| Hotline: 0983.970.780

Đạo luật Trang trại và cá tra

Thứ Năm 27/02/2014 , 10:02 (GMT+7)

Đạo luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ (hoặc Luật Trang trại) đã được Tổng thống Barack Obama ký đưa vào thực hiện, trong đó có nội dung liên quan đến cá tra Việt Nam.

Đạo luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ (hoặc Luật Trang trại) đã được Tổng thống Barack Obama ký đưa vào thực hiện, trong đó có nội dung liên quan đến cá tra Việt Nam. Dài gần 1.000 trang, có 15 chương, 450 mục với phạm vi bao quát rất rộng, Đạo luật nhằm: Bảo vệ nền nông nghiệp Mỹ.

Đây là văn kiện dung hòa hai dự thảo luật do Hạ viện và Thượng viện Mỹ đưa ra năm 2013, gây ra tranh cãi suốt năm; còn bãi bỏ hoặc điều chỉnh gần 100 chương trình do Bộ Nông nghiệp Mỹ quản lý. Nó là công cụ pháp lý làm cơ sở thực hiện các chương trình cải cách nông nghiệp từ nay tới năm 2018, cho phép chi ngân sách 956 tỷ USD trong 10 năm, giảm khoảng 23 tỷ USD so với giai đoạn trước.

Cải cách chương trình trợ cấp thực phẩm (cắt giảm 9 tỷ USD), cải cách chính sách nông trại (bỏ trợ cấp trực tiếp 5 tỷ USD và giảm mức trợ cấp nông trại, thay bằng bảo hiểm). Vì vậy, một số người Mỹ cho là “Đạo luật dã man” và nhiều nghị sỹ Mỹ phản đối.


Người nuôi cá tra ở ĐBSCL còn rất vất vả và nghèo

Với cá tra Việt Nam, chuyển chức năng thanh tra, giám sát từ Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Theo đó, cá tra muốn vào thị trường Mỹ phải đáp ứng yêu cầu của USDA từ sản xuất giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi đến chế biến, đóng gói, xuất khẩu và phải được USDA cấp giấy chứng nhận.

Tóm lại, sản phẩm cá tra của Việt Nam phải tương đương sản phẩm cá da trơn sản xuất tại Mỹ thì mới được vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn cụ thể còn hơn tháng nữa USDA mới đưa ra, nên chưa biết khó khăn đến mức nào.

Nhưng rõ ràng, Đạo luật sẽ làm tăng chi phí cho USDA và các cơ sở sản xuất cá tra. Chi phí có thể không cần thiết, nhất là cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh cá tra mang nguy cơ về an toàn thực phẩm cao hơn các loài thủy sản khác vẫn xuất vào Mỹ và do FDA quản lý.

Tuy nhiên, Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ NN-PTNT đánh giá: “Quy định mới này cũng có tác động tích cực tới ngành thủy sản Việt Nam, là cơ hội tốt để các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong nước”. Thực sự, ngành cá tra nước ta đang bộc lộ nhiều vấn đề mà truyền thông đã gọi là “lộn xộn”, “vỡ trận”. Vì chất lượng không đồng đều mà Nga đã cấm nhập cá tra từ ngày 31/1/2014 và mới đây, Hà Lan cũng cảnh báo, nếu không chấn chỉnh thì EU sẽ cấm cửa nhiều doanh nghiệp.

Vụ Hợp tác Quốc tế đề nghị sự nghiêm túc tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm, một vấn đề nói nhiều mà hầu như chưa làm. Trong đó, nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu: “Liên kết với nhau, cải thiện hình ảnh và độ tin cậy với các đối tác nhập khẩu Hoa Kỳ, cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích lớn nuôi cá tra, hàng năm kim ngạch xuất khẩu cá tra trên 400 triệu USD. Giám đốc Sở Công thương, ông Nhị Văn Khải, cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta hãy nhìn lại và tiếp tục “chiến đấu” với chính mình, nhanh chóng xây dựng ngành hàng cá tra phát triển theo hướng bền vững nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường. Hãy hành động để chủ động “vượt trên ngăn chặn” hơn là thụ động đối phó, phản ứng kêu ca khi gặp khó trong thị trường đầy biến động này”.

Theo ông Khải: “Điều khoản liên quan đến cá tra của Việt Nam được quy định trong Đạo luật Nông nghiệp Mỹ cũng chính là cơ hội để tái cơ cấu ngành hàng cá tra và cá tra cũng chính là ngành hàng chủ lực nằm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp”.

Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Hồ Văn Vàng hy vọng “đây là cú hích để đảm bảo uy tín cá tra, chứ như lâu nay lộn xộn quá”. Còn ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An chuyên nuôi cá tra ở phường Thới An (Ô Môn, Cần Thơ), cũng bày tỏ, theo các tiêu chuẩn mới có thể gặp khó khăn nhưng “có lãi thì cũng nên làm”.

Chứ như lâu nay, ông Hải nói, làm ăn dễ dãi, không quản lý được chất lượng để nghèo mãi thì dễ dãi có lợi ích gì? Nếu khó khăn mà một số người không theo kịp thì theo ông Hải, cũng nên tránh ra cho người khác làm giàu với con cá tra, làm giàu cho đất nước. Ông Hải hy vọng, đây là cơ hội làm cuộc cách mạng cơ cấu lại ngành cá tra, để thoát ra khỏi tình trạng luẩn quẩn yếu kém lâu nay.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tiến Nông được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024

Với sự ghi nhận này, Tiến Nông tự tin vươn tầm khu vực, trở thành thương hiệu của nông dân ASEAN.