| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 4.0

Thứ Tư 04/07/2018 , 20:34 (GMT+7)

Ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng chủ trì Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 4.0 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam...

Cần làm được cả những việc không được đào tạo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp hiện nay chính là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Theo Bộ trưởng, hiện nay xu hướng đô thị hoá đang phát triển rất nhanh, cùng với đó thu nhập của người dân cũng tăng lên nên yêu cầu tiêu chuẩn sống ngày một cao. Xuất phát từ thực tiễn đó, sản xuất nông nghiệp ngày nay đòi hỏi phải vừa tiết kiệm tài nguyên đất, nước lại vừa phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

19-45-13_img_9636
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội thảo

Thời nay , đất đai phì nhiêu rộng lớn không phải là yếu tố quyết định nữa mà phải là khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng trên mỗi hecta diện tích. Nhưng để áp dụng khoa học công nghệ thì phải sử dụng nguồn nhân lực có trình độ và chúng ta cần phải quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực đủ sức bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học kĩ thuật.

Tiếp nối phát biểu đề dẫn của Bộ trưởng Cường, GS Nguyễn Xuân Trạch - Phó GĐ Học viện NNVN trình bày định hướng chiến lược của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nông nghiệp CNC. Ông cho biết thách thức của đào tạo nhân lực hiện nay là cơ cấu ngành nghề, công nghệ thông tin thay đổi nhanh chóng đòi hỏi nhân lực phải có nhiều kĩ năng mới và không ngừng thay đổi. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thì người học có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau nên phương pháp đào tạo cũ không còn phù hợp. Vì vậy điểm quan trọng trong chiến lược đào tạo nhân lực của Học viện là đổi mới chương trình đào tạo.

Cụ thể, đào tạo phải xác định rõ nhu cầu nhân lực và chuẩn đầu ra. Học viện sẽ tiến tới đa dạng hoá các loại hình và phương thức đào tạo chú trọng e-learning và các khoá ngắn hạn về ứng dụng CNC trong nông nghiệp. Tăng cường cơ sở vật chất như trang thiết bị dạy học trực tuyến, thư viện điện tử, thư viện ảo, giảng đường ảo, thầy ảo, phòng thực hành thì nghiệm ảo... Trường cũng sẽ xây dựng Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để làm nơi xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ để sinh viên liên tục cập nhật công nghệ.

Phương pháp đào tạo của trường cũng sẽ chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, chuyển từ giảng bài sang hướng dẫn học để người học chủ động tư duy phản biện. Mục tiêu là đào tạo được những nhân lực có chất lượng cao, có năng lực sáng tạo và ứng dụng CNC nhằm hiện đại hoá nông nghiệp, phát triển bền vững. “Cần đào tạo người có thể làm được những việc không được đào tạo”, GS Trạch nhấn mạnh.
 

Gắn với thị trường

Gắn đào tạo với thị trường lao động là điểm đặc biệt quan trọng trong chiến lược đào tạo của Học viện Nông nghiệp. Sẽ phải điều tra thị trường lao động. Xây dựng mô hình rèn nghề thực tập nông nghiệp 4.0 và đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Trường cũng sẽ lập sàn giao dịch việc làm kĩ thuật số kết nối với DN, mời doanh nhân cán bộ kĩ thuật nông nghiệp tham gia giảng dạy. Tăng cường sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động của Bộ NN-PTNT, các hoạt động thực tiễn sản xuất xảy ra thì thầy trò phải tham gia, đến tận nơi tìm hiểu chứ không thể chỉ ngồi trên giảng đường.

Ảnh minh họa

Khẳng định nhu cầu sử dụng cũng như nhu cầu đào tạo lao động nông nghiệp CNC hiện nay vô cùng lớn, ông Nguyễn Xuân Đại - Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, TP đang có kế hoạch xây dựng 7 khu nông nghiệp công nghệ cao và hiện nay trên địa bàn có tới 2.800 trang trại cần đào tạo nhân lực, 900 hợp tác xã nông nghiệp... Đây chính là những đầu ra cho nguồn nhân lực đào tạo, tuy nhiên, theo ông Đại thì thực tế khả năng liên kết cùng nhau hay kĩ năng tìm kiếm thị trường rất yếu nên ngoài đào tạo chuyên môn cần phải đào tạo kĩ năng quản lý, tìm kiếm thị trường.

TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng cho biết tỉnh đang cần nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin quản trị tài chính thông minh, công nghệ đồng bộ năng lượng tái tạo, công nghệ rô bốt... Tỉnh Lâm đồng đặt hàng 150 nhân lực/năm và sẵn sàng phối hợp để mở các khoá ngắn hạn đào tạo nhân lực NNCNC.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Tổng GĐ Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình thì hiện nay nhu cầu sử dụng lao động có trình độ ứng dụng CNC của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp rất lớn. Nhưng nguồn đào tạo nhân lực trong nước chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Bước vào cách mạng 4.0, các nước trên thế giới đã đi qua cuộc cách mạng lần 2 và lần 3 nhưng Việt Nam chưa trải qua hai cuộc cách mạng này. Bây giờ chúng ta bước vào cách mạng 4.0 vậy chúng ta cần phải đào tạo cùng lúc những nhân lực 2.0, 3.0 và 4.0 và đào tạo cả người quản lý những nhân lực đó. Ông cho rằng nếu sản phẩm đào tạo là con người được mang theo những tấm bằng chuyên môn thì sản phẩm đó phải thật thành thạo về chuyên môn. Bằng cấp phải được đo bằng khả năng giải quyết vấn đề và cách thức giải quyết vấn đề đó.

“Chúng tôi đang đầu tư phòng lap công nghệ gen và rất cần người làm nhưng chưa có nhân lực, nếu Học viện có thể đào tạo được nhân lực về công nghệ gen thì tôi sẽ đặt hàng với nhà trường. Lương sẵn sàng trả tới 1.000 USD/tháng”.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ:

Cần xác định được nhóm đối tượng đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp. Chú trọng chương trình đào tạo và công nghệ phải khớp với nhau, tránh tình trạng đào tạo kĩ sư công nghệ ra nhưng lại không thích ứng với công nghệ đang ứng dụng thực tiễn. Về phương thức đào tạo cần thay đổi căn bản phương thức truyền thống. Đào tạo phải gắn với nghiên cứu, nghiên cứu đối tượng, nghiên cứu nhu cầu thị trường... chứ không chỉ là nghiên cứu khoa học đơn thuần.

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng GĐ Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao:

Yêu cầu chung với kĩ sư nông nghiệp là thành thạo tin học, có kiến thức pháp luật, giỏi ngoại ngữ. Ngành thực phẩm cần đào tạo chuyên sâu về máy thực phẩm và tự động hoá. Ngành cây trồng cần đào tạo về tính chất đất, phân, thuốc bảo vệ thực vật... Khoa kinh tế nông nghiệp cần phải mở ngành ngoại thương của ngành nông nghiệp, chỉ ngành nông nghiệp mới hiểu các sản phẩm nông nghiệp để bán hàng tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT):

Bộ NN-PTNT đã triển khai rất nhiều dự án đào tạo tiến sĩ công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ tế bào..., xây dựng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Bộ cũng đã quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào trình diễn công nghệ.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất