| Hotline: 0983.970.780

Đất đai đang cột chặt nông dân

Thứ Ba 24/09/2019 , 11:01 (GMT+7)

Trong khi sở hữu toàn dân là hình thức sở hữu duy nhất về đất đai ở Việt Nam, được quy định trong hiến pháp từ năm 1980 đến nay thì hạn điền đã tạo ra tâm lý đất đai là “của để dành”, cột chặt lấy nông dân, cản trở việc tích tụ, tập trung. 

Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tại 12 tỉnh, tỷ lệ chuyển nhượng đất chỉ 16,6% do quá trình thỏa thuận phức tạp, giá chuyển nhượng cao, trung bình ở Bắc bộ khoảng 1-2 tỉ/ha đối với đất lúa, 3-5 tỉ/ha đối với đất vườn. Tỷ lệ cho thuê chỉ chiếm 7,1% do doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chiếm chưa đầy 1% tổng số doanh nghiệp; Do có nhiều vướng mắc mà nhất là phải thỏa thuận, hợp đồng với quá nhiều đối tượng, với các yêu cầu và điều kiện khác nhau;

Tình trạng chán ruộng, bỏ ruộng gần đây diễn ra phổ biến nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu nào có thể đối phó.

Bởi thế nhiều đại biểu bộ, ngành, viện nghiên cứu và các tỉnh, thành phía Bắc dự hội thảo “Tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ trong điều kiện mới” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với tỉnh Hà Nam tổ chức hôm 20/9 đã tỏ ra sốt ruột bởi quá trình này diễn ra quá chậm. Một số giải pháp, gợi mở được đề xuất nhưng cũng chưa đi thẳng vào gốc rễ của vấn đề. Bên lề hội nghị, NNVN đã có cuộc trao đổi với GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

15-38-09_nh_7
GS Đặng Hùng Võ.

Theo ông, mấy chục năm trước, khi bắt đầu đổi mới có 3 chương trình kinh tế lớn được đặt ra gồm lương thực, hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa xuất khẩu. Đối với chương trình lương thực, chẳng cần đến một đồng nào mà chỉ cần bỏ rào cản về chính sách đất nông nghiệp đã đưa Việt Nam từ thiếu sang thừa lương thực, đứng vào top về xuất khẩu gạo.

“Trước đổi mới, trình độ của nông dân không đủ để quản lý các hợp tác xã bậc cao. Tham nhũng không được kiểm soát khiến họ quay lưng với hợp tác xã và trở về chăm sóc mảnh ruộng 5% của mình. Sức sản xuất bị bó hẹp lại trong 5% đất nông nghiệp và chỉ được giải phóng bằng việc giao đất cho các hộ. Bên cạnh ưu điểm là được động lực phát triển, chính sách này cũng có hai nhược điểm. Thứ nhất là đã xóa bỏ hoàn toàn thành quả cách mạng của cải cách ruộng đất giai đoạn 1953-1955. Thứ hai là do quá tập trung vào tiêu chí công bằng, có tốt có xấu, có gần có xa, có cao có thấp đã tạo nên một mặt bằng đất sản xuất nông nghiệp quá manh mún với nhiều thửa đất quá nhỏ.

Vào giữa những năm 2000, năng suất và sản lượng nông nghiệp có xu hướng chững lại bởi 3 lý do: Quan hệ sản xuất dựa trên hộ gia đình trong tình trạng đất đai manh mún đã hết động lực; Quá tập trung vào công nghiệp hóa và dịch vụ làm cho nông nghiệp ít được quan tâm, bỏ sở trường mà chỉ tìm cách khắc phục sở đoản; biến đổi khí hậu.”

Có thể phân định sự khác nhau giữa tích tụ và tập trung đất đai như thế nào, thưa ông?

Tích tụ là chuyển nhượng đất cho người khác còn tập trung là góp đất với người khác hoặc cho người khác thuê. Nhiều nông dân hiện nay tuy không có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn giữ đất như một thói quen cũng như sự “nhìn xa” vì e rằng thời gian tới ở khu vực phi nông nghiệp mà hết việc vẫn còn có thể quay về làm ruộng. Bởi vậy họ không muốn chuyển nhượng kể cả cho tích tụ hay là tập trung.

Thêm vào đó nông dân không muốn đưa đất cho người khác vì thiếu sự tin cậy. Để khắc phục tình trạng này chắc chắn cần một bên nào đó đủ tin cậy với nông dân, khiến cho họ cảm thấy không còn sợ bị mất đất nữa. Đó có thể là Nhà nước đứng ra ở giữa hoặc cũng có thể là một thị trường nào đó đảm bảo việc cho thuê đất.

15-38-09_nh_2
Người nông dân đội rơm đi trên cánh đồng hoang.

