| Hotline: 0983.970.780

Đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt trong dịp Tết Giáp Ngọ

Thứ Năm 26/12/2013 , 08:47 (GMT+7)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tính toán và đảm bảo cung ứng tiền mặt trong dịp Tết Nguyên Đán.

Chỉ còn gần một tháng nữa là cả nước sẽ đón Tết Giáp Ngọ 2014. Đây cũng là thời điểm doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu chi tiêu tiền mặt nhiều hơn và đây cũng là dịp thường xảy ra tình trạng quá tải tại hệ thống ATM của các ngân hàng vì khách hàng đổ dồn rút tiền lương, tiền thưởng để sắm tết.


Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tính toán các phương án cung ứng tiền mặt trong dịp Tết Nguyên Đán và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế.

Để hiểu rõ hơn, chiều 25/12, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Sẽ đáp ứng đủ nhu cầu

- Thưa ông, thường vào dịp gần Tết, nhu cầu tiền mặt để trả lương, trả thưởng, phục vụ tiêu dùng trong nước rất lớn, vậy Ngân hàng Nhà nước đã có phương án chuẩn bị như thế nào để đáp ứng nhu cầu này?

Ông Đào Minh TúNgân hàng Nhà nước đã tổ chức điều chuyển đến các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, nâng mức dự trữ tiền mặt tại các chi nhánh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt của các địa phương. Đặc biệt ưu tiên các địa phương có mức thu-chi tiền mặt cao và tập trung nhiều các máy ATM như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương.


Việc điều chuyển tiền mặt phục vụ Tết Nguyên Đán thường hoàn thành trước tết khoảng một tháng. Trên cơ sở cơ cấu mệnh giá tiền trong lưu thông, Ngân hàng Nhà nước đưa tiền ra lưu thông với cơ cấu hợp lý, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của nền kinh tế và người dân. Ngân hàng Nhà nước cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông (không phân biệt tiền cũ, tiền mới).

Về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo tiền mặt đáp ứng nhu cầu chi trả, nhu cầu thanh toán thiết yếu của người dân như thường lệ. Tuy nhiên, do tập quán và thói quen sử dụng tiền mới để mừng tuổi trong dịp Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã quan tâm và đưa ra một lượng tiền mới nhất định. Việc cung ứng tiền mới cho các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố dựa trên cơ sở doanh số thu-chi tiền mặt của từng chi nhánh.

Có thể nói rằng, đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đủ lượng tiền cung ứng cho địa phương, đảm bảo dịp Tết ổn định và đảm bảo đủ lượng tiền mặt cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

- Nhu cầu tiền mặt vào dịp tết so với bình thường là bao nhiêu và tỷ trọng tiền mặt trong thanh toán là bao nhiêu % thưa ông?

Ông Đào Minh Tú:Thông thường tiền mặt tháng Tết tăng đột biến do các cơ quan, doanh nghiệp thanh toán lương, thưởng cho cán bộ công nhân viên, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết của dân cư. Qua theo dõi, số bội chi tiền mặt một tháng tết bằng bội chi cả năm. Tuy nhiên, dù có bội chi cao như vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo mọi nhu cầu tiền mặt cho người dân.


Giãn trả lương cùng một thời điểm

- Hàng năm, cứ vào dịp gần Tết là có hiện tượng tại một số điểm người dân lại phải xếp hàng lâu để chờ được rút tiền. Vậy năm nay tình trạng này có được cải thiện không và liệu tại một số địa điểm máy ATM tạm thời có hết tiền như các năm trước không thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Tiền mặt phục vụ cho máy ATM cũng là một nội dung rất được quan tâm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố chuẩn bị đầy đủ tích cực nhất phục vụ nhu cầu rút tiền mặt ATM; đảm bảo cơ số tiền cả mệnh giá lớn, nhỏ cho việc thanh toán trong nền kinh tế, cũng như lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho các ngân hàng thương mại phục vụ khách hàng rút tiền trên máy ATM.

Qua khảo sát tình hình rút tiền mặt ATM tại một số địa phương có nhu cầu bội chi lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… nên Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo trực tiếp tới các địa phương tối đa đáp ứng nhu cầu.

Tuy nhiên có vấn đề đặt ra, máy ATM nếu không vào dịp Tết vẫn đáp ứng cơ bản nhu cầu rút tiền, nhưng những ngày Tết do nhu cầu rút tiền cao điểm và trùng nhau ở một thời điểm nên lượng máy đáp ứng bị hạn chế. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp cụ thể như giãn thời gian trả lương công nhân tại các khu công nghiệp để máy ATM không bị quá tải vì dù có cung tiền vài lần/ngày nhưng hàng dài người xếp hàng rút tiền cùng một lúc thì cũng vẫn bị quá tải, hoặc bố trí bàn rút tiền trực tiếp cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Một vấn đề khác nữa là, có khi máy ATM làm việc tốt cả năm, nhưng làm quá công suất ở một thời điểm, thì cũng có thể bị trục trặc nhất thời, nhưng những trục trặc này chỉ mang tính cá biệt, chứ không phải do chất lượng dịch vụ ngân hàng kém.

Hiện, các ngân hàng thương mại cũng đang khẩn trương nâng cao chất lượng máy ATM.

Khổ vì không có kho cất tiền lẻ

- Cũng vẫn là chủ đề Tết Nguyên Đán, cứ đến những ngày này là nhu cầu đổi tiền mới mệnh giá nhỏ lại tăng rất cao. Vậy năm nay, NHNN có đáp ứng cho nhu cầu này hay không?

Ông Đào Minh Tú: Vào dịp Tết Nguyên đán, việc sử dụng tiền mới mệnh giá nhỏ (loại từ 2000 đồng trở xuống) để đi lễ đền, chùa (nhất là các tỉnh phía Bắc) là khá phổ biến. Sau Tết, lượng tiền mệnh giá nhỏ nộp vào ngân hàng rất lớn, cần phải huy động lượng lớn cán bộ, nhân viên kiểm đếm, làm lãng phí nhiều thời gian và chi phí. Mặt khác, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để đi chùa tràn lan, tạo ra những hình ảnh không đẹp, phản cảm (ví dụ như ở những nơi đông người, tiền bị rơi vương vãi, bị dẫm chân lên…), ảnh hưởng đến văn hóa lễ chùa.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính Phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị quan tâm, phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ đi lễ chùa, góp phần sử dụng đồng tiền một cách có hiệu quả, tiết kiệm.

Tôi chỉ lấy một ví dụ rất nhỏ, trong dịp lễ hội năm vừa qua tại chùa Hương, thống kê gửi về tại Chi nhánh Agribank huyện Mỹ Đức (Hà Nội) 1.200 bao tiền lẻ trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Có những thời điểm nhà chùa chở về từ 3 đến 5 xe tiền (mỗi xe chở 20 bao tiền, mỗi bao chứa 20 bó tiền) khiến kho tiền của ngân hàng không thể chứa nổi, phòng bảo vệ không ít lần bất đắc dĩ trở thành chỗ cất giữ tiền khi chưa kịp vận chuyển về Agribank chi nhánh Hà Tây. Và đây cũng chính là một trong những khó khăn của ngân hàng trong vấn đề bảo đảm an toàn kho quỹ.

Như vậy có thể thấy, bên cạnh áp lực phải đáp ứng đủ nhu cầu tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ cho người dân dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng còn phải đối mặt với áp lực bảo đảm an toàn kho quỹ, cũng như tìm cách để đưa lượng tiền này trở lại lưu thông.

Chính vì vậy, dịp Tết Nguyên đán năm nay Ngân hàng Nhà nước không in tiền đồng mệnh giá từ 2.000 trở xuống và sẽ đưa tiền lẻ đã qua sử dụng một lần đang bảo quản tại kho ra lưu thông để phục vụ nhu cầu sử dụng tiền lẻ của người dân.

- Như vậy, có làm ảnh hưởng đến kỳ vọng của người dân là cứ đến Tết, dịp lễ sẽ được sử dụng tiền lẻ, tiền mới không thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Tôi nhấn mạnh, năm nay Ngân hàng Nhà nước chỉ không in tiền mới, lẻ có mệnh giá 2000 đồng trở xuống. Lượng tiền mệnh giá 2000 đồng trở xuống đã qua lưu thông còn lại trong kho Ngân hàng Nhà nước vẫn được đưa ra bình thường để đáp ứng cơ cấu các loại tiền trong lưu thông.

Trong năm, Ngân hàng Nhà nước chỉ in tiền mới, lẻ có mệnh giá 2000 đồng trở xuống để đáp ứng thay thế tiền rách, hỏng, chứ không in để phục vụ nhu cầu lễ đền, chùa.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, riêng chi phí in ấn loại mệnh giá 2000 đồng và đưa ra lưu thông dịp tết là 300 tỷ đồng, chưa kể chi phí xã hội khác (như chi phí kiểm đếm, bảo quản…). Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì 300 tỷ đồng ấy có thể dùng vào nhiều mục tiêu khác như xây dựng trường học, bệnh viện ở vùng nông thôn.

Mục tiêu cao nhất của Ngân hàng Nhà nước là cung ứng, điều hòa đủ tiền mặt về số lượng, cơ cấu mệnh giá (không phân biệt tiền mới, cũ) cho nền kinh tế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước mong muốn được nhân dân ủng hộ đối với chủ trương sử dụng đồng tiền Việt Nam một cách hợp lý, đúng chức năng, góp phần hạn chế những tiêu cực trong việc sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí xã hội.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất