| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức U Minh

Thứ Tư 25/04/2012 , 10:43 (GMT+7)

U Minh là vùng đất cách mạng, có rất nhiều tiềm năng đang chờ đón những bàn tay và khối óc của con người khai phá. Nhiều dự án trồng rừng đã và đang đánh thức vùng đất rộng lớn này.

U Minh là vùng đất cách mạng, có rất nhiều tiềm năng đang chờ đón những bàn tay và khối óc của con người khai phá. Nhiều dự án trồng rừng đã và đang đánh thức vùng đất rộng lớn này. 


Một góc rừng U Minh hiện nay

U Minh nằm ở cực Nam của Tổ quốc, với diện tích gần 2.000 km2, trải dài từ sông Đốc (Cà Mau) cho đến sông Cái Lớn (Kiên Giang). Dòng sông Trẹm chảy qua giống như nhát cắt của tạo hóa chia rừng U Minh thành hai phần. Phần thượng thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang, phần hạ thuộc tỉnh Cà Mau.

Trước đây, U Minh là một khu rừng hoang sơ, nhiều thú dữ, đi lại chỉ có xuồng. Trong những năm chiến tranh, rừng U Minh là nơi lý tưởng để hoạt động cách mạng. Ông Tư Trượng (Lê Văn Trượng), ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), người đã gắn bó cả cuộc đời với U Minh kể: “Ngày xưa rừng U Minh hoang sơ lắm, ngoài cây tràm còn có nhiều loại cây, dây leo dày đặc. Lúc nào trời cũng u u, minh minh, mờ ảo, không sáng không tối. Dưới tán rừng U Minh là nơi sinh sống của cọp, heo rừng, khỉ, cá sấu, kỳ đà, trăn, rùa, rắn... Còn chim, cá thì nhiều vô kể”. 

Nhà Tư Trượng ở giữa rừng U Minh, chỉ bước chân ra khỏi nhà là đã lọt vào rừng. Chi bộ Đảng đầu tiên của Vĩnh Thuận cũng được thành lập nơi này. Trải qua thời gian rừng dần bị bó hẹp, nhường chỗ cho các khu dân cư, ruộng lúa, vuông tôm, rẫy mía phát triển…


Ông Tư Trượng bên diện tích rừng tràm ít ỏi còn lại trước nhà

Giá trị kinh tế thấp, nhiều người đã phá bỏ rừng tràm nhưng Tư Trượng vẫn giữ lại ngay trước nhà gần 1ha tràm. “Biết là cây tràm hiện không còn giá trị nhiều nhưng ráng giữ lại một ít cho đỡ nhớ rừng. Những người đã nhiều năm gắn bó với rừng như tui coi rừng như một phần máu thịt của mình. Thấy cảnh phá rừng là đau xót lắm, nhưng vì điều kiện kinh tế biết làm sao được”. Tư Trượng trải lòng.

Chia tay Tư Trượng, tôi chạy xe dọc con đường giao thông nông thôn ven dòng sông Trẹm xuyên qua rừng U Minh. Tìm mãi mới gặp ông Nguyễn Trường Giang (Ba Giang) ở TP Cà Mau. Là một người nặng lòng với rừng, Ba Giang tâm sự: “Tui sinh ra và lớn lên ở vùng đất rừng U Minh, năm 1971, khi mới 13 tuổi tui đã xuyên rừng đi làm giao liên. Rồi được học làm lính đặc công cũng chiến đấu ở trong rừng. Giặc Mỹ từng rải chất độc hóa học để tàn phá rừng U Minh nhưng nó vẫn sống, rừng vẫn phát triển cho đến ngày nay”.

Vừa kể giọng Ba Giang vừa trăn trở, bởi: Trong những năm chiến tranh chúng ta đã biết phát huy lợi thế của rừng để làm chỗ dựa chiến đấu, với những chiến công vang dội, được cả thế giới biết đến. Thế nhưng thời bình lại chưa phát huy được vai trò của rừng để phát triển kinh tế. Cách giữ rừng của chúng ta hiện nay là cố gắng khỏi cháy rừng, mất đất rừng, chứ chưa làm cho rừng phát triển lên. Vì vậy, mà rừng ngày càng nghèo kiệt.

Hiện nay, ngoại trừ hai khu vực là Vườn quốc gia U Minh Thượng và U Minh Hạ, mỗi vườn có diện tích khoảng 8.000 ha vẫn còn giữ được những yếu tố nguyên sinh của rừng tràm ngập nước, còn lại phần lớn diện tích rừng U Minh đã được chuyển đổi thành rừng sản xuất hoặc đất nông nghiệp và được giao khoán cho các Cty, lâm trường và các hộ dân dân quản lý, khai thác. Phần lớn người dân bám rừng đời sống vẫn còn khó khăn, nghèo đói.

Nhiều người cho rằng U Minh là rừng tràm ngập nước, cây tràm lại đang bị thất sủng, chỉ có làm củi, hầm than thì làm sao người dân giàu lên được từ rừng. Những người như Ba Giang lại nghĩ khác: Tài nguyên rừng U Minh là rất phong phú vậy mà người dân gắn bó với rừng mấy chục năm vẫn nghèo là do cách làm chưa hiệu quả. Sau khi rời khỏi quân đội, tui ra làm Cty xuất nhập khẩu – Thương mại Độc Lập nên có dịp đi nhiều nơi. Tui thấy người ta làm kinh tế rừng rất giàu, còn dân mình có rừng mà bao đời nay vẫn nghèo.  

Trước đây, khi cây tràm còn có giá trị do được sử dụng nhiều làm cừ xây nhà, mỗi ha rừng tràm có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng cho mỗi chu kỳ thu hoạch. Ngoài ra, người dân còn thu được các sản vật khác từ rừng như mật ong, cá đồng…


Người dân U Minh gác kèo bắt ong mật

Cuộc sống chưa phải khá giả gì nhưng cũng sống được. Nhưng hiện nay, cây tràm không còn giá trị cao nữa thì mình phải biết chuyển đổi, trồng những loại cây khác có giá trị hơn.

Năm 2008, Ba Giang quyết định tạm giao lại công việc kinh doanh cho người khác để đi trồng rừng ở nơi mình từng chiến đấu ngày xưa. Ông mạnh dạn đầu tư cả chục tỷ đồng để lập dự án trồng rừng trên diện tích 2.181 ha ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau).

“Rừng U Minh tuy là vùng phèn rất nặng, nhưng nếu được lên liếp trồng rừng lại rất tốt, nhất là trồng cây keo lai và tràm bông vàng. Quá trình trồng thử nghiệm cho thấy cây keo lai phát triển rất tốt trên đất rừng U Minh. Nếu trồng đúng kỹ thuật, một ha keo lai có thể cho thu hoạch khoảng 400 m3 gỗ/chu kỳ 5 năm. Giá bán hiện nay là 4 triệu đồng/m3, doanh thu 1,6 tỷ đồng. Thế nhưng, trong dự án tôi chỉ đặt mục tiêu đạt 500 triệu đồng/ha, tức là đạt mức 100 triệu đồng/ha/năm”, Ba Giang cho biết.

Dự án của Ba Giang không xáo trộn dân cư tại chỗ mà đào tạo họ thành công nhân. Mỗi hộ được giao khoán diện tích vài chục ha rừng để chăm sóc. Xây dựng nhà máy thu mua, chế biến gỗ xuất khẩu để thu hút lao động địa phương. 

Ba Giang tính toán: “Kết thúc một chu kỳ rừng (5 năm), những hộ nhận khoán sẽ được hưởng 5% tổng doanh thu từ bán gỗ. Với giá như hiện nay thì có thể bỏ túi tiền tỷ. Đó là chu kỳ đầu, còn chu kỳ thứ 2 sẽ là 10% do khâu đầu tư ít hơn. Ngoài ra, chưa kể họ còn được thu nhập các sản phẩm khác từ rừng như mật ong, cá đồng…. trong suốt những năm đó. Vậy thì chắc chắn người dân bám rừng sẽ giàu chứ không thể nghèo kiết xác như hiện nay”.

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, ngoài các lâm trường, hiện nay còn có nhiều doanh nghiệp đang xin thuê đất rừng sản xuất để trồng cây keo lai với tổng diện tích khoảng 6.000ha, chủ yếu tập trung ở vùng U Minh Hạ. So với cây tràm truyền thống thì cây keo lai có nhiều ưu thế hơn do phát triển nhanh, chu kỳ khai thác chỉ 5-6 năm.  

Các dự án trồng rừng nguyên liệu, nhất là trồng cây keo lai đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho đất rừng U Minh. Nếu được đầu tư bài bản, rừng keo lai không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn phủ xanh những diện tích rừng tràm đã bị suy thoái, tạo thành là chắn xanh góp phần chống lại tác động của biến đổi khí hậu.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.