Tích tụ đất đai làm cho nông dân mất đất vậy chỉ nên khuyến khích đối với trường hợp thực sự không còn gắn sinh kế với sản xuất nông nghiệp. Mặt khác cần giám sát chặt chẽ tình trạng nông dân ở thế yếu, bị ép buộc chuyển nhượng đất cho các bên có thế mạnh.

Tích tụ và tập trung theo mô hình trang trại hộ, nhóm hộ hay tập trung theo mô hình hợp tác sản xuất với doanh nghiệp nên được ưu tiên vì nông dân vẫn sản xuất trên đất của mình, kiểm soát được sản lượng, thu nhập. Có thể tập trung theo mô hình doanh nghiệp thuê đất trực tiếp của nông dân hoặc thuê đất của nông dân thông qua chính quyền.

Còn mô hình nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp nông nghiệp như đang thử nghiệm tại Sơn La, Điện Biên và Lai Châu có rủi ro khá cao cho nông dân. Mô hình này chưa thực sự phù hợp với trình độ của họ bởi không thể giám sát được hoạt động của doanh nghiệp, không tự bảo vệ được lợi ích của mình.

"Cần xem xét lại chính sách hạn điền và thời gian sử dụng đất sao cho có thể mở rộng nhất. Các hình thức sàn giao dịch bất động sản nông nghiệp hoặc ngân hàng đất nông nghiệp cũng cần thử nghiệm và mở rộng quyền của Nhà nước theo hướng được quyền thuê đất của nông dân", GS Đặng Hùng Võ.

Hà Nam là địa phương tiên phong trong việc chính quyền đứng ra thuê đất của dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại để sản xuất nông nghiệp. Nhiều người nói đó là vi hiến còn ông thì bình luận ra sao?

Pháp luật do con người đặt ra thì con người cũng sửa được. Bây giờ chưa có quy định cho chính quyền địa phương được thuê đất nhưng nếu ta thấy nó hay thì nên sửa Luật. Người nông dân chưa tin vào doanh nghiệp, chưa tin vào hộ gia đình khác, cho thuê thì sợ mất đất vậy chính quyền có thể giúp họ tin việc cho thuê ấy sẽ không mất đất thì nên làm.

Ông Hoàng Trọng Thủy -nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới có nói trong hội thảo một ý rằng sửa đổi Luật Đất đai vừa rồi mới chỉ là “cơi nới” những thứ vụn vặt chứ chưa chạm đến bản chất. Từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của ông ra sao?

Có lẽ ông ấy muốn nói đến chuyện sở hữu. Sở hữu đất đai là sở hữu đặc biệt, không giống như sở hữu về các loại của cải khác. Bởi thế dùng tư duy sở hữu bình thường của những thứ khác mà áp cho đất đai là sai. 

Hơn 9 triệu nông hộ và khoảng 78 triệu mảnh ruộng đang khiến cho nông dân bị ghì chặt vào đất không thể phát triển được. Hướng đi nào mà ông ủng hộ cho Bắc bộ hiện nay?

Ta đang tiến hành tích tụ, tập trung đất đai để phá vỡ thế manh mún đó chỉ có điều làm như thế nào thì cần chính sách linh hoạt hơn, bám sát thị trường hơn, củng cố niềm tin cho nông dân hơn. Có ba nhóm mô hình tập trung đất đai là trang trại hộ gia đình quy mô lớn, hợp tác xã nông nghiệp và liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Rất nhiều nước có những mô hình phù hợp cho họ nhưng ở ta tôi chưa thấy cái nào thực sự phù hợp cả. Ngay cả miền Bắc với miền Nam cũng không thể nói mô hình đúng với miền này cũng đúng với miền kia bởi hoàn cảnh đất đai của chúng hoàn toàn khác nhau.

15-38-09_nh_3
Chăn trâu trên cánh đồng hoang.

Miền Bắc đất đang manh mún, nông dân đang không mấy tin vào hợp tác xã nên những hộ có tiềm lực, có hiểu biết, chí thú với nông nghiệp theo tôi có thể đi theo mô hình trang trại gia đình quy mô lớn được. Còn với những người không chí thú với nông nghiệp mà vẫn muốn giữ đất thì mô hình liên kết doanh nghiệp-nông dân là phù hợp. Hễ mô hình nào phù hợp với từng địa phương, vùng miền cụ thể thì Nhà nước nên có sự ủng hộ, trợ giúp để thúc đẩy nó.

Xin cảm ơn ông!

"Việc phân quyền quá rộng cho các cấp chính quyền địa phương trong quy hoạch sử dụng đất đã dẫn tới tình trạng lạm quyền, biến đất công thành đất tư, đất nông nghiệp chuyển đổi tùy tiện sang đất phi nông nghiệp vì lợi ích nhóm. Chất lượng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp thấp, thường xuyên bị phá vỡ vì chưa dựa trên nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch", GS.TS Chu Văn Cấp, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất