| Hotline: 0983.970.780

Đất của người con cả

Thứ Năm 02/04/2020 , 08:09 (GMT+7)

Các nhà ký hiệu học lừng danh thế giới đã cắt nghĩa, trong mỗi cái vỏ lễ hội, nghi thức, tập tục đều có một cái lõi triết lý.

Người dân Phú Thọ tham gia lễ hội truyền thống. Ảnh: Celeb.

Người dân Phú Thọ tham gia lễ hội truyền thống. Ảnh: Celeb.

Như câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh, sao nó không “sinh” ở lưu vực sông Hoàng Hà, hay ở “quê hương” của huyền thoại Hy La? Là vì ở đó nó không có nhân: Cứ về mùa lũ, bên tả ngạn sông Đà là huyện Thanh Thủy, Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ nước lụt trắng đồng, nước đổ về hung dữ, như dốc ống, cứ càng lúc càng dâng cao nó từa tựa như lửa lòng ghen tức. Và việc đắp đê trị thủy ra đời(*).

Việc đắp đê sông đê biển của người Việt khác Trung Quốc. Đắp đê ở Trung Quốc có ông quan họ Vũ, về sau cũng huyền thoại hóa, nhưng đó là việc của vua quan. Việc đắp đê ở Việt Nam là việc của làng của nước.

Người trong một làng thì đều được chia ruộng theo khẩu, lũ lụt gây mất mùa là thiệt hại chung, vì vậy mà ngăn đê chống lụt là việc chung.

Người đào đất đắp đê thường đứng thành dãy xen kẽ quay mặt vào nhau, người “đứng lò” đào hòn đất thành sáu cạnh (sáu múi) người “móc lò” vật hòn đất lên, liền tung ngay cho người đứng kề, người nhận đất khẽ xoay người và tung lên cho người kế tiếp.

Tính công năng, nó nhẹ đến vài bốn chục phần trăm so với cách làm hòn đất trên vai một người đi từ lò đến đê, vì hòn đất chỉ ở trên tay người có chưa đến nửa thời gian trong hành trình đến đích của nó.

Tình làng nghĩa nước nó keo sơn gắn bó cụ thể và có xuất xứ như thế cho đến khi trở thành nghĩa đồng bào.

Chữ “đồng bào” (仝 孢) của Trung Quốc không có nghĩa như tiếng Việt, nó chỉ gói gọn trong nghĩa anh em cùng cha mẹ. Họ cũng không có khái niệm làng ta, vì làng của họ nhưng là ấp ăn lộc của hoàng gia hay quan tước.

Họ không có khái niệm “đánh giặc giữ nước/làng” như người Việt. Vì nước là của vua, làng của quan/ con cháu vua. Khi cần đi đánh chiếm làng/ nước bên cạnh; họ kích động chiến tranh và tập hợp với lời giao kết (hoặc thành lời hoặc theo lệ) là khi có công sẽ được thưởng đất. Không có cái lõi vô thức đồng bào nên người Trung Quốc rất yếu khi chống ngoại xâm.

Nhà Trung Quốc học, nhà văn dịch giả Trần Đình Hiến tổng kết: “Người Trung Quốc rất thích đánh nhau, nhưng đánh người ngoài thua người ngoài, đánh anh em thua anh em; cuối cùng quay về đánh đàn bà. Ấy là về nhà Tống, sinh ra tục bó chân đàn bà làm khốn khổ họ, khốn khổ hàng mấy trăm năm.” Nghĩ suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, quả có thế.

Bản thân tôi không chuyên sâu về khảo cứu, nên những gì sắp kể với các bạn chỉ có vài ba câu chuyện, cứ nghĩ gì ghi nấy.

Dải đất (chắc chắn) của nước Văn Lang xưa gồm vùng trung châu Bắc bộ ngày nay, chưa có đồng bằng, vì từ Bạch Hạc về dưới là đất sa bồi từ ba con sông Hồng (Thao) sông Lô và sông Đà kết hợp với kỷ nguyên biển lùi mà thành.

Đông Nam tỉnh Thái Bình ngày nay mới có hơn 600 năm tuổi. Về mặt ngôn ngữ và tộc người, dải đất ven Phong Châu gần như Tứ Xã (Lâm Thao) Văn Lang (Tam Nông) Thanh Thủy (có truyền thuyết là quê mẹ của Sơn Thánh) ngược lên như làng Âu Cơ (Hạ Hòa, hiện còn di tích đền thờ Mẫu Âu Cơ) Ao Châu (Thanh Ba) xa hơn một chút thì vắt từ Thanh Thủy sang Ba Vì Thạch Thất rồi xa hơn nữa là đất xứ Mường vắt suốt về phía Tây Bắc là Hòa Bình cho đến Nam Đông Nam là Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh mà xưa gọi là Châu Hoan, Châu Ái... là đất nền tảng, đất dựng nước vậy.

Cho đến nay, các ý kiến khảo cứu đều đi đến thống nhất, rằng Mường kết hợp với Kinh mà thành tổ tiên của người thuần Việt; khác biệt nếu có, lại là chính Việt từ Mường mà ra.

Với địa văn hóa ấy, chúng ta có thể hình dung, tổ tiên xưa làm nhà dựa lưng vào núi ven các con suối, hướng xuống ruộng (na). Khi đã phát triển hơn thì thay vì ven suối, thành ra tập quán tụ cư ven các dòng sông và các cánh đồng lớn.

Cho đến giữa thế kỷ XX, người Mường và người Kinh thường vẫn chung chợ, chung thầy học, chung tập quán. Mỗi nhà thường ở một quả đồi, sau lưng có rừng già có thể săn bắn, làm bẫy thú. Chỗ thấp hơn thì luân canh làm nương (nương vài ba năm lại để cây mọc thành rừng, lập chỗ khác).

Trên suối đắp đập dẫn nước vào ruộng hay có thể bắt cá, bằng vó, lưới, câu hoặc duốc bằng nhựa lá độc. Cá suối nhiều đến mức, ăn tươi không hết, người ta làm cá thính.

Nhưng hóa ra cá thính còn có ở các sắc dân người Kinh, tôi đã ăn cá thính ở xã Văn Lang vào mùa lụt 1971 - đây chắc chắn là dấu vết Mường. Chứ cư dân biển thì hoặc phơi tôm cá khô hoặc ướp làm nước mắm.

Gà thả đồi là đặc trưng tự nhiên của cư dân trung du, nhưng nhiều nhất là Phú Thọ. Vào những năm 1960 - 1980, gà ở xã Ngọc Đồng, Yên Lập (Phú Thọ) của chúng tôi không biết thế nào là dịch cúm; không mấy ngày không có việc gà mái tớn lên theo gà rừng rồi một vài tháng sau dẫn đàn con lích chính về nhà.

Những người Việt thực ra, như người ta nói là từ Mường / đất Mường ven sông suối về xuôi, do mở mang phát triển và gần với Kinh thành nên người ta gọi là người Kinh.

Do tập tính của mình, họ bỏ cũ, theo mới, tập tục dần đổi khác theo “mới lạ” (văn minh) hay theo tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng người anh cả, có nghĩa vụ ở nhà nuôi dưỡng rồi phụng thờ cha mẹ, ông bà, mồ mà tiền nhân.

Người anh cả, do đó ít thay đổi ngôn ngữ, tập tục hay kinh nghiệm canh tác. Trong số những người anh cả thì phần lớn là người Mường, những hộ ấy có chiêng trống đồng, thạp đồng đó là “dấu vết” của người có chức sắc về tâm linh, về dòng tộc.

Nhưng, một mặt là canh tác mãi trên sườn đất dốc thì màu đất bị rửa trôi, trên cùng một diện tích, sức nuôi của nó ngày một mỏi mệt. Là trở ngại cho cuộc sống. Người ta dần men theo các suối, sông lớn mà di cư.

Mặt khác, do những người về xuôi làm ăn khá giả, có sức lôi kéo rủ rê họ. Những người Phú Thọ nói riêng và những tỉnh thượng du nói chung lũ lượt bỏ đất mà đi, dần dà thành người Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình...

Có thêm một chứng cứ nữa, để khả dĩ tin cư dân các tỉnh ấy là tụ cư, không có “ốc đảo” về ngôn ngữ kiểu Tứ Xã (Lâm Thao) Văn Lang (Tam Nông)... Các làng “ốc đảo” ngôn ngữ như ở Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng bên đất Hà Tây (cũ) mang yếu tố Chăm rất rõ.

Dân di cư vãn, ruộng nương xưa trở thành rừng rậm hoang hóa. Một cái làng chắc chắn cổ xưa nhất nhì Việt Nam là Tứ Xã (nhất thôn, nhất xã) có tới 4000 năm, vì khảo cổ kỷ đại nào của người Việt cũng có dấu vết ở làng ấy. Vậy mà cư dân gốc Thanh Hóa, chỉ tính riêng phần có chứng cứ gia phả, đã chiếm khá đông nhân khẩu(**).

Vâng, dân Phú Thọ, những người đông con, nghèo hoặc những ai không bị bó buộc phải ở lại, thì đi vãn. Làng (thực ra, bấy giờ phải gọi là kẻ, chạ) xưa trở thành rừng rậm đất hoang.

Thế rồi, có những đợt di dân ngược. Họ, những người miền xuôi, do trốn nợ, trốn tật ách, trốn tội hoặc bị lưu đầy... đã lên đây “tái cơ cấu” đời sống. Như ông Tiến sĩ khai khoa Lê Văn Thịnh đã từng bị lưu đầy lên vùng này.

Cuộc di dân này diễn ra khá ồ ạt là vào thời thuộc Pháp, đến nửa sau thế kỷ XX thì có hẳn chính sách khai hoang. Chính tôi thành người Phú Thọ là thuộc diện này.

Tên chính thức của cuộc di dân những năm 1960 là “Khai hoang phát triển kinh tế, văn hóa miền núi”, nhưng thực ra, người miền xuôi lên khai hoang rất khó để mở mang khai hóa.

Mà ngược lại, dân ngụ cư xưa phải ở rìa làng ít nhất ba đời mới được “coi như” người làng; chúng tôi lên, được người Mường gọi là “đồng bào” như mình, nhường nhà ở, công việc, ruộng nương cho mà làm nhưng cái gì cũng phải học hỏi, lép vế hẳn.

Cho nên, không lạ gì tâm lý giữ kẽ, phòng thủ, cố bắt chước cho giống người làng là đã xong một thế hệ. Tâm lý ngụ cư, lép vế di căn thành bản tính phòng thủ, học hỏi, bắt chước chứ ít sáng tạo. Cái này rồi ăn sâu, cố kết với tâm thế bảo thủ của những chủ nhân cũ, là tâm thế người anh cả. Hai tâm thế này sáp nhập tạo nên bản tính người Phú Thọ hôm nay.

Chúng tôi nghĩ, bản tính người Phú Thọ ít nhiều đều để lại dấu vết trên mọi cái hay lẫn nét dở trong xây dựng và phát triển kinh tế văn hóa và xã hội hôm nay của tỉnh. Là cư dân "hạng hai" của tỉnh, xin cứ nghĩ sao nói vậy, thật lòng.

------------------------------------

(*) Ở Phú Thọ, cách Phong Châu chừng nửa ngày chạy ngựa là Xuân Sơn có gà chín cựa...

(**) Dân gốc Tứ Xã đã di cư vãn. Chúng ta biết trò Trám, phần hội gắn lới Lễ cúng Trời Đất giao hòa, là sau khi Lễ tất, trai thanh gái lịch rủ nhau vào rừng trám sau làng tình tứ với nhau, anh chị nào có con từ đêm ấy được làng coi là có phúc, vì Giời Đất ứng đối cho lễ làng. Tứ Xã bây giờ không còn dấu vết rừng rậm nào dẫu chỉ một mảy may. Nó chỉ còn trong tên của trò hội. Tư liệu nghiên cứu của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, ông là người Tứ Xã gốc.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất