| Hotline: 0983.970.780

Đạo đức, liêm sỉ cán bộ không phải bề ngoài hào nhoáng, mà là nhân cách

Thứ Hai 29/06/2020 , 14:30 (GMT+7)

Đối thoại trên NNVN, TS Vũ Phạm Quyết Thắng nói, cần phải có những giải pháp căn cơ, bởi tham nhũng, chạy chức chạy quyền rất khó dẹp bỏ.

Tiến sĩ Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tiến sĩ Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Phạm Hiếu.

Từ những vụ việc, những vấn đề nhức nhối trong bộ máy hành chính như chạy chức chạy quyền, tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ..., Tiến sĩ Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đạo đức, liêm sỉ, phẩm hạnh của công chức, viên chức, những người thực thi công vụ…

Khi hầu hết chúng ta đều đứng trên mặt đất và cho rằng mình cao hơn người khác...

Chúng tôi muốn bắt đầu câu chuyện từ những hiện tượng có một số người nghỉ việc Nhà nước, những mong luận bàn về môi trường làm việc của công chức, viên chức, những người thực thi công vụ đang có những vấn đề còn tồn tại.

Nhưng nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Vũ Phạm Quyết Thắng lại cho rằng hiện tượng đó “không đáng bàn”.

Ông chỉ kể một câu chuyện thế này: “Năm nay tôi đã 74 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in câu chuyện cách đây 27 năm, khi ấy tôi có ý định xin nghỉ việc Nhà nước. Tôi đem ý định nghỉ việc thưa với chú Mười Hương (ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương), chú Mười Hương đã nói với tôi: “Có hai lý do cậu nghỉ việc.

Một là cậu bất mãn kèn cựa địa vị không được nên mới xin nghỉ. Hai là cậu dốt, không làm được việc nên cậu bị người ta đuổi.

Còn nếu không phải vì hai lý do đấy thì cậu phải tiếp tục làm việc và phải làm thật tốt, phải có trách nhiệm với xã hội, với cơ quan và trách nhiệm với bản thân, gia đình mình...”.

Nhờ câu nói đó tôi tiếp tục công tác, tiếp tục làm “người Nhà nước” thêm gần 14 năm nữa, đến tận lúc nghỉ hưu. Ngày chuẩn bị nghỉ, tôi lại đến gặp ông Mười Hương, nói với ông: Thưa chú, bây giờ thì con đến tuổi nghỉ hưu rồi. Ông già cười rất độ lượng, hóm hỉnh, nheo mắt hất hàm hỏi tôi: “Sao không xin làm việc tiếp nữa đi?”.

Với tôi, đấy là con người có đầy đủ căn cơ, đạo đức, tư duy để dạy những người khác về cuộc sống. Câu nói của ông giúp tôi nhận ra rằng: Là một công dân thì có quyền làm việc này hoặc không, nhưng đã là một công chức thì phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với cơ quan, công việc, phải có nghĩa vụ với nơi mình làm việc bằng trách nhiệm, bằng tình cảm và ý thức của mình với xã hội. Không thể có chuyện cứ muốn nghỉ là nghỉ được.

Nhưng thưa ông, cũng có những ý kiến cho rằng, đang có những hạn chế, những thói hư tật xấu trong môi trường làm việc Nhà nước ở nhiều cơ quan đã triệt tiêu những đấu tranh, phản biện, đã khiến con người ta phải thay đổi, phải “gù lưng” để thích nghi với nó, thậm chí là đồng lõa với cái xấu. Và ở một khía cạnh khác, những vấn đề này cũng gây cản trở trong việc lựa chọn người tài vào bộ máy, ông nghĩ sao?

Tất nhiên là về phía cơ quan quản lý cũng cần phải có những sự nhìn nhận. Nếu một công chức, viên chức nghỉ việc, cơ quan công quyền phải suy nghĩ hai điều.

Một là thể chế chính sách và những nguyên tắc kỷ luật của cơ quan đó quá lỏng lẻo để họ tự ý nghỉ việc mà không việc gì, không bị xử lý.

Hai là cách cư xử của cơ quan công quyền với người cán bộ đó không đầy đủ đúng đắn về chính sách, chế độ, cách hành xử và sự tôn trọng nhân cách, năng lực của người ta để đến mức người ta phải bỏ việc.

'Đạo đức công vụ nằm ở chỗ anh phải xác định mình là đầy tớ của dân', Tiến sĩ Vũ Phạm Quyết Thắng. Ảnh: Phạm Hiếu.

"Đạo đức công vụ nằm ở chỗ anh phải xác định mình là đầy tớ của dân", Tiến sĩ Vũ Phạm Quyết Thắng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong cuộc cải cách hành chính chúng ta phải làm hai việc lớn. Một là “ép” tổ chức lại cho nhỏ đi, hợp thức hóa nhiều bộ phận để có thể một người làm nhiều việc.

Thực tiễn đó sẽ khiến nhiều người dôi dư, những người đó cơ quan công quyền vận động người ta tự thu xếp công việc nếu họ có thể, hoặc giúp họ sắp xếp công việc tương thích với công việc họ đang làm để giảm thiểu sức nặng của bộ máy hành chính. Đấy là điều cần thiết.

"Đạo đức công vụ nằm ở chỗ anh phải xác định mình đang là đầy tớ của nhân dân, công bộc của dân. Đấy là nhân cách đạo đức của người công chức".

Tiến sĩ Vũ Phạm Quyết Thắng.

Thứ hai, đối với những người vì lý do vi phạm đạo đức, pháp luật thì trước khi xử lý họ về mặt kỷ luật phải xem xét đầy đủ thể chế chính sách chế độ cho họ và xử lý họ đúng theo thể chế, quy định của nhà nước với một công chức vi phạm những chính sách quy định của nhà nước về luật lao động.

Cho nên nếu một người nào đó xin nghỉ việc thì cá nhân tôi nghĩ là không cần quan tâm nhưng phải quan tâm tổ chức làm gì để họ phải nghỉ việc, chúng ta xử sự thế nào, có vướng gì không hay là do họ.

Còn vấn đề các rào cản như chúng ta đề cập đang gây ra những khó khăn trong việc lựa chọn người tài, tôi nghĩ là đúng. Những người trong các cơ quan làm công tác tổ chức cần phải suy nghĩ điều đó.

Trên thực tế trong nhiều năm chúng ta không làm tốt công tác tổ chức cán bộ từ cơ sở, chúng ta thiếu bước tạo nguồn cán bộ từ cơ sở và gần đây các bước tạo nguồn cũng chưa phải là cơ bản.

Trong một bài viết mới đây, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ rằng, “tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn”. Theo ông, liệu trong một môi trường “thiếu dũng khí” như thế cũng là điều khiến cho những người tài chán nản, thậm chí bỏ đi?

Tôi từ chối trả lời câu hỏi này. Bởi thực ra câu hỏi của anh đã là câu trả lời rồi.

Nhân đề cập đến công tác cán bộ, thưa ông, Đảng và Nhà nước đã và đang đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, điều đó cho thấy, ở một khía cạnh nào đó, suốt một thời gian dài, những vấn đề về công tác cán bộ đã tạo ra những hệ lụy nhức nhối trong xã hội. Công tác cán bộ trở thành vấn đề cốt lõi để chống tham ô, tham nhũng, chống chạy chức, chạy quyền… Ông nghĩ gì về công tác cán bộ, về đạo đức công vụ hiện nay?

Đúng là có những hệ lụy từ công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng cán bộ, đào tạo cán bộ chưa thực sự bài bản, chuẩn chỉ.

Tôi biết có những anh cán bộ được tuyển dụng vào làm đến các chức vụ lãnh đạo nhưng vẫn không biết làm cái biên bản. Có những người lãnh đạo mà con đường đi lên của họ không được anh em trong cơ quan đồng tình, nhưng vì sức ép từ một thế lực nào đó mà họ vẫn được bổ nhiệm.

Công tác tổ chức cán bộ của chúng ta không phải đều tốt cả đâu, vẫn còn có nhiều lỗ hổng mang tính lỗi hệ thống như nhiều người đã nói. Khó ở chỗ chúng ta chưa có một trình tự bài bản, cụ thể.

Khi tất cả chúng ta đều đứng trên mặt đất và đều cho rằng chúng ta cao hơn người khác, từ trên xuống dưới không được đào tạo bài bản, không có một trình tự xây dựng cán bộ cụ thể thì không có người nào có thể nói hay được. Đó có thể chỉ là câu chuyện chúng ta cầm tóc mình kéo lên để cao hơn người khác mà thôi.

Cho nên, căn cơ của công tác cán bộ, đạo đức công vụ vẫn là giáo dục. Đặc biệt là giáo dục gia đình. “Anh không thể hư được, không thể cầm tiền người khác được bởi vì anh xuất thân trong một gia đình có nề nếp, có giáo dục..., truyền thống gia đình…, sẽ không cho phép anh làm những việc như thế được.”

Cụ nội tôi là Tam Nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm có nói một câu trong bài "Văn sách thi đình" gửi vua rằng: Thần xin bệ hạ khuyên các quan đừng coi dân là cá thịt. Cụ hàm ý, nếu coi dân là cá thịt thì quan xơi hết dân.

Đạo đức tư cách của một công chức, liêm sỉ của một công chức chính là ở chỗ phải biết mình là ai? Ăn cái gì? Làm cái gì? Sự liêm sỉ của cán bộ không phải là bề ngoài hào nhoáng, quần cao áo rộng mà là nhân cách con người.

Nhân cách biểu hiện trước hết là ứng xử với mọi người, với đồng nghiệp, bạn bè, cộng sự... Là sự tôn trọng luật pháp, tôn trọng tình bằng hữu, liêm sỉ trong cách nhìn nhận đồng chí...

Những hành vi nói xấu sau lưng, ném đá giấu tay là những thói xấu vô cùng tệ hại của những công chức đớn hèn nhất trong xã hội.

Một công chức cũng là một công dân. Là công dân anh có quyền làm và nghỉ việc ở bất cứ đâu theo anh muốn nhưng là một công chức anh có nghĩa vụ với dân với nước với chính quyền nơi anh công tác.

Anh không có quyền nghỉ việc một cách tùy tiện, vô kỉ luật, không đếm xỉa đến nghĩa vụ và trách nhiệm mà anh đang đảm nhiệm. Nếu là Đảng viên thì nghĩa vụ đó còn lớn hơn nhiều. Đó là nghĩa vụ với Đảng, với tổ chức chính trị xã hội mà anh đang sinh hoạt.

“Đừng nghĩ tham nhũng chỉ là tiền bạc, tham nhũng chính trị mới quan trọng, chạy chức chạy quyền mới là những loại tham nhũng khủng khiếp, những loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm”, Tiến sĩ Vũ Phạm Quyết Thắng.

Như chiếc đồng hồ, không có dầu cũng chết, nhiều dầu quá cũng chết

Thưa ông, có thể thấy rằng, một trong những tồn tại trong công tác cán bộ đã nảy sinh ra các hệ lụy về  vấn đề tham ô, tham nhũng, thậm chí là ngay trong những cơ quan chống tham nhũng, cơ quan hành pháp, tư pháp, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Tôi xin không bình luận nhiều vì mình không ở trong hoàn cảnh cụ thể. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không bao giờ hết chạy chức chạy quyền cũng như không bao giờ hết vụ việc tham nhũng được.

Vì đó là những vấn đề xã hội nào cũng có, ít hoặc nhiều thôi. Ít thì ta phải chấp nhận. Sự tồn tại của nó là quy luật muôn đời trong xã hội. Nhưng nhiều thì có họa làm rối loạn xã hội, vì thế phải chống thôi.

Tôi là người tham gia soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, tôi cũng đã khẳng định rằng, chúng ta chỉ có thể hạn chế tham nhũng xuống mức tối thiểu mà chúng ta mong muốn chứ không thể xóa bỏ hiện thực này.

Bởi thực tiễn xã hội nó giống như động cơ của một chiếc đồng hồ. Không có dầu không chạy được nhưng quá nhiều dầu cũng chết. Xã hội là thế.

Chạy chức chạy quyền cũng vậy. Chúng ta có chống được chạy chức chạy quyền không? Tôi nghĩ là chỉ có hạn chế thôi, chỉ có chuyện ít hoặc nhiều thôi. Bởi vì xã hội có nhiều con người, có nhiều ý tưởng, nhiều mong muốn, nhiều quyền lợi khác nhau... Làm sao có thể bịt hết được.

Chúng ta chỉ có thể chống ở chỗ này, chỗ kia. Trong khuôn hình của tổ chức chính trị xã hội, Đảng chúng ta có thể là một môi trường “thuần khiết”, còn trong xã hội thì khác.

Vì vậy, vấn đề là cần phải tổ chức cán bộ sao cho tốt để sàng lọc cán bộ cho tốt và đấu tranh chống những sai phạm của cán bộ trong khi thi hành công vụ, đặc biệt là vấn đề kinh tế và vấn đề lạm dụng chức vụ quyền hạn để thay đổi chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đấu tranh chống tham nhũng thực tế là một bộ phận của cuộc đấu tranh để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của mình, xây dựng đội ngũ cán bộ tốt hơn chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính, tiền bạc mà đằng sau nó là một chuỗi các sự kiện chính trị xã hội mà người công chức đảm nhiệm cho xã hội. Đấy mới là điều quan trọng, cần phải lưu ý.

Nếu đấu tranh chống tham nhũng chỉ để giải quyết vấn đề kinh tế thôi thì nó quá đơn giản, xong là xong. Nhưng cái tổn hại lớn nhất của nó là vấn đề cán bộ, nhân cách của con người đó trong tổ chức chính quyền với nhân dân - điều này quan trọng nhất.

Khi còn công tác trong cơ quan thanh tra, tôi đã trực tiếp tham gia làm rõ các vấn đề tiêu cực trong vụ bán muối I-ốt trợ giá cho người dân miền núi.

Tiêu cực rõ ràng nhất trong vụ đó là lợi dụng mức chênh lệch trợ giá giữa miền núi và miền xuôi nên họ đã chở muối đi nửa đường xong lại quay về bán cho người thành phố để lấy lời.

Tôi đã làm rất căng, vì vấn đề không phải ở chỗ họ kiếm lời nữa mà điều tệ hại nhất tôi nghĩ đến là họ đã vi phạm vào chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước với đồng bào miền núi.

Có thể thấy rằng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, loại bỏ những vấn đề tồn tại trong bộ máy đang hết sức cam go, quyết liệt, cũng có ý kiến cho rằng, đang có những hạn chế, ông nghĩ gì về thực trạng này?

Vì chúng ta chưa phát động được toàn dân. Chúng ta thử hỏi, đã mấy vụ việc tham nhũng được những cơ quan công quyền phát hiện? Chưa nhiều đâu. Hầu hết vẫn đang xuất phát từ nguồn tin từ nhân dân, từ dư luận quần chúng phản ánh mà ra cả đấy chứ.

Như vậy vai trò của cơ quan tổ chức công quyền trong vấn đề tiếp cận thông tin, xử lý vẫn còn thấp, vẫn còn làm được ít, đành rằng có trong tay bộ máy pháp luật.

Tức là giám sát quyền lực, dù đã rất nhiều cách nhưng vẫn chưa thực hiện triệt để, thưa ông?

Đúng thế. Vai trò quyền lực của cơ quan giám sát, năng lực của cán bộ thực thi công vụ vẫn còn thấp, chưa được coi trọng. Như vai trò Hội đồng nhân dân các cấp chẳng hạn.

Thử để ý mà xem, có nhiều ông đang làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân mà được phân công sang làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thì sung sướng lắm, còn ở chiều ngược lại "buồn như chấu cắn".

Vì sao vậy? Vì vai trò giám sát ở Hội đồng Nhân dân các cấp không có thực quyền, vẫn chỉ là hình thức thôi.

Theo ông, giải pháp căn cơ để chúng ta có một bộ máy tốt hơn là gì?

Nếu giày không vừa chân thì phải sửa giày. Còn nếu không sửa giày thì phải gọt chân cho vừa giày. Phải chọn một trong hai. Một là đào thải công chức để môi trường phù hợp như mong muốn, hai là cải tổ môi trường để công chức làm việc tốt hơn.

Tôi nghĩ rằng cần phải có nghiên cứu tạo ra được cơ chế cho hình thức bầu cử phổ thông, đầu phiếu với các chức sắc trong các cơ quan công quyền, tiến tới trong Đảng cũng nên như thế.

Xin cảm ơn những chia sẻ rất thẳng thắn của ông!

"Vấn đề của công tác cán bộ hiện nay, ngoài hình thức, cách thức lựa chọn còn là vai trò của người làm công tác tổ chức cán bộ, vai trò của những người tham mưu. Tất nhiên chúng ta đã nhận diện và đề cập đến vai trò của người giới thiệu, nhưng khó vô cùng. Tôi đã thấy có những người được giới thiệu sẵn rồi, ra chỉ có bỏ phiếu bầu thôi mà”, TS Vũ Phạm Quyết Thắng.

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm