loan, họ hướng đến trở thành trung tâm rau của cả thế giới, họ tận dụng được tất cả các nguồn gen nhằm biến thành đơn vị mạnh nhất để sản xuất giống. Chỉ riêng súp lơ họ đã có 32 giống, có những doanh nghiệp nhỏ của gia đình thôi mỗi năm đã sản xuất 30 tấn giống súp lơ để cung cấp cho vùng nhiệt đới khắp thế giới...

Liên hệ đến Việt Nam, tôi nghĩ rằng trong chương trình tái cấu trúc của ngành Nông nghiệp, đừng quá tham vọng về số lượng, dàn trải, không nhất thiết là mỗi xã một sản phẩm. Chúng ta cũng cần tránh tình trạng độc canh, như tôi vừa nói là lâu nay ta chú ý quá lâu vào thị trường lúa gạo thành ra mất cơ hội của những thị trường tiềm năng khác.

Bản thân Vinaseed Group chúng tôi cũng phải tự thay đổi. Sau khi phân tích thị trường chúng tôi quyết định chuyển chiến lược của tập đoàn tập trung vào rau và hoa. Rau và hoa quả nước ta hiện chỉ có khoảng 1,5 triệu hecta nhưng đang chiếm thị trường rất lớn, đặc biệt là rau quả gắn với chế biến thì nhu cầu rất cao.

Bộ NN-PTNT cần có quy hoạch vùng sản xuất rau, hoa quả theo thế mạnh và trên cơ sở vùng đó có chính sách đầu tư phải lớn tương đương như đầu tư vào lúa gạo. Cần phải tập trung phát triển các ngành hàng còn nhiều dư địa phát triển. Chỉ cần chuyển mấy trăm ngàn ha đất lúa sang rau, hoa quả thì chắc chắn giá trị sẽ tăng lên rất nhiều.

Cái chính nhà nước nên có điều tra, phân tích và định hướng trong chỉ đạo, dự tính, dự báo thị trường. Ví dụ như vùng khô hạn ở Bình Thuận, quy hoạch trồng cây thanh long là rất ổn rồi, nhưng sắp tới là nho, dưa nữa thì nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ để cho doanh nghiệp vào, và có xúc tiến thương mại cho ngành hàng đó.

Dưa lưới Nhật tiêu chuẩn GlobalGAP của Vinaseed Group

Hay như ở Tây Nguyên. Nếu xác định thế mạnh của vùng ngoài cà phê còn chuối, chanh leo... thì phải quy hoạch rõ ràng, sau đó có chính sách kéo doanh nghiệp chế biến vào và hỗ trợ bằng chính sách tín dụng. Tất cả phải được tiến hành đồng bộ và như đã nói đừng tham vọng quá mức mà hãy xác định một số chuỗi giá trị có tiềm năng, phù hợp với điều kiện của nước mình để tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Muốn kéo được doanh nghiệp vào thì điều đầu tiên phải tạo ra một thiết chế đủ hấp dẫn. Tổng kết của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì có 7% (khoảng 7.000) doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực chất chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp là làm thực sự. Nhà nước phải có chính sách để hỗ trợ tín dụng, đặc biệt là chính sách bảo vệ rủi ro cho doanh nghiệp.

Với gói vay 100.000 tỷ, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vì lãi suất lúc đầu 10% bây giờ 11%, chịu làm sao được. Chúng tôi đầu tư một dự án phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL khoảng 260 tỷ, vay vốn toàn bị thả nổi theo lãi suất. Thời hạn vay 5 năm mà thả nổi theo lãi suất đến lúc thành 15 - 16% thì phải làm sao. Bằng chứng là có doanh nghiệp lớn trong ngành đầu tư ồ ạt rồi cuối cùng phải bán công ty vì không hiệu quả.

Rồi bảo hiểm nông nghiệp nữa. Hiện nay chúng ta đã có nghị định về bảo hiểm nông nghiệp nhưng việc triển khai thực tế hạn chế và rất mông lung.

Nhà báo Trần Cao: Lại là vai trò của nhà nước?

Bà Trần Kim Liên: Đúng! Vai trò của nhà nước còn là đầu tư hạ tầng. Như Đài Loan, đường ra đồng thăm lúa được trải nhựa hết. Na quả to như thế mà từ vườn ra chợ chẳng bị thâm tí nào vì đường không xóc. Tôi nghĩ, nhà nước phải đầu tư cơ sở vật chất cho hạ tầng nông thôn mới khuyến khích doanh nghiệp vào được.

Nói thế không có nghĩa là trách nhiệm hoàn toàn của nhà nước. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tự đầu tư. Đầu tư hệ thống bảo quản, chế biến... Nói chung là cần phải hoàn thiện hạ tầng bởi nó vô cùng cần thiết.

Và nhà nước cần điều chỉnh chính sách tín dụng giúp doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất, chế biến, bảo quản. Bởi thực tế hiện tại chính sách tín dụng còn bất cập. Ví dụ như văn bản nói nếu doanh nghiệp xây dựng kho bảo quản, máy cấy, máy cày... thì sẽ được miễn lãi suất trong vòng 2 - 3 năm, rồi thời hạn vay vốn 5 năm, ân hạn các thứ. Nhưng khi tiếp cận thì ngân hàng bảo không, phải theo lãi suất ngân hàng chứ. Tức là nhà nước đưa chính sách ra nhưng việc thực hiện lại có vấn đề. Chính sách tín dụng của nhà nước phải thực sự đủ mạnh thì mới tạo ra sự lan tỏa lớn thu hút doanh nghiệp được.

Nhà báo Trần Cao: Nhiều ý kiến cho rằng ngành trồng trọt, chế biến rau, hoa quả được đánh giá là một trong những ngành hứa hẹn nhất của nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) chế biến rau quả chỉ chiếm 2,19% số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nói cách khác, đây là một lĩnh vực có tiềm lực rất lớn nhưng phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng. Được biết, Vinaseed là doanh nghiệp đã có những chiến lược “chuyển hướng” tập trung lĩnh vực này?

Bà Trần Kim Liên: Tôi nghĩ rau, hoa quả Việt Nam rất lợi thế, đặc biệt là rau vụ đông. Bởi nước ta, ngoài khí hậu nhiệt đới thì còn có vùng ôn đới và khí hậu lạnh vào mùa đông ở phía Bắc. Nó giống như một cái tủ lạnh khổng lồ, chẳng cần nhà kính, nhà lưới gì cả. Đó là một lợi thế rất lớn mà không nhiều quốc gia có được.

16-53-45-dsc-187516590936
Sản xuất dưa lưới Nhật tiêu chuẩn GlobalGAP tại Hanam Hitech - đơn vị thành viên của Tập đoàn Vinaseed Group

Ví dụ, đi sang Hà Lan, từ giờ đến tháng 4 năm sau, toàn bộ hành tây phải để tuyết phủ ngay trên ruộng, ăn đến đâu móc lên đến đó. Hay miền Bắc Trung Quốc, từ tháng 10 bắt đầu lạnh sâu đến tháng 4, không thể trồng cấy gì được. Ở vùng Chiết Giang họ phải làm nhà theo kiểu đắp tường đất để trồng rau, chi phí rất lớn.

Từ đó có thể thấy, thế mạnh của rau Việt Nam phải là rau ôn đới bởi thị trường còn rất rộng lớn, nhiều nước khí hậu khác không có được.

Ví dụ như bây giờ, ngô ngọt xuất khẩu đang có thị trường rất lớn, còn nhiều dư địa. Mùa đông ở Trung Quốc không thể làm được, nếu mình phát triển thành công nghiệp chế biến, đóng hộp, đông lạnh thì rất tốt. Hay dưa chuột của mình có thể làm dưa chuột muối xuất đi Nhật, châu Âu với số lượng rất lớn vì họ cần. Bằng chứng là rất nhiều lần Vinaseed không thể mua đủ nguyên liệu khoai lang Nhật, ớt chuông để phục vụ cho các nhà máy sấy rau, hoa quả xuất đi Nhật. Và rất nhiều loại rau quả khác...

Lợi thế về hoa của Việt Nam cũng vậy. Chúng tôi đang bán 1 cành cúc sang Nhật với giá trên 10.000 đồng, mỗi năm cần mấy triệu cành, còn thị trường Hàn Quốc thì không có mà bán, quan trọng là sản phẩm của mình phải đủ tiêu chuẩn.

Bà Liên cho rằng thế mạnh của rau Việt Nam phải là rau ôn đới bởi thị trường còn rất rộng lớn, nhiều nước khí hậu khác không có được.

Vinaseed đang hợp tác với Nhật trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất giống hoa nhiệt đới và sản xuất rau ở Lâm Đồng. Chúng tôi cũng có kế hoạch chi 150 tỷ để mua một công ty rau, từ đó làm nòng cốt để đưa các giống rau vào, thay thế nguồn nhập khẩu. Thứ nữa là xây dựng chuỗi hoàn chỉnh quy mô lớn ngành hàng lúa gạo xuất khẩu, nhằm vào phân khúc gạo cao cấp trên thị trường. Ứng dụng tự động hóa, công nghệ khép kín từ khâu giống, thu hoạch, bảo quản bằng siro lạnh.

Tổng đầu tư trong năm 2019 của Vinaseed sẽ khoảng 400 tỷ để đầu tư nghiên cứu phát triển thị trường rau quả, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật để hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín lúa gạo chất lượng cao tại ĐBSCL hoàn toàn bằng công nghệ tiên tiến tự động hóa trên cơ sở mô hình hợp tác xã và tích tụ ruộng đất. Tập đoàn cũng sẽ thành lập viện nghiên cứu cây trồng trên cơ sở hợp nhất 3 trung tâm nghiên cứu. Lần đầu tiên, chúng tôi hợp tác với Đài Loan để xây dựng vùng sản xuất giống ngô ngọt F1, biến đây trở thành một trung tâm cung cấp giống ngô ngọt trong và ngoài nước.

Nhà báo Trần Cao: Nói như thế có nghĩa là KHCN, thậm chí là chính sách cũng là những “tiềm lực” cần phải đánh thức?

Bà Trần Kim Liên: Tôi vừa dự một số hội thảo quốc tế về xong mà cứ vừa lo, vừa buồn. Nông dân mình rất sáng tạo, nhưng tại sao doanh nghiệp không mặn mà? Bởi vì nếu không chuyển giao công nghệ thì rất khó để phát triển. Thực tế cho thấy, sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế. Nếu thống kê về mặt số lượng thì chắc chắn sẽ là điều đáng lo ngại.

Một dòng sản phẩm gạo cao cấp của Vinaseed Group

Hạn chế công nghệ về giống, công nghệ sau thu hoạch và công nghệ chế biến... Muốn để cho nông nghiệp cất cánh thì dứt khoát phải tập trung vào khoa học công nghệ. Bởi, chính KHCN là đòn bẩy mang tính chất quyết định chứ không phải là thứ gì khác. Và KHCN bây giờ không phải đơn giản là tạo ra giống bởi vì đây đã là thời đại các giống được dán nhãn và công khai hàm lượng dinh dưỡng rồi, quốc tế hóa rồi. Các quốc gia đã đi vào sản xuất lương thực dinh dưỡng ở một trình độ rất cao. Trong khi đó chúng ta vẫn cứ chạy theo năng suất, đuổi theo thực tiễn. Trước đây chúng ta không quan tâm đến các giống biến đổi khí hậu, nhưng bây giờ nó ập đến thì chúng ta mới chạy đi nghiên cứu, thực tế cho thấy độ trễ của KHCN là rất lớn.

Vấn đề chính của nghiên cứu khoa học là nguồn gen, kiến thức nền, hợp tác quốc tế, nếu không đổi mới phương thức quản lý thì rất khó khăn. Thiết bị lạc hậu, đầu tư nhỏ giọt, ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống thì hạn chế. Chúng ta là những nước đi sau có thể được hưởng lợi từ nước đi trước nhưng ứng dụng không được là bao. Ví dụ như Úc, họ không trực tiếp tạo ra các giống mà phần đa là các giống nhập nội, sau đó họ cải tiến, chọn lọc ra các giống tiến bộ để thâu nhận hết các tiến bộ của thế giới. Tức là mình phải có chiến lược đi tắt đón đầu, tuy nhiên điều này đang rất hạn chế, về mặt công nghệ, năng suất chất lượng sản phẩm và công nghệ về giống.

Nhà báo Trần Cao: Xin cảm ơn bà!

Nông dân đang cần gì?

Khi chúng tôi đặt vấn đề, ngoài chuyện chính sách, định hướng vĩ mô và vai trò của nhà nước, hay chuyện nghiên cứu khoa học của các viện, các trường, người nông dân sẽ gia nhập thị trường toàn cầu và khơi dậy tiềm lực của họ thế nào, bà Trần Kim Liên nhận định:

"Để tham gia vào WTO thì mỗi nông dân Việt Nam phải hội tụ đủ rất nhiều tiêu chí. Thứ nhất là phải có khối lượng sản phẩm đủ lớn và đồng đều về mặt chất lượng. Vì không đủ lớn thì không thể chủ động được. Muốn như vậy thì không thể để đất đai manh mún, nhỏ lẻ. Thứ hai, khi đã tham gia sân chơi toàn cầu thì trình độ của người nông dân phải được nâng lên một tầm cao mới. Trình độ đủ để sản xuất theo những tiêu chuẩn, chuẩn mực của thế giới như thực hành quy trình VietGAP, GlobalGAP, và phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm... Thứ ba, WTO là sân chơi sòng phẳng, tất cả các quốc gia đều được tự do mua bán. Tuy nhiên mỗi một quốc gia lại có hàng rào về mặt kỹ thuật, đặc biệt là hàng rào thuốc BVTV. Những việc đó làm sao nông dân biết được. Bởi vậy rất cần có các chính sách đào tạo lao động nông thôn".

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất