| Hotline: 0983.970.780

Đất Cảng tự lực

Thứ Ba 04/10/2011 , 10:13 (GMT+7)

Năm 2010, Hải Phòng là một trong 13 tỉnh, thành phố đóng thuế cao nhất nước. Vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, Hải Phòng phải tự thân vận động.

Năm 2010, Hải Phòng là một trong 13 tỉnh, thành phố đóng thuế cao nhất nước. Vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, Hải Phòng phải tự thân vận động. Dù không được TƯ hỗ trợ kinh phí nhưng thành phố vẫn có những bước đi táo bạo cùng hòa mình vào chủ trương to lớn này của cả nước.

Chọn xã trung bình làm điểm

Trường học tại các vùng nông thôn của Hải Phòng được xây dựng khang trang nhờ chủ trương xây dựng NTM

Nếu như một số địa phương lựa chọn những xã có mặt bằng khá để tiến hành xây dựng NTM, Hải Phòng làm ngược lại. Không chạy theo thành tích, tiến độ, Hải Phòng chọn các xã có điều kiện kinh tế ở mức trung bình làm xã điểm để xây dựng NTM với một chiến lược dài hơi.

Không chủ quan, nóng vội

Cuối năm 2010, Hải Phòng khởi động chương trình xây dựng NTM, nhưng thực sự bắt tay vào làm thì từ đầu năm 2011. Theo số liệu của BCĐ xây dựng NTM Hải Phòng, hiện thành phố đã chọn được 8 xã điểm thuộc 7 huyện để tiến hành xây dựng thí điểm mô hình NTM. Trong số 8 xã điểm, xã cao nhất đạt 8/19 tiêu chí, xã thấp nhất đạt 3/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 4 - 7 tiêu chí.

Lý giải lựa chọn mạo hiểm này, ông Nguyễn Ngọc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Phó Ban điều phối Chương trình xây dựng NTM Hải Phòng cho biết, với một thành phố đặc thù như Hải Phòng, khi tiến hành chọn xã điểm xây dựng NTM, thành phố dựa trên ba yếu tố. Thứ nhất, về địa lý gồm các xã thuần nông, ven đô, miền núi, hải đảo. Thứ hai, về điều kiện kinh tế, lựa chọn những xã ở mức trung bình. Thứ ba, lựa chọn những xã có đoàn thể chính trị và lãnh đạo vững mạnh. Xây dựng NTM muốn thành công hay không phải dựa vào sức dân, muốn huy động được sức dân, đoàn thể chính trị cán bộ của địa phương đó phải mạnh, có uy tín và tâm huyết với bà con.

Còn việc lựa chọn xã trung bình, theo chia sẻ của ông Hưng, thành phố muốn chọn những xã đại diện cho phần lớn các xã nông thôn của Hải Phòng để khi tiến hành xây dựng NTM trên toàn thành phố các xã còn lại sẽ không bị vênh quá nhiều về ngân sách, cách làm với xã điểm.

Quan điểm của Hải Phòng là không chủ quan nóng vội trong quá trình xây dựng NTM. Vì đây là quá trình lâu dài do người dân tự làm chủ nên đòi hỏi một bước nhảy vọt là rất khó. Điều này đã được ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ xây dựng NTM thành phố Hải Phòng quán triệt tới tất cả lãnh đạo các xã xây dựng NTM.

Ông Vũ Mạnh Nhưng - Chủ tịch UBND xã NTM Phù Ninh (xã điểm của huyện Thủy Nguyên) tâm sự: Vừa qua, có một số địa phương nôn nóng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng nên “đón lõng” làm trước. Nhưng sau đó không có vốn nên khốn đốn. Các đơn vị thi công, nhà thầu cứ nhè đầu chủ tịch xã, trưởng thôn mà đòi tiền khiến dư luận hoang mang bất ổn.

Theo ông Nhưng, việc làm của những địa phương đó xét về bản chất chính là tư tưởng trông chờ ỷ nại vào ngân sách ở trên. Bản thân Phù Ninh khi tiến hành xây dựng NTM tuyên truyền đi tuyên truyền lại để người dân hiểu, xây dựng NTM không phải thành phố xây dựng các công trình giúp xã mà bản thân người dân trong xã phải tự làm, thành phố chỉ hỗ trợ về cơ chế chính sách để địa phương tiến hành được thuận lợi hơn.

Thành phố cấp đủ kinh phí

Chủ trương của thành phố Hải Phòng khi tiến hành xây dựng NTM khuyến khích tuyên dương tối đa sự đóng góp về tiền của công sức của người dân. Tuy nhiên, thành phố không ép buộc người dân phải đóng góp cụ thể bao nhiêu mà chủ yếu trên tinh thần tự nguyện, được đến đâu hay đến đó. Còn lại, thành phố sẽ cấp kinh phí đủ để các địa phương tiến hành xây dựng NTM.

Thành phố Hải Phòng dự kiến sẽ cấp kinh phí cho mỗi xã xây dựng NTM 100 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn lồng ghép đã giải ngân là 206 tỷ đồng, vốn sự nghiệp đầu tư đợt 1 là 12 tỷ đồng, vốn xây dựng cơ bản đợt 1 là 10 tỷ đồng. Đợt 1, thành phố Hải Phòng dự kiến cấp đủ 50% kinh phí cho 8 xã điểm tiến hành xây dựng những hạng mục, công trình quan trọng phục vụ phát triển sản xuất, cải thiện môi trường, chuyển đổi cơ cấu lao động, công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, đã có 7/8 xã điểm của Hải Phòng hoàn thành công tác quy hoạch và xây dựng đề án. Xã duy nhất còn vướng mắc do nằm trong vùng điều chỉnh quy hoạch khác của thành phố là xã Trân Châu thuộc huyện đảo Cát Hải. Kế hoạch đặt ra của thành phố Hải Phòng đến năm 2013, hoàn thành cơ bản xây dựng NTM tại 8 xã điểm. Năm 2015, phấn đấu 25% số xã nông thôn trong toàn thành phố hoàn thành xây dựng NTM, tương đương 36 xã. Năm 2020, 70% số xã, tương đương 101 xã đạt theo bộ tiêu chí xây dựng NTM.

“Xã Phù Ninh chúng tôi luôn lựa sức mình để tiến hành xây dựng NTM. Sức đến đầu làm đến đó, cái nào thuận lợi có khả năng sẽ tiến hành hoàn thành sớm. Tiêu chí nào khó khăn thì khắc phục và tiến hành từng bước một. Chúng tôi được quán triệt phải tránh tư tưởng chạy đua xây dựng tràn lan để rồi khối lượng công việc vượt quá khả năng dẫn tới phản tác dụng", ông Vũ Mạnh Nhưng - Chủ tịch UBND xã Phù Ninh tâm sự.

Để thực hiện thành công kế hoạch đề ra, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng của Hải Phòng được huy động tối đa nhằm phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động toàn dân xây dựng NTM. Tích cực đưa cơ giới hoá, các dịch vụ vào SX nông nghiệp, quan tâm xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà dân, ngõ xóm, đường làng. Bảo tồn những nét đẹp đặc trưng, văn hoá truyền thống của nông thôn Hải Phòng. Đặc biệt, phát động phong trào SX tập trung phù hợp với các đối tượng vật nuôi, cây trồng, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Mặt trận Tổ quốc thành phố được huy động phối hợp cùng các cấp uỷ, các tổ chức đoàn thể quần chúng phát động phong trào thi đua yêu nước, vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong công cuộc xây dựng NTM, hình thành cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng NTM". Văn phòng Thành uỷ phối hợp với các Ban Đảng của Thành uỷ thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc kết quả thực hiện nghị quyết, định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình kết quả thực hiện để Ban Thường vụ Thành uỷ có sự bổ khuyết và chỉ đạo kịp thời.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.